Thắt lòng 8 em nhỏ mỏi mòn chờ bố mẹ đến đón

Sau 6 năm, 10 cậu bé được bộ công an giải cứu trong chuyên án triệt phá đường dây buôn bán người đã lớn lên trông thấy, mặt mũi khôi ngô, sáng sủa. Hiện tại, 8/10 em vẫn mòn mỏi chờ đợi để tìm được gia đình tại Trung tâm bảo trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tại TP.Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.

Thắt lòng trước những nụ cười thơ ngây

Một chiều, tôi đến thăm trung tâm bảo trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt thuộc sở LĐ-TBXH tỉnh Quảng Ninh, đây là ngôi nhà của hơn 120 em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt. Và cũng là nơi suốt ba năm qua đã nuôi dưỡng 10 cậu bé được giải cứu trong chuyên án triệt phá đường dây buôn bán người của Bộ công an vào ngày 15/7/2011. Các em được bộ công an đặt với những cái tên đặc biệt khi ghép lại Cộng, Hòa, Xã, Hội, Chủ, Nghĩa, Việt, Nam, Hùng, Mạnh.

Hiện tại, hai cháu Cộng và Mạnh đã tìm được người thân. Do mẹ Cộng và Mạnh là mắt xích trong đường dây buôn bán trẻ em bị triệt phá trên nên sau khi thụ án xong mẹ cháu Cộng đã làm giấy tờ, thủ tục xác nhận và đưa cháu về đoàn tụ với gia đình. Còn đối với Mạnh, mẹ em vẫn chưa thụ án xong nên hiện tại Mạnh vẫn được nuôi dưỡng tại trung tầm cùng 8 em còn lại.

Các em bé đang chờ đợi những vòng tay yêu thương và mái ấm gia đình 

Các cô giáo trong trung tâm cho biết, năm 2013, khi mới đón các em về trung tâm, em nào cũng xanh xao, gầy còm, ốm yếu, một thời gian dài các cô phải dành cho các em chế độ dinh dưỡng, ăn uống đặc biệt để các em có thể trạng bình thường như  các bạn cùng trang lứa.

Thế rồi thời gian trôi qua, đã ba năm kể từ ngày 10 em được nhận về Trung tâm, các em giờ đã lớn phổng phao, lúc nào cũng quấn lấy nhau, cùng ăn, cùng đi học cùng đi chơi. Mỗi khi muốn gọi các em các cô chỉ cần hô Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam Hùng Mạnh là cả nhóm lại tập trung đầy đủ.

Khoảng 17h, không gian trong trung tâm bảo trợ đang im ắng bỗng được khuấy động bởi những tiếng tíu tít. Từ ngoài cổng các em ùa về nhảy nhót, khoanh tay nhanh miệng “con chào các mẹ, chúng con đã đi học về”. Nhìn các em mặt mũi khôi ngô, sáng sủa nhưng có điều đặc biệt đó là các em đều có đôi mắt buồn.

Thấy chúng tôi, các em ùa vào chào hỏi, có lẽ chúng đang nghĩ chúng tôi là cha mẹ đang đến tìm những đứa con thất lạc. Những đôi mắt to, tròn, thơ ngây ban đầu nhìn về phía chúng tôi như dò xét điều gì đó. Rồi nhanh chóng sau đó, chúng cứ ùa tới hò reo, tạo dáng trước ống kính, tranh nhau đòi xem ảnh cười khúc khích.

Nhìn các em nô đùa, chị Nguyễn Thị Cẩm, một trong những cô giáo trực tiếp nuôi day các em từ lúc mới về trung tâm cho biết,  tất cả các em đều hiếu động, tinh nghịch, thông minh, đặc biệt các em rất gắn bó thân thiết với nhau. Khi được giải cứu các em chỉ là những đứa trẻ còn ẵm trên tay mới vài tháng tuổi.  

Các em lớn lên trong trung tâm, tất cả như một đàn chim non ngơ ngác, không người thân, không có quá khứ, kỷ niệm về cha mẹ. Chỉ có những nụ cười thơ ngây, giòn tan. Các em không hề hay biết mình là nạn nhân trong một đường dây buôn bán người...

Cần một mái ấm gia đình 

Bà trần Thị Thanh Tâm, Phó giám đốc trung tâm, chia sẻ, các cô nuôi dưỡng, chăm sóc, thương yêu các em hết mực, luôn tạo điều kiện tốt nhất để cho các em phát triển và học tập như bao bạn bè khác. Nhưng thực tế, không gì tốt hơn là một đứa trẻ được nuôi dưỡng và lớn lên trong một gia đình có tình thương yêu của cha, mẹ. Các cô đều hy vọng các em sẽ tìm được gia đình thực sự của mình.

"Tuy nhiên, dù các em được trở về với gia đình, chúng tôi cũng chưa hết băn khoăn, trăn trở. Như trường hợp cháu Cộng, chúng tôi nửa mừng nửa lo khi mẹ em từng lầm lỗi, hoàn cảnh gia đình khó khăn, chẳng may mẹ em “ngựa quen đường cũ” thì Cộng lại một lần nữa bơ vơ. Ngày trao Cộng về gia đình tôi và các mẹ chia sẻ với mẹ Cộng từ sở thích, nếp ăn, nếp ngủ. Mong sao khi về với gia đình Cộng được sống trong tình yêu thương chăm sóc của một gia đình đúng nghĩa”, bà Tâm bộc bạch.

Ba năm trôi qua đã có rất nhiều người tìm đến trung tâm để xác nhận huyết thống với các em. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có trường hợp nào được xác nhận là bố, mẹ, người thân của 8 em còn lại.

Bộ công an đã đăng thông tin tìm người thân cho các em. Nếu không có ai đến nhận, Bộ sẽ chuyển Hồ sơ qua Cục con nuôi (Bộ LĐ-TBXH) để tìm gia đình nhận các em làm con nuôi.

Đọc thêm