Thắp lên hy vọng trong “khủng hoảng”

(PLVN) - Khi ở nhà, người dân nhiều nước trên thế giới vẫn miệt mài tham gia vào những hoạt động cộng đồng, cống hiến cho xã hội và lan tỏa tinh thần tích cực. Dù chỉ là những lời động viên hay kể lại những câu chuyện bi hài xen lẫn lãng mạn, họ vẫn duy trì một sự kết nối với thế giới bên ngoài, thông qua nhiều cách khác nhau, chứ không để bản thân “đắm mình” trong sự chán nản và đơn điệu của những ngày cách ly.
Nhiều người chọn chia sẻ sự tích cực qua mạng xã hội.

101 cách “hồi đáp” tươi đẹp

Theo tờ Indian Express, nếu “làn sóng” COVID-19 đầu tiên cho mọi người một “nốt lặng” để sống chậm lại và theo đuổi đam mê cá nhân thì diễn biến căng thẳng của dịch bệnh năm 2021 đã để lại cho hầu hết người dân Ấn Độ sự mất mát và nỗi đau buồn. Cụ thể, không giống năm ngoái, phần lớn người dân Ấn Độ chia sẻ họ không còn tận hưởng những việc thảnh thơi như bánh mì chuối, vẽ tranh, làm vườn hay thử những sở thích mới. Nhưng không vì thế mà họ mất đi hy vọng. Ngược lại, những thông điệp tích cực đang được chia sẻ ngày càng nhiều hơn trên mạng xã hội, không chỉ từ những tài khoản người dùng nổi tiếng mà cả những người dùng khác.

Đơn cử, diễn viên nổi tiếng Shefali Shah chia sẻ trên mạng xã hội của mình rằng, dịch bệnh và chuỗi ngày cách ly dài đằng đẵng khiến chúng ta cảm thấy dễ bị tổn thương hơn bao giờ hết. Cô viết: “Dường như không có điều gì có thể làm chúng ta an tâm. Nỗi sợ hãi, thất vọng, thậm chí là tuyệt vọng, trở thành một phần trong cuộc sống. Tuy nhiên, thay vì đánh rơi bản thân vào tâm lý bất lực, chúng ta có thể cố gắng làm bất cứ điều gì trong phạm vi cho phép để giúp đỡ người khác. Có người hiến máu, có người làm đồ ăn gửi tới tuyến đầu hoặc cho những ai cần, có người hỗ trợ về giường bệnh… Giúp đỡ người khác nhưng hơn hết là giúp đỡ chính mình, giúp chúng ta nhận ra mục tiêu sống, không còn ngập tràn trong cảm giác vô dụng khi phải ở nhà”. Nữ diễn viên cũng chỉ ra rằng, dù những nỗ lực của cô “chưa thấm vào đâu” so với bi kịch mà người khác đã hoặc đang phải đối mặt, nhưng cô vẫn cần phải làm điều gì đó.

Mặt khác, diễn viên Shilpa Shetty Kundra cũng cổ vũ mọi người nên nghỉ ngơi nếu “cảm thấy quá tải”: “Gửi tới tất cả những người đang miệt mài chiến đấu với Covid-19 hoặc đang giúp đỡ những người khác, tôi hiểu rằng trận chiến này không hề dễ dàng đối với bất kỳ ai. Nhưng hãy nghỉ ngơi dù chỉ một chút. Hãy củng cố sức khỏe tinh thần và thể chất để bạn có thể làm những gì bạn mong muốn”.

Những thông điệp tích cực đóng vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân Ấn Độ hiện nay. Theo nhà tâm lý học Agreed Sahana S, Trung tâm Mpower – Bengaluru, làn sóng dịch thứ hai đã “tàn phá nhiều hơn, cả về thể chất và tinh thần” của người dân Ấn Độ. Nhưng, trong những lúc hoang mang, lo lắng, suy sụp nhất, con người dù ở nhà vẫn có nhu cầu kết nối và chia sẻ với người thân, bạn bè, đồng nghiệp, thậm chí là người lạ, để cùng vượt qua nỗi buồn và sự đơn điệu của những ngày cách ly.

Ở một đất nước khác - Puerto Rico, một giáo sư tâm lý học tại Đại học Puerto Rico đã nghĩ ra cách khiến cho khóa học trực tuyến của mình mang tính “phục hồi” hơn đối với sinh viên. Đó là khóa học về “các mô hình trị liệu tâm lý học đương đại” của Giáo sư Liza M. Meléndez-Samó. Khi phải tổ chức lớp học online trong thời gian giãn cách, bà đã “biến” môi trường lớp học thành một không gian trực tuyến về trị liệu tâm lý bằng nghệ thuật để các học viên học cách xử lý cảm xúc kìm nén khi phải ở nhà. Bà giao cho mỗi sinh viên thực hiện bốn bức vẽ về bản thân trong ngôi nhà của mình, khuyến khích sự sáng tạo và nhấn mạnh “quá trình quan trọng hơn kết quả”. Trong giờ thảo luận, các sinh viên phân tích ý nghĩa và tìm kiếm các khía cạnh tích cực trong những bức tranh cũng như trong quá trình tạo ra nó. Ý tưởng lớp học trị liệu của Liza đã cung cấp cho sinh viên một không gian để bày tỏ và suy ngẫm về những cảm xúc họ đã và đang trải qua, đồng thời tự tìm “lối thoát” cho bản thân. Nhiều sinh viên đã phản hồi rằng, đây chính là một trong những lớp học trực tuyến ưa thích nhất của họ.

Còn ở bang British Columbia (Canada), cũng có một dự án mang tên “Chương trình Dịch vụ Tâm lý Khẩn cấp” do Hiệp hội Tâm lý học British Columbia và Đại học British Columbia-Okanagan lập ra. Chương trình dành cho các sinh viên cao học, nghiên cứu sinh, thực tập sinh về tâm lý học thực hiện các dịch vụ tham vấn, trị liệu tâm lý miễn phí qua điện thoại cho các nhân viên y tế tại tuyến đầu chống dịch, góp phần giảm bớt áp lực cho họ. Zarina Giannone, một trong những tình nguyện viên, cho biết: “Khi tham gia chương trình này, tôi cảm thấy bản thân bớt đi gánh nặng tâm lý kể từ khi đại dịch bắt đầu. Những y, bác sĩ ở tuyến đầu đã hoạt động không mệt mỏi để đảm bảo sự an toàn và sức khỏe của mọi người. Và nay là sự đáp trả chân thành của tôi với họ”.

Bi hài tình yêu ngày cách ly

Ở một diễn biến khác tại Vương quốc Anh, một nghệ sĩ trẻ tuổi ở London đã thực sự lập dự án đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: “Nếu giãn cách toàn xã hội, mọi người phải ở nhà và cách ly khỏi những người khác, vậy tình yêu sẽ nảy sinh như thế nào?”. Thậm chí, tờ The New Yorker (Mỹ) gọi nghệ sĩ Philippa Found là “chuyên gia về tình yêu thời giãn cách xã hội”. Từ đợt giãn cách xã hội đầu tiên ở Anh, khoảng tháng 5/2020 và cũng là năm Found 19 tuổi, cô đã bắt đầu thu thập hơn 900 bài viết về tình yêu thông qua dự án nghệ thuật trực tuyến có tên “Lockdown Love Stories” (tạm dịch: Những câu chuyện tình thời cách ly). Cô đã xây dựng trang web “Lockdownlovestories.com” để mọi người có thể gửi những câu chuyện lãng mạn của họ dưới dạng ẩn danh và “quảng cáo” về dự án này bằng cách viết đường link URL của trang web bằng phấn lên vỉa hè của một số công viên tại London mỗi khi được ra ngoài.

Trong bài phỏng vấn với tờ The New Yorker, Found chia sẻ: “Tôi muốn tạo ra không gian mà mọi người có thể chia sẻ câu chuyện tình yêu mùa dịch của họ. Và hơn hết, những độc giả cũng có thể đồng điệu thốt lên “ôi chúa ơi, tôi cũng thế” hay “tôi rất vui khi không chỉ mình mối quan hệ của tôi diễn ra như vậy”. Found kể rằng, có những câu chuyện thực sự lãng mạn như một phần của một cuốn tiểu thuyết. Ví dụ, trong một câu chuyện, tác giả viết: “Chúng tôi gặp nhau trong đợt giãn cách thứ nhất và yêu nhau trong đợt giãn cách thứ hai. Anh ấy đi từ quê nhà để gặp tôi trong buổi hẹn hò đầu tiên (tất nhiên khi điều đó là hợp pháp), tôi chưa bao giờ cảm thấy bị thu hút với ai như vậy”. Một câu chuyện khác thuộc về một chàng trai đã phải lòng một cô gái nhưng chưa bao giờ được gặp trực tiếp cô ấy, anh đã viết: “Bảy tuần hẹn hò qua video, những cuộc gọi điện thoại dài không hồi kết và hàng nghìn tin nhắn WhatsApp. Chúng tôi mong muốn mãnh liệt được phá vỡ các quy tắc giãn cách để đến với nhau ngay lúc này”.

Trong một số câu chuyện khác, virus Sars-CoV-2 đã trở thành “bà mối” cho đôi lứa. Một lần nữa tác giả kể lại việc bị chủ nhà buộc rời khỏi căn hộ và phải chuyển ngày đến ở một căn hộ khác. Cuối cùng cô phải lòng người bạn cùng nhà mới: “Giãn cách xã hội, chúng tôi bị mắc kẹt trong nhà, ở bên nhau 24/7 và tận hưởng từng giây phút một. Cùng nhau nấu ăn tại nhà, chơi các trò chơi điện tử, cùng nhau xem phim, uống rượu với nhau và còn nhiều kỷ niệm khác. Như một lẽ đương nhiên, tôi không thể ngăn bản thân phải lòng anh ấy”. Mặt khác, sự giãn cách xã hội còn có thể làm lộ ra những “vết nứt” trong một mối quan hệ. Một số tác giả chia sẻ những người thích gặp gỡ trực tiếp thường ít nhiệt tình hơn khi sử dụng FaceTime, mối quan hệ từ đó cũng “nhạt nhòa dần”. Một tác giả khác cho biết đã hẹn hò với một người đàn ông trước khi lệnh hạn chế được thắt chặt. Nhưng sau đó, anh ta đột nhiên “mất hút” không lời từ biệt.

Found cho biết, không phải tất cả câu chuyện đều kịch tính hoặc lãng mạn, nhưng chắc chắn những cảm xúc yêu thương của con người không thể bị giới hạn bởi bất kỳ lệnh hạn chế nào. Từ dự án của mình, Found nhận định: “Tình yêu trong bối cảnh đại dịch, cũng như du lịch hay dịch vụ nha khoa vậy, không hề đơn giản mà gặp phải rất nhiều thách thức về mặt lí trí và cảm xúc. Điều này không chỉ diễn ra ở các cặp đôi mới quen, đang yêu mà thậm chí xảy ra ở cả những cặp đôi đã kết hôn lâu năm. Giờ đây, bên cạnh vô vàn những lý do trong một mối quan hệ lãng mạn, còn có thêm một lý do nữa – đó chính là dịch bệnh COVID-19”...

Đọc thêm