Thành phố không rào cản người khuyết tật

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Tại Việt Nam, người khuyết tật chiếm 7% dân số và Việt Nam cũng đã ban hành Luật Người khuyết tật từ năm 2010, phê chuẩn Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật năm 2015, nhiều kế hoạch và chính sách đã được ban hành để hướng dẫn triển khai công ước này cũng như thực thi luật. Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong việc thực thi các chính sách cụ thể, vận hành hệ thống và dịch vụ dành cho người khuyết tật.
Người khiếm thị trải nghiệm ứng dụng hỗ trợ trong dự án thành phố thông minh.
Người khiếm thị trải nghiệm ứng dụng hỗ trợ trong dự án thành phố thông minh.

Phát triển đô thị là một thách thức đối với người khuyết tật

Đến năm 2050, Liên Hợp quốc dự đoán có khả năng sẽ có khoảng 940 triệu người khuyết tật (NKT) sống ở các trung tâm đô thị trên thế giới. Đây chỉ là một thiểu số nhỏ bé (6,25%) trong tổng số 6,25 tỷ người dân thành phố vào năm 2050. Thế nên, đối với những NKT, việc đi lại xung quanh đô thị để làm việc, nói hoặc đến thăm những người, đôi khi là khá khó khăn.

Cụ thể, đối với NKT, việc chỉ đường chưa bao gồm hết các tính năng bổ trợ, ví dụ như phải mô tả cả đường dốc và lề đường. Nhưng thực tế, nhiều thành phố trên thế giới hiện nay không cung cấp chỉ đường cho họ và họ sẽ khó đi hoặc không thể đến đích họ mong muốn. Một số khu phố ở Seattle (Mỹ) nổi tiếng không có bất kỳ vỉa hè nào và đôi khi đường cao tới 20% trên một số ngọn đồi.

Còn ở Việt Nam, thực tế lâu nay, pháp luật về giao thông cho NKT không chỉ thiếu các quy tắc riêng để hướng dẫn, điều chỉnh hành vi cho an toàn, mà còn rất thiếu chế tài để đảm bảo thực thi các quyền chính đáng của họ. Điều này khiến NKT vẫn gặp nhiều rào cản khi tiếp cận giao thông...

Tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, ở một số công trình công cộng, tuyến đường mới đã thực hiện thiết kế xây dựng đường dành cho NKT nhưng sự cẩu thả trong thi công và giám sát thực thi đã làm mất chức năng của những công trình này. Sự vất vả khi tham giao thông của NKT hiện nay khó có thể kể hết khi mà nhiều tuyến đường giao thông không có làn đường riêng dành cho NKT, thiếu các tín hiệu, ký hiệu báo đường lên xuống và thiếu những thông tin, biển chỉ dẫn về xe buýt…

Thực tế này đặt ra câu hỏi, mặc dù các quy định đã cụ thể, nhưng chế tài nào để NKT thực thi các quyền chính đáng của họ?

Những chiếc xe buýt có thiết kế dành cho người khuyết tật tại TP Hồ Chí Minh.

Những chiếc xe buýt có thiết kế dành cho người khuyết tật tại TP Hồ Chí Minh.

Thành phố thông minh - khả năng tiếp cận và trách nhiệm

Khi công nghệ và thiết kế đô thị phát triển, ngày càng có nhiều trung tâm đô thị mang đặc điểm của thành phố thông minh mà chúng ta đã mong đợi từ nhiều thập kỷ trước. Về khái niệm thành phố thông minh, cần hiểu đối với mọi thành phố, đô thị thông minh là hành trình, là con đường, chứ không phải là đích đến cuối cùng. Khi xây dựng thành phố thông minh, không đi tìm hay hướng đến sự hoàn hảo, mà là ứng dụng công nghệ để giải quyết các vấn đề phát sinh trong chính thành phố đó và hướng đến sự phát triển bền vững. Thành phố thông minh cần dựa trên các tiêu chí: thuận tự nhiên; nỗ lực xây dựng chính quyền và chính phủ; con người; sự di chuyển thuận lợi và sự sống.

Nhưng các thành phố thông minh cũng có nhiều vấn đề trong việc phát triển đô thị nơi NKT là một phần của công dân thành phố. Nếu không được đầu tư cẩn thận trong quá trình thiết kế các tuyến đường dành cho người đi bộ, các điểm giao thông công cộng và các công nghệ như biển báo kỹ thuật số và biển chỉ đường đi bộ, những NKT về thể chất ví dụ như có thị lực kém hoặc cơ địa bị tổn thương có thể nhanh chóng bị loại ra khỏi các phương tiện cơ bản hàng ngày.

Cuối tháng 3/2022, Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) - United Way Việt Nam, phối hợp với Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ, United Way Worldwide Trung tâm Khuyết tật và Phát triển (DRD) và các đối tác vừa tổ chức Hội thảo “Thành phố thông minh không rào cản cho NKT – Vì một tương lai không ai bị bỏ lại phía sau”.

Ông Phạm Hồng Quất – Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ trong việc xây dựng những thành phố thông minh: “Sự phát triển của khoa học - công nghệ giúp con người có cuộc sống tốt hơn, tiện lợi và dễ dàng hơn, đem đến lợi ích to lớn. Tuy nhiên, điều này cũng có thể gia tăng bất bình đẳng trong xã hội, khi những người thuộc nhóm yếu thế không được trang bị kiến thức cũng như thiết bị để theo kịp công nghệ mới, dễ bị bỏ lại phía sau. Việt Nam đang phải đối mặt nhiều vấn đề lớn, đặc biệt là thời kì hậu COVID-19, các nhóm yếu thế là đối tượng cần được chú trọng và quan tâm hỗ trợ, đây cũng là hạn chế trong giáo dục tiếp cận của Việt Nam. Vì vậy, tôi hi vọng nguy cơ cũng là cơ hội để chúng ta cùng nỗ lực đưa ra các sáng kiến trợ giúp cho đối tượng này”.

Từ năm 2021, Viện MSD – United Way Vietnam điều phối thực hiện dự án Giải pháp tương lai Shinhan – Shinhan Square Bridge với sự hỗ trợ về tài chính của Quỹ Hy vọng – Tập đoàn Shinhan. Được thực hiện tại 7 tỉnh, thành phố, dự án hướng tới mục tiêu nâng cao giá trị và tác động xã hội thông qua ứng dụng công nghệ, các giải pháp đổi mới sáng tạo. Tại TP HCM, dự án tập trung vào việc xây dựng mô hình thành phố thông minh không rào cản cho NKT, với nhiều hoạt động thiết thực, cụ thể hướng tới hỗ trợ cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống và thúc đẩy hòa nhập xã hội, tạo điều kiện để NKT có thể tham gia tối đa vào các hoạt động kinh tế - xã hội.

Bà Nguyễn Phương Linh - Viện trưởng MSD United Way Việt Nam chia sẻ: “Tôi tin “Smart” - thông minh không chỉ nói về trí thông minh công nghệ mà còn là một thái độ, một sự cam kết phục vụ con người. Thành phố thông minh cũng không chỉ phục vụ một vài người, một nhóm người hay những người có ảnh hưởng, có điều kiện tiếp cận, mà đảm bảo không rào cản, tiếp cận bình đẳng và công bằng cho tất cả mọi người, trong đó có NKT. Ở một mức cơ bản nhất, ở một thành phố vài triệu dân, bạn có thể thấy sự xuất hiện của NKT được tham gia giao thông, đi lại trong thành phố, đi học, ăn uống, mua sắm, làm việc, giải trí và vui chơi…”.

Ở một số công trình công cộng, thiết kế xây dựng đường dành cho NKT đã bị bỏ quên. (Ảnh minh họa)

Ở một số công trình công cộng, thiết kế xây dựng đường dành cho NKT đã bị bỏ quên. (Ảnh minh họa)

Môi trường pháp lý thuận lợi vì người khuyết tật

TP HCM là đô thị lớn nhất ở Việt Nam, có mật độ dân cư đông đúc và là đầu tàu của nền kinh tế cả nước. Để tận dụng thời cơ cách mạng công nghiệp lần thứ tư để phát triển thành phố nhanh, bền vững, thành phố đã phê duyệt Đề án triển khai đề án xây dựng TP HCM trở thành đô thị thông minh đến năm 2025; ban hành Chương trình Chuyển đổi số đến năm 2025.

Chia sẻ về quá trình thực hiện đề án, ông Lê Quốc Cường – Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM cho biết, định hướng tập trung các giải pháp là: Mở rộng và bổ sung các giải pháp công nghệ hướng tới phục vụ các nhóm yếu thế, đặc biệt là NKT, tạo điều kiện để NKT có thể tham gia tối đa vào tất cả các khía cạnh trong hoạt động kinh tế - xã hội; Thực hiện chương trình hỗ trợ điện thoại thông minh cho người dân còn khó khăn; Phát triển cơ sở dữ liệu về an sinh xã hội nhằm phục vụ tốt hơn cho công tác chăm lo những người còn khó khăn; Nghiên cứu các trợ lý ảo hỗ trợ cho các đối tượng khuyết tật; Khuyến khích các doanh nghiệp phát triển các nền tảng số, ứng dụng số để hỗ trợ NKT tham gia vào xã hội số, tham gia các hoạt động kinh tế số.

Trước đó, tháng 2/2022, ba tổ chức thuộc Liên Hợp quốc là Chương trình Phát triển của Liên Hợp quốc (UNPD), Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF) và Quỹ Dân số Liên Hợp quốc (UNFPA) cũng vừa phối hợp khởi động dự án chung về quyền của NKT tại Việt Nam, cung cấp các can thiệp đa ngành hỗ trợ Việt Nam thực hiện cam kết thực thi Công ước về quyền của NKT (CRPD). Thông qua dự án, các chuyên gia của 3 tổ chức Liên Hợp quốc sẽ chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ Chính phủ Việt Nam, chính quyền địa phương các tỉnh, thành phố và các tổ chức NKT.

“NKT chiếm 7% dân số Việt Nam. Chúng tôi với tư cách là các cơ quan của Liên Hợp quốc nhận thấy NKT không chỉ là người thụ hưởng, mà là đối tác chính trong nỗ lực hướng tới sự phát triển bền vững của Việt Nam, quyền và tiếng nói của họ cũng cần được lồng ghép vào các chương trình của Việt Nam về thực hiện Chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội”, theo Trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam bà Caitlin Wiesen.

Có thể nói, các hoạt động vì NKT đang được thực hiện trong một môi trường pháp lý thuận lợi, trong đó, Chính phủ Việt Nam cam kết mạnh mẽ đảm bảo NKT có thể tham gia đầy đủ vào tất cả các hoạt động xã hội và được hưởng các quyền cơ bản một cách bình đẳng. Chính phủ đã ban hành Luật NKT từ năm 2010 và sẽ sửa đổi trong những năm tới.

Cuối tháng 12/2021, trong buổi gặp mặt giữa Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định với 20 đại biểu, trong số 50 tấm gương thanh niên khuyết tật tiêu biểu, thuộc 34 tỉnh, thành phố tham gia chương trình “Tỏa sáng Nghị lực Việt” năm 2021, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết sẽ cùng các cơ quan của Quốc hội tiếp tục hoàn thiện và tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách có liên quan đến NKT, tạo điều kiện cho NKT được tiếp cận các dịch vụ xã hội nói chung, có những dịch vụ xã hội dành riêng cho NKT.

Đọc thêm