Bắt nguồn từ tình yêu
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghề nuôi rắn, ngay từ khi còn nhỏ, anh Trị đã được tiếp xúc với loài bò sát ăn thịt, không chân, thân hình tròn dài và nguy hiểm này. Với nhiều người đó là nỗi sợ nhưng với anh đó là một người bạn đem lại sự sung túc cho gia đình.
Được tiếp xúc, học hỏi những kiến thức, kinh nghiệm từ nhỏ. Năm 2000, sau khi xây dựng gia đình, vợ chồng anh Trị mua 100 con rắn giống, chủ yếu là rắn hổ mang phì về nuôi. Sau thời gian chăm bẵm, đàn rắn của gia đình anh bắt đầu sinh sản và cho xuất buôn lứa rắn giống đầu tiên.
Nhận thấy lợi nhuận cao từ việc nuôi rắn, năm 2012, anh Trị tiếp tục đầu tư xây dựng thêm chuồng trại nuôi rắn hổ mang phì với diện tích hơn 400m2. Mỗi ô rắn, anh Trị đều xây theo thiết kế chuẩn, liền kề nhau, vừa tiết kiệm diện tích chuồng trại vừa tiện việc chăm sóc cho ăn và khi cần bắt rắn.
Hiện tại trại rắn độc của gia đình anh Trị có khoảng gần 2.000 con rắn hổ mang phì và hàng nghìn quả trứng rắn chuẩn bị nở. Thức ăn chính của rắn hổ mang phì chủ yếu là gà con.
Chia sẻ về phương thức chăm sóc rắn cho rắn sinh trưởng, phát triển tốt, anh Trị cho biết, cứ 4-5 ngày gia đình anh lại dọn dẹp sạch sẽ chuồng trại và thay đất cho từng ô rắn. Cho rắn uống thuốc kháng sinh dự phòng và thắp điện, bật quạt thông gió đảm bảo chuồng nuôi khô ráo, thoáng mát để rắn không bị bệnh.
Nghề nuôi rắn tuy cho hiệu quả kinh tế cao song cũng nhiều hiểm nguy đe dọa. “Ai cũng biết nghề nuôi rắn độc một vốn bốn lời nhưng luôn phải chấp nhận rủi ro đôi khi còn phải đánh đổi bằng cả tính mạng của mình. Trong tủ thuốc gia đình lúc nào cũng phải có sẵn hộp thuốc sơ cứu phòng khi bị rắn cắn. Loài rắn hổ mang phì được nuôi thường có nọc độc rất mạnh, do vậy, nghề này giống như đang chơi đùa với tử thần, chết lúc nào không biết. Đặc biệt là vào mùa giao phối, rắn hổ mang thường dữ tợn và hay tấn công người hơn. Nếu trong lúc cho rắn ăn mà không có bảo hộ hoặc sơ suất thì rất có thể bị rắn cắn bất cứ lúc nào” – anh Trị chia sẻ.
Thu về bạc tỷ mỗi năm
Theo anh Trị, rắn tại Vĩnh Sơn cũng như rắn nuôi tại gia đình anh chưa bao giờ bị ế hàng, các sản phẩm từ rắn được xuất buôn cho các thương lái trong xã thu gom và xuất đi thị trường Trung Quốc.
Là một trong gần 100 hộ gia đình nuôi rắn ở Vĩnh Sơn, hiện gia đình ông Trị đang sở hữu một trại rắn có quy mô 7.000m2 với khoảng 3.000 con với đủ các loại, từ rắn độc như hổ mang chúa (có con nặng tới 15kg đã nuôi được 6 năm) đến các loại rắn không độc như hổ trâu, hổ mang thường,…
Theo anh Trị, để nuôi một con rắn, chi phí thức ăn, thuốc cho rắn tốn rất ít, mỗi năm chỉ mất khoảng hơn 100 triệu đồng nhưng nếu tìm được thị trường tiêu thụ ổn định sẽ đem lại lợi nhuận vô cùng lớn. Thức ăn cho rắn là những con gà, vịt, ngan mới nở…được mua từ các lò ấp thải loại với giá từ 25.000 – 30.000 đồng/kg. Mỗi con rắn thường 3 ngày mới ăn một lần và thường nuôi 2 năm thì sẽ thu hoạch. Mức chi phí cho một con rắn đến lúc thu hoạch vào khoảng 6kg.
Mỗi con rắn khi cho xuất bán có trọng lượng bình quân hơn 2kg, giá bán trung bình từ 650 – 700 nghìn đồng/kg. Mỗi năm, trại rắn của gia đình anh Trị xuất bán khoảng hơn 1 tấn rắn thương phẩm và hàng nghìn con rắn giống với giá 100 nghìn đồng/con, chủ yếu bán rắn giống cho bà con nuôi rắn địa phương. Trừ chi phí, mỗi năm trại rắn đem về cho gia đình anh Trị hàng tỷ đồng.
Làm kinh tế giỏi nhưng anh không giữ lại cho riêng mình, anh truyền nghề cho tất cả đoàn viên thanh niên trong xã khi đến tham quan, học hỏi mô hình trại rắn của gia đình anh, động viên các thanh niên trong xã mạnh dạn vay vốn, áp dụng khoa học kỹ thuật vào phát triển kinh tế gia đình...
Không những thế, anh Trị còn được biết đến là một Bí thư đoàn xã năng nổ, gương mẫu, luôn tích cực tham mưu với Đảng ủy, UBND xã Vĩnh Sơn về chương trình, phong trào công tác Đoàn thanh niên, tổ chức các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức về nghề nghiệp để giúp thanh niên có nhận thức đúng về lao động và việc làm. Anh là người được coi là cởi mở, tốt bụng khi thường xuyên gần gũi, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên thanh niên, kịp thời giúp họ tháo gỡ những khó khăn, giúp đoàn viên có thêm lòng tin và yên tâm tham gia phong trào Đoàn và phong trào giới trẻ khởi nghiệp ở địa phương.