“Thành phố buồn, nhớ không em”?...

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Từ ba năm nay, trước bản Quy hoạch chi tiết của thành phố Đà Lạt, nhiều kiến trúc sư trong nước, người dân Đà Lạt và những người yêu thành phố mộng mơ đều lên tiếng, nuối tiếc về một thành phố trong rừng, “đường quanh co bên gốc thông già”… Thành phố duy nhất không đèn hiệu giao thông và ngay cả sương mù, ngàn thông cổ thụ cũng chỉ còn trong hoài niệm, với chính cư dân nơi này...
Có một Đà Lạt hiện đại của bê tông, nhà kính.
Có một Đà Lạt hiện đại của bê tông, nhà kính.

Còn lại gì trong hoài nhớ?

Ngày 26/10, Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng cho biết tỉnh đã thống nhất chọn phương án nâng Dinh tỉnh trưởng Đà Lạt lên cao 28m so với hiện trạng. Phía dưới công trình sẽ xây dựng khách sạn, vườn thực vật, không gian hội nghị, trung tâm sự kiện, thương mại, nhà hàng, lưu trú.

Kiến trúc sư (KTS) Ngô Viết Nam Sơn (chuyên gia trên 30 năm kinh nghiệm quốc tế về tư vấn thiết kế, quy hoạch kiến trúc tại châu Á và Bắc Mỹ) cho hay, không gian xanh với hàng cây cổ thụ trên đồi cùng với Dinh tỉnh trưởng là một trong những “di sản” hiếm hoi, quý giá còn sót lại của “Khu di sản Phố Việt” ở trung tâm TP Đà Lạt. Nếu UBND tỉnh Lâm Đồng chọn phương án “bảo tồn” nâng Dinh lên 28m để xây cụm khách sạn 10 tầng phía dưới, sẽ đồng nghĩa với việc chặt hết hàng cây cổ thụ, xóa sổ không gian xanh trên đồi Dinh…

Trước đây, Dinh thự cổ này là nơi làm việc và sinh sống của Thị trưởng kiêm Tỉnh trưởng Tuyên Đức tại Đà Lạt nên được gọi là Dinh Tỉnh trưởng. Tọa lạc trên một ngọn đồi có khuôn viên rộng thoáng cao hơn 1.500m so với mực nước biển, Dinh Tỉnh trưởng là một khối kiến trúc hình vuông được bao quanh bởi rất nhiều cây cổ thụ.

Cùng với đó là những ngôi nhà cổ, những biệt thự cổ cả trăm năm tuổi nữa cũng đang đối diện với giấc mơ phát triển. Đà Lạt có hơn 1.900 biệt thự, trong đó hơn 1.500 ngôi được xây dựng trước năm 1975. Thế nhưng, 30% trong số đó bị hư hỏng nặng, nhiều biệt thự cổ bị bỏ hoang.

Tuy nhiên, trên thực tế, là một trong những người nghiên cứu xây dựng tiêu chí pháp luật bảo tồn ở Đà Lạt, KTS. Cao Thành Nghiệp đã có những ngày tháng khảo sát, cẩn thận thống kê và chụp từng căn biệt thự. Con số mà KTS. Cao Thành Nghiệp thông tin khiến nhiều người giật mình hơn: “Hiện không quá 100 biệt thự có giá trị về mặt kiến trúc cần phải bảo tồn. Nếu tính cả dinh thự chùa chiền, công trình cổ thì còn khoảng 130 công trình. Tôi nghĩ không nên dùng các số liệu cũ khi cho rằng thành phố đang có một, vài ngàn cái biệt thự có giá trị kiến trúc, di sản”, vị chuyên gia có nhiều năm xây dựng đồ án thực tế tại Đà Lạt chia sẻ.

Trước đó, nhiều ý kiến tâm huyết đã được đưa ra. Ông Trần Hữu Phúc Tiến, tác giả chuyên viết về di sản và lịch sử, chia sẻ, Đà Lạt là thành phố độc đáo vì gần như người Pháp tạo nên hoàn toàn, không dựa trên nền của các đô thị Việt Nam, Đà Lạt không chỉ là một thành phố nghỉ mát của người Pháp ở Đông Dương mà từng có kế hoạch biến nơi đây trở thành thủ đô của liên bang Đông Dương.

Là thành phố nghỉ dưỡng, phong lưu sang trọng, phố núi còn có thêm yếu tố mới mà trước đây người Pháp chưa đặt ra nhiều đó là giáo dục. Đà Lạt trở thành nơi có Viện đại học và nói đến Đà Lạt là nghĩ đến một tầng lớp trí thức trẻ. Ông Tiến cho rằng, nếu muốn làm một cái gì mới cho Đà Lạt thì nên đầu tư vào khu vực mới (như Paris có khu La Défense), còn khu trung tâm với không gian văn hoá và các công trình có giá trị kiến trúc di sản thì cần phải gìn giữ, bảo tồn.

KTS. Cao Thành Nghiệp cũng cho rằng, điều làm nên nét riêng cho Đà Lạt và muốn thành phố trở thành đô thị di sản thì không chỉ dừng ở việc bảo tồn các biệt thự riêng lẻ mà cần nhìn xa hơn là không gian văn hoá, không gian lịch sử, những dấu ấn của bao lớp tiền nhân dựng nên thành phố này. KTS. Cao Thành Nghiệp mô tả những cuộc đấu tranh của người Việt trong các hội đồng thị xã Đà Lạt xưa để “chiếm lấy” khu vực chợ đến dốc Phan Đình Phùng, dốc Nhà Làng và dựng nên những khu vực riêng cho người Việt như ngày nay vẫn thấy. Bao lớp tiền nhân đã tranh đấu, trong đó phải kể đến ông Lê Phát An (1868-1946, là cậu hai của Nam Phương Hoàng Hậu) đã phải bỏ tiền và cũng nhờ nằm trong hội đồng nên mới dành được khu đất này cho người Việt. Không chỉ là dấu ấn kiến trúc, đó còn là câu chuyện lịch sử thú vị để kể với con cháu...

Sinh ra và lớn lên ở Đà Lạt, đi nhiều nơi rồi trở về, anh Nguyễn Trung Hiền đã sáng lập dự án Phố bên đồi. Theo anh Hiền, ý tưởng tốt nhất để tiếp cận, thay đổi con người là nghệ thuật, nên đã lập ra các dự án nghệ thuật, tạo điều kiện cho những người trẻ ngồi lại với nhau, định vị lại Đà Lạt thông qua nghệ thuật. Và khi tạo ra những sản phẩm cụ thể như thế sẽ gây ấn tượng với du khách. Anh Hiền cho rằng, khu vực Đồi Dinh nên là bảo tàng, khu cộng đồng chứ không nên xây cất khách sạn như các phương án kiến trúc đang trưng bày.

Đà Lạt ngàn thông nay còn đâu?

Đà Lạt ngàn thông nay còn đâu?

Đã từng là “thành phố buồn” lộng lẫy

Nhiều người cho rằng, hơn tất cả, Đà Lạt nên là thành phố của di sản và nghệ thuật. Đến Đà Lạt, Hàn Mặc Tử đã phải thốt lên những áng thơ đầy lãng mạn. Nơi đây ghi dấu những bức thư tình của Trịnh Công Sơn với cô gái Huế xinh đẹp Dao Ánh thuở thiếu nữ. Những sớm mai, những chiều hôm ở thành phố mộng mơ, trong cô tịch, buồn đẹp riêng có, là những nỗi niềm thương nhớ của những kẻ tình si, yêu thương xa vợi...

Đó còn là nhạc sỹ Lam Phương với nỗi buồn cho tình yêu mà suốt đời ôm trọn cô đơn để Đà Lạt trở nên “Thành phố buồn” vẹn nguyên trong hoài nhớ… Dường như có một thứ “tình yêu không cưới”, để nó tinh khôi, day dứt, đẹp mãi. Không phải đô thị nào cũng “biết” buồn, và có thể buồn. Nỗi buồn của kiến trúc khi đã thành “văn hóa” là một thứ năng lượng, một hấp lực tâm hồn khó cắt nghĩa. Khi mọi thứ qua đi, những gì còn lại đó là văn hóa.

Có người bảo nhớ Ga xe lửa, Nha địa dư, Nhà thờ Con gà, Nhà thủy tạ lẻ loi trong sương sớm và nhớ những cụm biệt thự cổ ở khu Mê Linh, Vạn Kiếp, Hoàng Diệu… Tất cả vẻ đẹp hài hòa ấy, gắn với con người và mang một nỗi buồn lộng lẫy. Nỗi buồn lộng lẫy ấy đi vào thơ ca, nhạc họa, văn chương miền Nam và làm Đà Lạt vang danh.

Thế nhưng, lâu đài của nỗi buồn ấy đang dần thành “kỷ niệm” với chính người Đà Lạt. Giờ đây, sương mù trở thành “hàng hiếm” ở thành phố mộng mơ này. Người Đà Lạt bây giờ cũng thèm sương, thèm chính cái mà họ không bao giờ thiếu, bởi thỉnh thoảng mới có… Ông Trần Ngọc Vinh, một nhiếp ảnh từng thốt lên tiếc nuối, khi nét duyên thầm riêng có, hồn xưa lối cũ của Đà Lạt dường như chỉ còn trong kí ức: “Đà Lạt rồi sẽ ra đi như một cuộc tình”!...

TS. Nguyễn Thị Hậu (Phó Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam) nêu quan điểm phải tìm ra bản sắc - “ADN” của Đà Lạt như thế nào thì chúng ta mới giữ được cái gọi là di sản: Đà Lạt muốn hướng đến một đô thị như thế nào? Là đô thị di sản hay là đô thị làng nhàng như những đô thị khác?…

Theo TS. Hậu, đặc trưng của đô thị đang xây của Việt Nam bây giờ là các nhà cao tầng, các trung tâm thương mại mang tên nước ngoài hoành tráng nhưng vô hồn; còn nhà dân hướng đến xây dựng các khách sạn và nhà nghỉ. “ADN” của Đà Lạt là các vấn đề. Đầu tiên Đà Lạt vẫn được gọi là thành phố thung lũng ngàn hoa, tức là nói đến địa hình, khí hậu và bây giờ có thể hướng đến là một nền nông nghiệp đặc trưng - nông nghiệp sạch về cây trái, chế biến nông sản...

Thứ hai, tính chất của thành phố này khi bắt đầu xây dựng cho đến giờ ngoài ưu thế là thành phố du lịch nghỉ dưỡng, một góc độ văn hóa nữa cần khai thác, đó là thành phố về nghệ thuật. Ca nhạc phòng trà chẳng hạn, đó là một đặc trưng rất khác Sài Gòn. Hay những nghệ sỹ độc lập ở đây và nếu có thêm mảng ký họa đô thị nữa thì rõ ràng thành phố này phải là nơi phát triển về nghệ thuật. Đà Lạt không phải là trung tâm nghệ thuật đỉnh cao như Sài Gòn hay Hà Nội mà Đà Lạt sẽ trở thành thành phố của các nghệ sỹ, TS. Hậu nhận định.

5 năm, mất 90.000ha rừng

Năm 2014, sau khi kiểm kê rừng trên địa bàn theo dự án tổng điều tra, kiểm kê rừng toàn quốc giai đoạn 2013-2016, nhiều người mới tá hỏa khi biết chưa đầy 5 năm, Lâm Đồng đã mất khoảng 90.000ha rừng, trong đó có không ít rừng thông.

Nếu trước đây, cho dù đi từ bất cứ hướng nào, khi lên Đà Lạt, cái đầu tiên đập vào mắt du khách là những cánh rừng thông cao vút, ru lên những âm thanh huyền bí mỗi khi có cơn gió ùa về. Thì nay, dù rừng thông vẫn còn đó nhưng nó dần dần thay thế, bị bủa vây bởi những công trình nhà ở, các khu du lịch từ các trục đường chính hướng đến Đà Lạt. Không những vậy, những dãy nhà kính của nông dân được mọc lên hàng loạt trên những mảnh đất mà trước đây là đồi thông.

Ngay tại hồ Tuyền Lâm vốn được biết đến với cánh rừng thông hùng vỹ thì nay khi hàng loạt biệt thự, khu nhà nghỉ cao cấp mọc lên đã làm cho cánh rừng ở đây bị loang lổ nghiêm trọng. Theo ước tính, người ta phải chặt bỏ hơn 98 ngàn cây thông, trong đó bao gồm cả cây tự nhiên và cây trồng.

Đọc thêm