“Sống bám đá, chết bám đá, thành bất tử”
Từ TP Hà Giang, con đường dẫn lên điểm cao 468 chồm lên trên con dốc chênh vênh, một bên là vách đứng, một bên là vực thẳm, với những khúc gấp cua tay áo và vòng xoáy ốc lên cao dần. Trên điểm cao này, nơi đã từng đặt Sở Chỉ huy của Sư đoàn 356, Đài hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ vươn thẳng trên nền trời trong veo, bời bời hoa gạo tháng ba…
Lưng chừng cao điểm 468, nơi từng đặt sở chỉ huy tiền phương Sư đoàn 356 giờ xây đài hương và khu tưởng niệm liệt sĩ hy sinh tại Vị Xuyên, do các cựu chiến binh đóng góp, vận động nguồn xã hội hóa. Đứng ở nơi này nhìn được toàn cảnh chiến trường xưa. Nơi đây, đã có những cột mốc chủ quyền được dựng bằng máu xương, bằng tuổi xuân của biết bao người lính.
Đài hương 468 được khởi công xây dựng, tôn tạo từ đầu tháng 11/2016 tại xã Thanh Thủy với tổng kinh phí 446 triệu đồng và đến ngày 17/1/2017 được khánh thành. Đài gồm nhà đài hương, bia Tổ quốc ghi công, bia kiến lập đài hương, bia ký ức không quên. Công trình là tấm lòng, là nén tâm nhang của những đồng đội tưởng niệm các chiến sĩ anh dũng hi sinh trên mặt trận Vị Xuyên.
“Sống bám đá, chết bám đá, thành bất tử”, lời thề người lính Vị Xuyên được khắc trên tấm bia đá tạc hình những người lính đứng hiên ngang dưới bóng Quân kỳ Quyết thắng ở ngay dưới chân đài hương. Sau những trận đánh ác liệt và chịu nhiều hy sinh cách đây 40 năm, thời gian đã hàn gắn phần nào vết thương của cuộc chiến song ký ức đau thương trong lòng những người lính Vị Xuyên dường như vẫn còn nguyên và chỉ cần nhắc đến là nước mắt lại chực trào. Bởi ở đó là tuổi trẻ và máu xương của họ và hàng ngàn liệt sỹ đã ngã xuống.
Không ít người cho rằng, chiến dịch Thành cổ Quảng Trị diễn ra 81 ngày đêm cũng không gian khổ, khốc liệt bằng trận chiến hàng ngàn ngày ở Vị Xuyên. Bộ đội ta ban ngày phải quyết liệt giữ chốt dưới mưa đạn pháo của quân thù, ban đêm thì vận chuyển nước uống, gạo sấy, cơm nắm, đạn dược lên các điểm cao.
Những ngày gian khổ ấy, thức ăn của chiến sĩ rất đạm bạc, thậm chí không có đủ mắm tôm để phát cho bộ đội ăn. Ở trên chốt lâu ngày, bộ đội ta để tóc dài, râu dài… không cắt, thậm chí không dám bắt tay nhau để kiêng tránh mọi sự rủi ro.
Ngày 12/7/1984, trận mở màn chiến dịch MB84 của bộ đội Việt Nam giành lại cao điểm, hơn 1.000 chiến sĩ đã hy sinh. Tổng cộng, trong 6 năm ấy (1984- 1989), hơn bốn nghìn người lính đã nằm lại nơi chiến trường Vị Xuyên. Có đến một nửa trong số đó, vẫn chưa thể trở về quê mẹ sau hơn 30 năm. Hài cốt của họ còn nằm trên những sườn giông, vách núi...
Trong 5 năm, hơn 50 vạn quân Trung Quốc tiến công toàn diện biên giới Vị Xuyên, hơn 2 triệu quả pháo bắn vào Hà Tuyên, hơn nửa số đó là đạn cối, tập trung vào Thanh Đức, Thanh Thủy, 685, 772, đồi Đài, Cô Ích, Bốn Hầm… trở thành những mục tiêu hủy diệt của đạn pháo Trung Quốc. Điểm cao 685 có chỗ bị bạt đến 3m, trở thành “Lò vôi thế kỷ”. Quân của 9 đơn vị chủ lực Việt Nam thay phiên nhau bổ sung cho chiến trường. Nhiều đợt nhập ngũ diễn ra, hàng nghìn thanh niên tuổi đôi mươi đi về phía “lò vôi” không hẹn ngày về.
Các trận đánh ác liệt nhất ở Vị Xuyên diễn ra trong các năm 1984 và 1985. Nhiều đơn vị đã được phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân như Tiểu đoàn 4 (Trung đoàn 153, Sư đoàn 356), Trung đoàn 567 của Sư đoàn 322 và nhiều cá nhân Anh hùng như: Lê Trần Mã của Trung đoàn 153, Sư đoàn 356; Anh hùng liệt sĩ Hoàng Hữu Chuyên, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 174, Sư đoàn 316; Anh hùng Nguyễn Viết Linh với câu nói nổi tiếng ”Sống bám đá, chết hóa đá, thành bất tử” 5 lần bị thương không rời trận địa… Trong 10 năm chiến đấu bảo vệ biên giới, có nhiều địa danh nổi tiếng của Vị Xuyên, Hà Giang đã đi vào lịch sử như: Đồi Đài, Cô Ích, Hang Lò, Hang Dơi, 685, 772…
Và làng văn hóa, tâm linh dưới chân núi Thần
Đã gần 30 năm biên giới ngưng tiếng súng và người dân đi sơ tán từ khắp nơi đã trở về, dựng lại những mái nhà, trồng lại những khoảng nương và thu dọn chiến trường để hồi sinh dải biên cương của Tổ quốc. Thôn Nậm Ngặt (nơi đài hương 468), thời điểm ác liệt nhất của cuộc chiến, mấy chục hộ người Dao trong bản nhận được lệnh sơ tán đến huyện Bắc Mê. Tất cả hoạt động được tiến hành ngay trong đêm, ai cũng tưởng chỉ đi ngắn ngày.
Nhưng ngờ đâu, cuộc sơ tán ấy kéo dài tận 10 năm. Đến năm 1990, biên giới ngưng tiếng súng bà con vì nhớ đất ông cha nên cùng nhau trở về. Nhà cửa bị xóa sổ, xung quanh là vô số mìn còn sót lại. Giữa tận cùng cái khổ, người trong bản cùng dựa vào nhau, dựng nên những ngôi nhà chung, hướng dẫn nhau tránh mìn, gỡ mìn, vừa làm lại những mảnh nương để trồng lúa và nuôi dê…
|
Những người dân thôn Thanh Sơn (Thanh Thủy, Vị Xuyên) nhận cờ Tổ quốc |
Cách Nậm Ngặt vài cây số, chúng tôi vào Bản Pin (nay là thôn Thanh Sơn, xã Thanh Thủy). Nơi đây được xem là tuyến phòng thủ thứ 2 sau các chốt ở các cao điểm và được mệnh danh là “Thủ đô của lính” lúc bấy giờ. Trước mắt chúng tôi, những chứng tích lịch sử trong cuộc chiến đấu giành lại các cao điểm trên mặt trận biên giới vẫn vẹn nguyên. Vẫn còn đó cửa hang Thẳm Nghịa và những ngôi nhà đá tựa lưng vào các vách núi dựng đứng.
Bản Pin (Pin theo tiếng Tày có nghĩa là trèo, leo) vốn là một vùng đất có địa thế hiểm trở, phía Tây được che chắn bởi dãy núi Đán Thân hay còn gọi là núi Thần. Đây cũng là điểm cuối cùng của các phương tiện cơ giới. Vì vậy Bản Pin được xem là hậu cứ của bộ đội ta. Dọc theo chân núi Thần được bố trí nhiều hệ thống tác chiến như: Sở Chỉ huy, kho hậu cần, trạm phẫu thuật và hệ thống hầm, hào chiến đấu...
Chiến tranh đã lùi xa gần 30 năm, người dân Bản Pin lại trở về trên mảnh đất quê hương để xây dựng và bảo vệ biên giới. Bản Pin giờ là Làng Văn hóa du lịch cộng đồng thôn Thanh Sơn. Không còn cảnh hoang tàn do đạn pháo hay phải vượt qua những khúc suối mà thay vào đó là những con đường bê tông trải dài đến từng hộ dân, những ngôi nhà sàn mang đậm bản sắc bà con bản địa...
Trưởng thôn Thanh Sơn Nguyễn Văn Liền cho biết: Thôn có tổng diện tích 320 ha, với 76 hộ, 369 khẩu, 5 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc Tày chiếm hơn 90%. Toàn thôn có 13 hộ dân tham gia phát triển dịch vụ ăn uống, ngủ nghỉ phục vụ cho khách du lịch. Thu nhập của người dân chủ yếu là phát triển nông nghiệp, nhiều mô hình chăn nuôi lợn, dê với quy mô trang trại, gia trại... Đến nay, toàn thôn hiện có 10 hộ giàu, hộ khá và trung bình chiếm đa số.
Đi trên dải biên cương chiến trường xưa, chúng tôi rưng rưng xúc động khi hát Quốc ca trong buổi sớm mai cùng 500 đại biểu tham gia lễ chào cờ đặc biệt “Tôi yêu Tổ quốc” tại Đài hương 468. Trong mùa xuân ấm no, nhắc nhớ thế hệ trẻ hôm nay biết trân trọng máu xương của biết bao người lính tuổi đôi mươi đã viết lên khúc tráng ca trong trận chiến giữ từng tấc đất của Tổ quốc.
Nơi ấy, những người vợ sau gần 40 năm vẫn lặn lội từ miền Nam ra tìm chồng. Nơi ấy, những người lính luôn đau đáu tìm lại đồng đội mình. Nhạc sỹ Trương Quý Hải chia sẻ: “Những người đã từng ôm xác đồng đội chắc chắn có cảm giác giống hệt nhau về tâm linh, đó là tin linh hồn của đồng đội vẫn sống với mình. Khi về đây, chúng tôi lại có cảm giác sống chung một cõi với người đã khuất.
Lại trở về ngày xưa, mày mày tao tao, thằng sống nói với thằng chết, không còn âm dương cách biệt. Đối với tôi, đó là những năm tháng đẹp đẽ nhất, thấy đời mình có ý nghĩa nhất. Tôi vẫn còn nhớ có lần nghỉ phép về thăm gia đình, thấy mọi người vẫn yên ổn liền xin rút phép trở về sư đoàn bởi rất nhớ anh em đồng đội, nhớ cuộc sống quân ngũ…
Khi tới Hà Giang, chứng kiến người dân ở đây vẫn bình thản sống, những người lính trẻ cảm thấy vững tâm hơn rất nhiều. Câu nói được khắc trên báng súng của Anh hùng liệt sỹ Nguyễn Viết Linh “Sống bám đá - Chết hóa đá - Thành bất tử” đã thể hiện rõ tinh thần đó.
Và nữa, anh Hoàng Nam Tiến, Giám đốc Công ty phần mềm FPT, con trai tướng Hoàng Đan (vị tướng chỉ huy mặt trận Vị Xuyên) với những câu chuyện đặc biệt về cha mình. Cựu chiến binh Nguyễn Văn Đệ về những câu chuyện người lính tuổi 20 trên mặt trận Vị Xuyên…
Chúng tôi chia tay Vị Xuyên trong niềm rưng rưng thương nhớ những cây gạo nở hoa đỏ rực khắp các triền đồi. Người dân nơi đây ví mỗi bông hoa gạo đỏ giống như linh hồn của một người lính đã ngã xuống vì sự bình yên của vùng biên giới Tổ quốc.
Mang trên vai sứ mệnh tiên phong đưa FPT vươn ra toàn cầu, anh Tiến bày tỏ: “Tôi mong thế hệ trẻ sẽ không phải trải qua một cuộc chiến tranh nào nữa. Bàn tay cầm súng sẽ dùng bàn phím, ngón tay bấm cò sẽ bấm chuột máy tính mang trí tuệ Việt Nam ra toàn cầu. Dù có đi đâu, có kiếm được nhiều tiền, có bận rộn vì việc cạnh tranh trên thị trường toàn cầu thì chúng tôi cũng luôn luôn nhớ về Vị Xuyên, nhớ về những con người ở đây”…