Hành trang "kiếm cơm" của một "bóng hồng bói" chỉ vỏn vẹn một mảnh bao tải rách với dòng chữ viết nguệch ngoạc "bói bàn tay" là có thể kiếm vài trăm nghìn đồng một buổi tối dễ như bỡn.
Thu nhập hàng tháng mang lại cho "thầy bói" gần 10 triệu đồng. Để an lòng các "thượng đế" đến xem thầy còn ngang nhiên tự xưng là cháu giám đốc Công an TP.Hà Nội.
Lấp lửng nước đôi
Không dễ nhận ra "chị bói" khá trẻ chừng 24-26 tuổi tối tối với chiếc xe đạp mini cà tàng cùng đồ nghề "kiếm cơm" án ngữ ngay trên vỉa hè đường Xuân Thủy (Cầu Giấy, Hà Nội).
Để thuận tiện hành nghề cũng như bắt được nhiều "gà", bóng hồng bói đón lõng ngay trên vỉa hè đường dẫn đến cổng "chợ sinh viên" (đối diện ĐH Quốc gia Hà Nội), một chợ "hàng Tàu khủng" thu hút hàng nghìn người mỗi tối.
Một "thầy" bói vỉa hè hành "nghề" buổi tối. |
Để tránh tình trạng xem bói quỵt, ngay từ đầu "thầy" thẳng thắn đưa ra mức giá: "Chị chỉ xem bói bàn tay, muốn xem đặt ít nhất 20.000 đồng, chị xem cho mọi đường". Khi cá đã cắn câu thì việc phán thế nào là chuyện của "thầy". Trước khi phán "thầy" nhìn "tổng quan" một lượt, rồi hỏi tuổi khách hàng. "Thầy" bảo: "Điều gì thấy đúng thì em bảo đúng, còn không thì bảo không".
Cứ như vậy, với thượng đế nào "thầy" cũng hỏi những câu tương tự. Còn phần phán về đường tình duyên, đường học hành, gia đình, sự nghiệp thì "thầy" dựa vào tâm lý, phong cách ăn mặc, đoán trúng thì tốt mà không trúng thì thôi.
Tôi chứng kiến "thầy" bói cho một thanh niên với dáng vẻ ngoài khá sành điệu, nước da trắng trẻo, cậu ta đặt hẳn 50.000 đồng để "thầy" xem kỹ. Với những đặc điểm tâm lý trên, "thầy" phán nước đôi: "Ngay từ nhỏ em sinh ra trong một gia đình không giàu không nghèo, bố mẹ buôn bán hoặc đi làm. Bố mẹ em hiền lành, yêu thương con cái không để cho con cái thua bè kém bạn. Cậu luôn sống như công tử, làm ít mà tiêu nhiều. Không phụ công bố mẹ và gia đình cậu học từ lớp 1 đến lớp 12 toàn học sinh giỏi, tiên tiến, đầu óc thông minh....".
Nhiều bạn xem bói xong, mặt ngẩn tò te, không biết có nên tin hay không. Cậu Việt ở Bắc Giang lên Hà Nội ôn thi là một ví dụ. Thấy đám đông, cậu cũng ngó vào xem. Đặt 20.000 đồng, "thầy" phán liền: "Em là một người yếu ớt. Nhưng rồi nay mai em lấy được người vợ mau mồm mau miệng, về sẽ làm chồng em, cô này lùn lùn, mặt tròn tròn hay vuông, nhưng cũng xinh. Em rất hiền, không có tài nhưng được cô vợ kéo lại.
Em sống ở nhà không sướng đâu, tiền bạc không có mấy, phải lo nghĩ nhiều. Em ra ngoài đời sẽ phải tự lập nhiều hơn, sẽ kiếm được tiền và sống thoải mái hơn nếu sống xa bố mẹ. Trước mắt, sự nghiệp của em vẫn còn lang thang và lông bông lắm, phải cuối đời mới mong khấm khá lên được. Nhìn chung con đường sự nghiệp của em cũng vất vả, khó khăn vì tính em "cả thèm chóng chán", đứng núi này trông núi nọ".
Không chỉ xem về đường tình duyên, sự nghiệp mà ngay cả tuổi thọ "thầy" cũng có thể phán. Điều này không ít người nghe xong tỏ ra khá lo lắng, sợ hãi. Việt tiếp tục hỏi thầy về sức khỏe, thầy nhìn kĩ vào lòng bàn tay trái rồi phán: "Em sống đến ngoài 60 tuổi, nếu tai qua nạn khỏi thọ đến 83 tuổi".
Nghe "thầy" phán, sắc mặt cậu nam sinh biến sắc hẳn, nửa tin nửa ngờ. Dù biết gặp phải thầy bói "rởm" nhưng người xem đã trả tiền trước, nên đành "ngậm bồ hòn làm ngọt". "Biết thế này em không xem từ đầu, xem rồi thêm lo. Hiện tại chẳng thấy điều gì đúng, tương lai toàn là điều xui xẻo. Mất tiền thêm lo, may mà có 20.000 đồng, bói với chả toán, thế mà nhiều người vẫn lao vào", Việt than thở.
Xưng "cháu bác Nhanh" để "trấn an" Thượng đế"
Tưởng rằng chỉ có một số người vi phạm Luật Giao thông trong thời gian vừa qua tự xưng là cháu bác Nhanh (tức trung tướng Nguyễn Đức Nhanh, giám đốc Công an TP. Hà Nội). Tuy nhiên, ngay cả người bói dạo vỉa hè này cũng tự xưng là cháu bác Nhanh để nhằm xin xỏ cơ quan chức năng khi bị bắt và làm an lòng "thượng đế".
Chưa đầy năm phút sau, một cô gái lại tiếp tục "xin chết". Cô này tỏ ra khá cẩn trọng: "Chị ơi xem bói giữa đường thế này có sợ bị bắt không, nếu đang xem mà công an trật tự phường đi qua thì sao, hay xem xong em trả chị tiền được không?".
Chị bói rút ngay chiếc điện thoại trong túi và phân trần: "Em yên tâm đi, chị là cháu bác Nhanh mà, số điện thoại đây, cần thiết chị gọi ngay" (!?).
Trước đó, nhiều chuyện bi hài đã xảy ra trên địa bàn TP. Hà Nội. Một số người vi phạm Luật Giao thông khi bị cảnh sát giữ lại xử phạt thì tự xưng là cháu bác Nhanh, rồi đe dọa, ngăn cản lực lượng chức năng làm nhiệm vụ để hòng thoát tội như trường hợp chủ xe Nguyễn Văn Hoàn (Từ Liêm, Hà Nội), Nguyễn Chí Linh (Tây Hồ, Hà Nội)... Nhưng chuyện một "thầy" bói dạo, tự xưng là cháu ông nọ bà kia, ngang nhiên hoạt động ngay tại Thủ đô, rất cần cơ quan chức năng ngăn chặn và dẹp bỏ.
Thu nhập gấp 3-4 lần lương cử nhân mới ra trường Hết tốp này đến tốp khác sa vào chỗ "thầy" tại góc đường Xuân Thủy, Cầu Giấy chỉ chưa đầy một giờ đồng hồ, thầy đã ôm gọn gần 100.000 đồng. Thầy bảo, ăn thua gì như thế này vẫn còn ít đấy, có những hôm gặp khách VIP đặt luôn 100.000 đồng. Cứ như vậy hàng tháng thu nhập của bói vỉa hè cũng kiếm gần 10 triệu đồng mà không mất vốn mất lãi gì. Tính ra thu nhập riêng buổi tối của "thầy" cũng gấp 3-4 lần lương một cử nhân mới ra trường. |
Theo Người đưa tin