Thành phố thông minh không thể quá “cao siêu” với cư dân
* Về cơ bản, thành phố thông minh - smart city là mô hình thành phố ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo để quản lý, nâng cao tiêu chuẩn cuộc sống, cải thiện chất lượng phục vụ của chính quyền và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên. Nhiều ý kiến cho rằng, thành phố thông minh phải có con người thông minh để sử dụng nó. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Ông Vũ Minh Trí: Bản thân tôi và VNG tiếp cận thành phố thông minh dưới 2 góc độ. Thứ nhất, dưới góc độ người dùng, chúng tôi không thống nhất với quan điểm cho rằng một thành phố thông minh khi được xây dựng nên cần con người thông minh để sử dụng nó. Theo chúng tôi, khi một thành phố thông minh được xây dựng thì ngay cả những người dân bình thường như người già, trẻ em vẫn có thể sử dụng được.
Chúng ta không nên nghĩ là thành phố thông minh thì người dân phải tương tác với chính quyền bằng nhận dạng giọng nói, bằng công nghệ nào đó cao siêu. Thành phố thông minh phải là nơi người dân hoàn toàn có thể dùng những ứng dụng nhắn tin thông thường hoặc các thao tác dễ dàng nhất, đơn giản nhất, thuận tiện nhất để tương tác với chính quyền.
Tóm lại, đối với người dùng, thành phố thông minh phải là thành phố mang đến cho họ khả năng tiếp cận với chính quyền, tiếp cận với nguồn lực, tiếp cận với tất cả những cơ hội một cách dễ dàng nhất, tiện lợi nhất, minh bạch nhất và đỡ tốn tiền nhất.
Góc độ thứ hai là góc độ của người xây dựng thành phố thông minh - ở đây có thể hiểu là các cơ quan quản lý, chính quyền thành phố và doanh nghiệp. Người xây dựng thành phố thông minh cần nhìn từ dưới nhìn lên. Đầu tiên phải là tầng kết nối hạ tầng. Ví dụ rất nhiều thứ đang diễn ra như giao thông, khách du lịch, môi trường…, những dữ liệu đó phải có cơ chế kết nối, thu thập liên tục, đồng thời phải có công nghệ để lưu trữ dữ liệu, sau đó cần phải phân tích dữ liệu đó. Tất cả những điều đó tựu thành công nghệ chung gọi là hạ tầng điện toán đám mây.
Thành phố thông minh phải là nơi người dân hoàn toàn có thể dùng những ứng dụng nhắn tin thông thường hoặc các thao tác dễ dàng nhất, đơn giản nhất, thuận tiện nhất để tương tác với chính quyền.
Chẳng hạn, khi người dân nhắn tin báo có mưa hay kẹt đường, thì thay vì cần nhiều người xử lý, trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ phân tích, lấy tọa độ tin nhắn đó, gửi về cho đơn vị điều hành của địa phương.
*Từ kinh nghiệm của mình, ông thấy “cái khó” của các địa phương Việt Nam khi thực hiện xây dựng thành phố thông minh là gì?
- Ông Vũ Minh Trí: Vì thành phố thông minh bao gồm hạ tầng và các ứng dụng chạy trên đó, nên không khó để thấy, hiện nay, tất cả các thành phố ở Việt Nam đang gặp khó khăn về hạ tầng, đặc biệt là cơ sở dữ liệu.
Hiện Việt Nam cũng đã có một số tập đoàn công nghệ lớn cung cấp dịch vụ đám mây. Theo tôi, chúng ta nên tiếp cận theo hướng liên minh, hợp tác với nhau vì đơn giản, khó có một doanh nghiệp nào có thể một mình xây dựng toàn bộ “Thành phố thông minh đúng nghĩa”. Chúng ta cần xây dựng một hệ sinh thái hạ tầng và ứng dụng, vì mỗi người làm một chút, không “ghép lại với nhau” thì càng phân mảnh và manh mún.
Ví dụ, chúng ta đang nói nhiều về giao thông thông minh nhưng có phải chỉ áp dụng một ứng dụng chống kẹt xe duy nhất là đã giải quyết được vấn đề này? Có thể khẳng định là không có ứng dụng nào như vậy. Giao thông thông minh phải là kết quả của một loạt giải pháp phối hợp: đèn đường, giao thông công cộng, đỗ xe thông minh, phân làn,…, nên nếu các cơ sở dữ liệu của Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải không kết nối được với nhau thì sẽ không thể nào xây dựng được các giải pháp phối hợp nói trên.
Bản thân tôi từng làm việc cho các tập đoàn nước ngoài. Tôi nhận thấy những đám mây – cloud lớn như của Microsoft, Amazon, Google có 3 đặc điểm chung: cung cấp dịch vụ đầu tiên cho nội bộ, có nhóm người dùng - user đủ lớn và phong phú để phát triển, có phần mềm để làm chủ đám mây của mình. Với những đặc điểm trên, có thể nói VNG gần như là cty duy nhất ở Việt Nam hiện nay có nền tảng hội tụ đủ 3 yếu tố trên. Vì thế, từ chỗ chỉ phục vụ cho sản phẩm nội bộ thì chúng tôi quyết định bước tiếp theo mở ra dịch vụ đám mây, cung cấp cho khách hàng bên ngoài, không chỉ cho thành phố thông minh mà còn cả công cuộc chuyển đổi số.
Cần một bức tranh tổng thể của thành phố để thấy thứ tự ưu tiên “thông minh”
*Theo ông, Nhà nước có nên “ôm” toàn bộ việc xây dựng thành phố thông minh? Nên phân định hạng mục nào cho Nhà nước, hạng mục nào cho doanh nghiệp?
- Ông Vũ Minh Trí: Theo tôi, khi triển khai thành phố thông minh tại các thành phố thì cần một đề bài chung và những bài toán nhỏ, những gói nhỏ mở cơ hội do doanh nghiệp tham gia vào đó. Những mảnh ghép đó sẽ tạo nên một bức tranh lớn.
Phải lưu ý rằng, xây dựng thành phố thông minh không phải việc của chỉ nhà nước, doanh nghiệp mà cần sự tham gia của cả 3 đối tượng: Người sử dụng (người dân), nhà nước (nhà quản lý) và doanh nghiệp (cơ hội để cung cấp dịch vụ thông minh). Quá trình này chia thành hai phần: phần hạ tầng để xây dựng mọi thứ kết nối được với nhau, trên đó doanh nghiệp cung cấp ứng dụng dịch vụ cho người dân. Nhà nước sẽ giữ vai trò chủ đạo trong việc xây dựng quy chuẩn, hành lang pháp lý cho việc chia sẻ, tiếp cận cơ sở dữ liệu.
Sau khi định hình được hạ tầng sẽ là phần ứng dụng. Người dân sẽ đưa ra yêu cầu của họ về cuộc sống, cái đó là “đặt hàng” của người dân cho nhà quản lí. Kinh nghiệp của một số thành phố đã xây dựng tương đối thành công thành phố thông minh là, họ phải vẽ ra được bức tranh lớn và lấy ý kiến người dân để đưa ra thứ tự ưu tiên.
Người dân phải đóng vai trò trong việc quyết định lĩnh vực ưu tiên khi xây dựng thành phố thông minh |
Bức tranh lớn là của thành phố, hạ tầng là của chính quyền, và doanh nghiệp sẽ đóng góp ứng dụng để xây dựng thành phố thông minh. Trong đó, vai trò của các công ty công nghệ là vô cùng quan trọng. Sẽ không có sự tách rời giữa hạ tầng cứng như cầu cống, đường xá với hạ tầng công nghệ. Chính vì thế, ngân sách cho CNTT phải gắn với ngân sách cho hạ tầng nếu nói về thành phố thông minh.
Khi có đề bài cụ thể thì doanh nghiệp sẽ đóng vai trò cực kì lớn và họ sẽ nhận thấy mô hình kinh doanh từ đó. Trong mô hình này, Nhà nước không nên xây datacenter do chi phí nhiên liệu, con người, vận hành, bảo trì là quá lớn, vượt quá nguồn thu ngân sách nhà nước. Nhà nước nên chạy dịch vụ trên các datacenter của các doanh nghiệp đang có sẵn như VNPT, Viettel, VNG,… để giảm bớt chi phí.
*Hiện có rất nhiều tỉnh thành của Việt Nam hoặc đang từng bước triển khai xây dựng đô thị thông minh hoặc đang nghiên cứu xây dựng. Theo ông, có cần phải xây dựng thành phố thông minh ở tất cả các tỉnh không? Những địa phương không bị sức ép về giao thông, dân số… nên xây dựng thành phố thông minh như thế nào?
- Ông Vũ Minh Trí: Mục tiêu của việc xây dựng thành phố thông minh là khi các đô thị lớn bị sức ép do dân số đông, thu hút nhiều khách du lịch… mà hạ tầng về giao thông, năng lượng, con người, chịu không được, ngân sách nhà nước thì có hạn nên người ta phải nghĩ ra giải pháp thông minh. Bản chất của thành phố thông minh là kết nối tất cả các nguồn lực, tạo ra một bức tranh tổng thể, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đó. Sau khi các nguồn lực kết nối được với nhau thì người ta có thể xét đến các lĩnh vực kinh doanh mới.
Ví dụ, trong một thành phố, có bệnh viện thì rất đông bệnh nhân, có bệnh viện lại vắng, có bệnh viên thừa vắc xin, có bệnh viện lại thiếu. Hoặc có những địa phương tập trung đầu tư nhiều khách sạn, phòng trọ nhưng lại chưa có khách du lịch. Đây chính là vấn đề về phân bổ và sử dụng nguồn lực. Thông qua các giải pháp thông minh, các địa phương sẽ có những chương trình thúc đẩy du lịch, thu hút GDP,…
Không nên rập khuôn triển khai thành phố thông minh, cần phải căn cứ vào tình hình từng tỉnh.
Theo tôi, không nên rập khuôn triển khai thành phố thông minh, cần phải căn cứ vào tình hình từng tỉnh. Ví dụ, địa phương ít xe cộ sẽ không cần đầu tư làm giải pháp chống kẹt xe. Như vậy, bức tranh tổng thể thì như nhau nhưng thứ tự ưu tiên thì sẽ khác nhau.
Phải lưu ý rằng không có bức tranh thành phố thông minh nào là đúng, là chuẩn hoàn toàn hết, mà tùy thuộc vào góc nhìn, tùy thuộc vào quyết tâm chính trị của lãnh đạo khi quyết định thành phố thông minh sẽ xây dựng theo mô hình nước nào: Anh, Thụy điển, Singapore… Nhưng thành phố phải có bức tranh, trên đó mô tả nhu cầu, thứ tự ưu tiên của thành phố, và đấy sẽ là cơ hội cho các nhà kinh doanh tham gia vào.
Cho dù bức tranh có thể sai, sai ít sai nhiều nhưng còn hơn là không có. Công nghệ thay đổi rất nhanh, nếu muốn tìm cái hoàn hảo thì chắc chắn là không có, nên là làm rồi thấy sai thì sửa thôi.
*Xin cảm ơn ông!