Thanh tra việc chấp hành Luật Đất đai tại Hóc Môn (TP HCM): Kiểm điểm trách nhiệm Phòng TN&MT

(PLVN) - Thanh tra TP HCM vừa thông báo kết luận thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật đất đai về thời gian giải quyết hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất, hồ sơ tách thửa đất, quy hoạch chi tiết xây dựng dự án… của UBND huyện Hóc Môn trong năm 2017. 
Bộ phận một cửa của UBND Hóc Môn
Bộ phận một cửa của UBND Hóc Môn

Là huyện vùng ven TP HCM, trong năm 2017 tổng số hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất và tách thửa đất chỉ có 53 hồ sơ, tuy nhiên các cơ quan chức năng huyện Hóc Môn đều giải quyết trễ hạn với tỷ lệ từ 82% đến 100%. 

Theo Thanh tra TP, UBND huyện Hóc Môn giải quyết hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất cho người dân trong năm 2017 rất chậm, 82% hồ sơ trễ hạn. Số ngày trễ nhất từ 100 đến 244 ngày là không đúng quy định.

Tương tự, việc giải quyết hồ sơ tách thửa đất cũng chậm không kém. Tỷ lệ hồ sơ trễ hạn đến 100%, số ngày trễ nhiều nhất từ 100 đến 323 ngày. 

Việc chậm giải quyết hồ sơ đất đai tại UBND huyện Hóc Môn do có sự chậm trễ tham mưu của Phòng TN&MT, Phòng Quản lý đô thị, Văn phòng HĐND và UBND huyện, UBND các xã, chủ yếu trễ tại Phòng TN&MT và Phòng Quản lý đô thị. 

Trụ sở UBND Hóc Môn
Trụ sở UBND Hóc Môn 

Thanh tra TP cho rằng, UBND huyện Hóc Môn giải quyết hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất và tách thửa đất trễ hạn với tỷ lệ cao, từ 82% đến 100%, số ngày trễ hạn nhiều, có trường hợp trễ 323 ngày, trong khi số lượng hồ sơ cần giải quyết trong năm 2017 không nhiều. Cụ thể, cả huyện chỉ có 28 hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất và 25 hồ sơ tách thửa đất. 

UBND huyện lý giải, do năm 2017 là năm đầu tiên huyện tập trung khắc phục các sai phạm về quản lý đất đai, xây dựng theo kết luận của Uỷ ban Kiểm tra Thành uỷ và Thanh tra TP. Đến năm 2018 và 2019, tỷ lệ giải quyết hồ sơ đất đai đúng hẹn hơn 98%. 

Thanh tra TP nhận thấy, ngoài lý do khách quan như trên thì cán bộ công chức tham gia giải quyết hồ sơ của UBND huyện Hóc Môn chưa tập trung, chưa nỗ lực thực hiện. Lãnh đạo UBND huyện không kiểm soát thời gian giải quyết hồ sơ tại từng giai đoạn, từng bộ phận. 

Ngoài ra, cuối năm, UBND huyện cũng không tổng hợp chi tiết các trường hợp giải quyết hồ sơ trễ hạn để có chỉ đạo, chấn chỉnh kịp thời. 

Để giải quyết nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất cho người dân, UBND huyện Hóc Môn đã ban hành quy trình thẩm định nhu cầu đồng thời chuyển mục đích sử dụng đất làm nhà, thời gian giải quyết là 30 ngày. 

Có trường hợp khi làm thủ tục, Phòng TN&MT huyện lại có văn bản gửi người dân đề nghị bổ sung giấy tờ chứng minh nhu cầu về nhà ở là không phù hợp, vì nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất đã được thể hiện tại đơn xin chuyển mục đích sử dụng đất. 

Còn với quy trình tách thửa đất, UBND huyện có quy định kết quả của việc tách thửa là công văn đồng ý tách thửa để người dân liên hệ Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện lập thủ tục biến động.

Theo Thanh tra TP, quy định này không phù hợp vì kết quả của quy trình tách thửa phải là Giấy Chứng nhận QSDĐ. Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai phải là đầu mối tiếp nhận hồ sơ, sau đó chuyển đến UBND huyện thẩm định điều kiện tách thửa. 

Từ những hạn chế tại kết luận thanh tra, Chủ tịch UBND TP giao Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn tổ chức kiểm điểm trách nhiệm của Phòng TN&MT, Phòng Quản lý đô thị, UBND các xã và các cá nhân có liên quan. 

Chỉ đạo các phòng, ban chấm dứt việc có văn bản gửi người dân đề nghị bổ sung các giấy tờ chứng minh nhu cầu về nhà ở. Xây dựng quy định về kiểm tra, giám sát thời gian giải quyết hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất và tách thửa đất. 

Liên quan lĩnh vực thực hiện pháp luật đất đai tại TP HCM, mới đây, trong buổi làm việc với Đoàn giám sát Ban Dân vận Thành uỷ TP HCM, Quận uỷ quận 12 đã báo cáo việc thực hiện Chỉ thị 23 của Thành uỷ TP về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn.

Theo Phó Bí thư Thường trực Quận ủy quận 12 Trần Văn Út, thực hiện Chỉ thị 23, quận đã kéo giảm đáng kể số vụ vi phạm xây dựng không phép, sai phép. Hiện còn 35 công trình không phép, sai phép đang được xử lý. 

Về thực hiện Chỉ thị 23, Ban Thường vụ Quận ủy đã có chỉ đạo UBND quận và các phường kiên quyết xử lý các vi phạm về xây dựng sai phép, không phép gắn với xử lý cán bộ để xảy ra vi phạm về trật tự đô thị. Kết quả đạt được có phần nhờ hình thức công khai các công trình không phép, sai phép lên trang mạng xã hội của UBND quận.

Không chỉ công khai các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng, trang mạng xã hội Facebook của UBND quận còn cung cấp các thông tin quản lý địa phương trên mọi lĩnh vực như thủ tục đất đai, quy hoạch, y tế, giáo dục, vệ sinh môi trường, an ninh trật tự… để người dân trên địa bàn nắm rõ. 

Ngoài ra, thông qua kênh thông tin này, UBND quận còn đưa ra những cảnh báo đến người dân. Đơn cử như trường hợp tự lập dự án “ma” phân lô bán nền trái phép và làm giả Giấy Chứng nhận QSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất tại phường Thạnh Xuân vào tháng 8/2019. 

Vị trí khu đất có dự án “ma” là tại thửa đất số 101, 113, 114, 115, tờ bản đồ số 2 (tài liệu năm 2004-2005) giáp rạch Rỗng Tùng, tổ 33, khu phố 2, phường Thạnh Xuân. Theo quy hoạch vào năm 2012, khu đất này được quy hoạch công viên cây xanh 150ha.

“UBND quận rất mong nhân dân lưu ý thông tin để cảnh giác, tìm hiểu thông tin quy hoạch, pháp lý nhà đất, dự án tại cơ quan Nhà nước trước khi thực hiện giao dịch, tránh bị lừa đảo, thiệt hại tài sản”, quận cảnh báo. 

Một lãnh đạo UBND quận 12 cho biết, bên cạnh việc cách làm truyền thống, trang mạng xã hội của quận cũng là kênh tiếp nhận phản ánh của người dân hiệu quả. Những phản ánh này sẽ được chuyển đến các đơn vị chuyên môn giải quyết, cách làm này được người dân trên địa bàn đánh giá cao.

Đọc thêm