Thầy cúng bị đuổi ra rừng sau vụ thảm sát 3 người chết

(PLO) - Sau cuộc tàn sát khiến 3 người thiệt mạng, vì ghét mê tín dị đoan, nên cả làng đã đuổi người phụ nữ hành nghề thầy mo ra rừng sống.  
Bà Pok từng bị trục xuất khỏi làng
Bà Pok từng bị trục xuất khỏi làng

Thầy mo “tay nghề kém”

Bà Pok (SN 1937) ngụ làng Đăk Yă, (xã Đăk Yă, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai),  vốn sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân ở làng bên. Lớn lên, bà được một chàng trai ở làng Đăk Yă thương yêu, lấy làm vợ.
Sau 5 năm chung sống, bà Pok sinh cho chồng 1 người con trai và 3 người con gái khỏe mạnh. Hạnh phúc đang đơm hoa kết trái trong mái tranh nghèo thì chồng bà bất ngờ ngã bệnh rồi qua đời. Bà Pok ở vậy nuôi cả đàn con.
Một lần, con gái út bị bệnh nên bà Pok đem con đến nhờ một ông thầy mo trong làng chữa trị.
Trong khi theo dõi thầy mo hành nghề, bà cho rằng mình “rất thích hợp với nghề này” nên đã xin theo học. Sau một thời gian dài làm “đệ tử”, bà Pok được ra nghề.
Kể từ đó, bà Pok trở thành thầy mo chuyên đi cúng cho dân làng cầu mưa thuận gió hòa, bà con chăn nuôi thuận lợi, cây trái tốt tươi. Không những thế, một số người mê tín trong làng khi bị ốm đau, bệnh tật cũng thường xuyên tìm tới nhờ bà chữa trị.
Tất nhiên chữa bệnh bằng cúng bái thì không thể khỏi. Trong số hàng chục người đã qua tay bà thầy cúng này, số ít người may mắn tự khỏi, nhưng có người bệnh nặng hơn rồi qua đời.
Nỗi nghi ngờ về “tay nghề” của thầy cúng bắt đầu âm ỉ được nhen nhóm. Rồi đến một ngày tai họa giáng xuống nhà bà Pok khiến bà rơi vào cảnh khốn cùng.
Lời đồn nhảm độc ác
Một đêm giữa năm 2006, dân làng Đăk Yă đã kéo đến nhà  Duân, Kel (cùng SN 1982) đánh chết hai người này và bố của Kel. Nguyên nhân chỉ vì Duân và Ken là hai đối tượng trộm cắp  lại tung tin “tụi tao có thuốc bay nhảy ăn thịt người”.
Nỗi bực tức với mê tín dị đoan không dừng lại ở đó, một nhóm thanh niên lợi dụng cơ hội, dùng bụi than bôi vào mặt với mục đích giả những người bị “thư” chết về trả thù, rồi một nhóm sang nhà bà Pok để “luận tội”.
Họ lôi bà thầy cúng này ra ngoài, đẩy ngã dúi dụi cạnh đống lửa đang cháy rừng rực rồi hỏi: “Mày có thuốc bay nhảy ăn thịt người đúng không?”.
Nhưng dù bà Pok đã giải thích cặn kẽ thì những đối tượng đang trong tâm trạng bị kích động vẫn không tin, vẫn “buộc tội” bà có “thuốc ma quái”.
May mắn thay, trong lúc đám thanh niên định lấy mạng bà Pok thì những người già đã kịp chạy đến ngăn cản. Nhờ đó, bà Pok chỉ bị đánh cho một trận rồi trục xuất ra khỏi làng. Bà Pok phải bỏ vào rừng dựng lều lánh nạn gần một năm ròng rã.
Trong quá trình lánh nạn, bà Pok rất hoảng sợ. Cứ nghe ngóng có người tới gần là bà lại trốn sâu hơn vào rừng thẳm. Để có thể sống qua ngày đoạn tháng, bà phải ăn quả rừng vì không có khả năng săn con thú trong rừng, bắt con cá dưới suối.
Sống đói khát như thế, đến một ngày bà Pok không chịu được nữa mới mò ra khỏi rừng để kiếm đồ ăn dành cho con người. Chẳng ngờ bà bị người ta phát hiện rồi bắt đưa về nhà. Nhưng cũng nhờ việc này mà sau đó chính quyền và cơ quan công an đã phát hiện sự việc, trấn an dân làng, vận động bà quay lại làng sinh sống.
Sống tủi nhục  
Bà Pok tâm sự: “Thực tình tôi không biết loại thuốc ma quái hay thuốc bay nhảy ăn thịt người có hình thù như thế nào. Chính tôi cũng rất sợ cái loại thuốc mang tên kỳ quái đó. Tôi là con người, tôi muốn ăn bát cơm, tại sao mình phải hại họ chứ?
Ngôi nhà sàn rách nát của bà Pok bị cả làng “tẩy chay”.
Ngôi nhà sàn rách nát của bà Pok bị cả làng “tẩy chay”.
Bị cả làng hắt hủi, xa lánh, tôi thấy đời mình tủi nhục lắm. Thật khó sống biết bao khi phải tách ra khỏi cộng đồng nhưng tôi vẫn cố gắng làm cho dân làng hiểu tôi là người có cái bụng tốt. Xin dân làng đừng xa lánh tôi, con tôi, cháu tôi. Ở tuổi này, tôi sắp chết rồi”.
Trò chuyện với bà Pok mới biết, những ngày tháng trở về nhà của bà hóa ra vẫn còn rất đắng cay, bởi cả làng vẫn không ai nói chuyện, quan hệ với bà.
“Kể cả khi làng có cúng “con ma” hay lễ lạt gì đó, nếu tôi đến thì mọi người lại cùng nhau bỏ đi hết.”, bà Pok “kể khổ”.
Sự việc còn tệ hại hơn khi một số kẻ xấu bụng đồn thổi rằng bà Pok bị mọc một cái mồng trên đầu và hay đi bắt gà qué. Thời gian đó, khu chôn cất người chết trong làng có vết đào xới. Khi nguyên nhân còn chưa tỏ tường thì bà Pok bị vu rằng đã tìm đến khu nhà mồ để ăn đồ cúng tế.
Thậm chí có người còn nói bà Pok ăn thịt người chết, khiến cả làng kinh hãi và càng xa lánh góa phụ này.
Không những thế, trong làng còn lưu truyền một tin đồn nhảm là khi đêm về, đặc biệt là những đêm đầy sương mù, có một người đàn bà đi lang thang trong đêm với khuôn mặt được che kín. Người đàn bà bí ẩn này đi đến cả những khu nhà mồ, rồi mất hút vào những cánh rừng rậm rạp.
Chính vì thế, người dân làng Đăk Yă luôn sống với tâm trạng lo lắng trong một thời gian dài. Đám trẻ con không được người lớn cho ra đường, không được tiếp xúc với người lạ. Một số còn không dám đến trường học. Người lớn đi làm rẫy phải lo về sớm, dọc đường đi tập trung cảnh giác xem có ai đi theo sau mình không, đặc biệt là khi thấy bà Pok thì chạy trốn.
Không giấu được âu lo và nỗi buồn trên nét mặt, chị Rak (SN 1976, con gái bà Pok) tâm sự: “Mất một thời gian dài gia đình tôi ăn không ngon, ngủ không yên vì sự đối xử lạnh lùng của bà con. Không chịu được sự ghẻ lạnh ấy, 3 anh chị em của tôi đã phải chuyển đi nơi khác sống.
Mẹ tôi chỉ hành nghề thầy mo chứ nào có loại thuốc quỷ quái như nhiều người dân đồn thổi. Tôi cũng thấy tủi nhục nhưng vẫn quyết tâm ở lại làng. Cũng vì tổ tiên nhà tôi còn ở đây nên tôi không thể đi khỏi nơi này được”.
Theo ông H’Lây, Trưởng Công an xã Đăk Yă “Tính đến thời điểm này, cuộc sống gia đình bà Pok đã bình yên hơn trước. Một số hộ gia đình hành xóm đã qua lại trò chuyện, thăm hỏi mỗi khi nhà bà Pok có người đau ốm. Những người trong làng không còn sợ hãi mỗi khi gặp bà Pok nữa”./.
Chuyên mục Bạn đọc của Báo Pháp luật Việt Nam tiếp nhận tất cả những đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo của độc giả có căn cứ và theo đúng quy định của pháp luật...Chúng tôi sẽ hồi âm sớm nhất đến bạn đọc.

Mọi kiến nghị, phản ánh gọi vào số: 0944 988 788 hoặc gửi qua hòm thư: baodientuphapluat@gmail.com

Đọc thêm