Thầy đánh trò bị thương đáng lên án cả về đạo đức và pháp luật

(PLO) - Thời gian gần đây, khá nhiều vụ việc thầy đánh trò, rồi "thầy trò đánh nhau" gây thương tích và hình ảnh xấu cho ngành giáo dục Việt Nam. Những người thầy nói trên không chỉ phạm vào quy tắc đạo đức của nghề "trồng người", mà còn có nguy cơ phạm pháp.
Vụ ẩu đả của thầy giáo và học sinh trên bục giảng (ảnh trích từ Clip)
Vụ ẩu đả của thầy giáo và học sinh trên bục giảng (ảnh trích từ Clip)
Thầy giáo côn đồ
Mới đây, một clip dài hơn một phút quay lại cảnh thầy giáo đánh tới tấp hai học trò rồi bị các em đánh lại khiến cộng đồng mạng xôn xao, rồi từ đó, gây ra sự phẫn nộ của toàn xã hội vì sự “xuống cấp” trong đạo lý thầy – trò. 
Thầy giáo trong clip là giáo viên Trần Tuấn Anh, 24 tuổi, mới về trường được 5 tháng, lá giáo viên hợp đồng của trường. Theo nhiều thông tin thì đây không phải lần đầu thầy Tuấn Anh có hành vi vượt quá giới hạn giảng dạy với học trò. 
Tiếp sau đó, một sự việc khác, cũng gây phẫn nộ không kém xảy ra trong ngành giáo dục, đó là sự việc một thầy giáo dạy Mỹ thuật lớp 8 ở trường THCS Hương Bình (Hương Khê, Hà Tĩnh), đã tát vào mặt một học sinh khiến em phải nhập viện. 
Trước đó, cuối năm 2013, một thầy giáo ở Nghệ An, chỉ vì nhậu say, đã đánh vào đầu và mặt ba em học sinh lớp 6 khi ba em này đang chơi đùa, sau đó còn “tịch thu” điện thoại để học sinh không gọi “cầu cứu” phụ huynh được. Cũng tại Nghệ An, tháng 11/2013, một thầy giáo đã đánh học sinh lớp 4 bằng tay và thước đến mức học sinh này phải nhập viện.
Không đến mức đánh đập hay gây thương tích, nhưng một số thầy cô trường tiểu học Hoàng Diệu ở huyện Bù Gia Mập, Bình Phước, lại có cách thức trừng phạt học sinh đáng sợ không kém: Bắt học sinh ăn ớt. Trong hai ngày liền, ba giáo viên trên đã phạt hàng chục học sinh các lớp thuộc hai khối 4, 5 ăn ớt vì không học bài và nói chuyện riêng trong lớp. 
Các giáo viên này sau đó đã bị Phòng GD-ĐT huyện Bù Gia Mập đề nghị ban giám hiệu Trường tiểu học Hoàng Diệu xử lý kỷ luật nghiêm khắc, cắt thi đua và điều chuyển công tác… Tương tự, các hình thức kỉ luật nghiêm cũng đã được đưa ra với các giáo viên đã có những hành xử, hành vi bạo lực đối với học sinh đã kể trên: Thầy giáo trong clip “thầy trò đánh nhau”  thì nhận kỉ luật cắt hợp đồng, buộc thôi việc. Thầy giáo tát học sinh thủng màng nhĩ nhận kỉ luật cảnh cáo. Thầy gáo đánh học sinh nhập viện ở Nghệ An bị điều chuyển đến trường học thuộc miền núi và bồi thường cho gia đình học sinh 10 triệu đồng…
Tha thứ vì “tôn sư trọng đạo”?
Xã hội, công chúng và các nhà quản lý trong ngành giáo dục cũng đã lên án nghiêm khắc những hành vi như thế, nhưng một sự thật cần nhìn nhận là chuyện phạt quá tay, đánh, gây thương tích từ nhẹ đến nặng cho học sinh vẫn xảy ra và ngày một nghiêm trọng hơn, nguyên nhân là do đâu?
Nhiều người lý giải rằng, trong quá trình giảng dạy, tiếp xúc và giáo dục học sinh, mỗi em một cá tính, chuyện thầy cô có lúc thiếu kiềm chế, hành động bộc phát là có thể thông cảm được. Và dù sao, chuyện đã xảy ra thì cũng nên tha thứ cho người thầy, để thầy làm lại, và cũng vì truyền thống “tôn sư trọng đạo” của dân tộc ta. 
Thế nhưng, nhìn ở khía cạnh khác, thì một khi đã bước chân vào con đường giáo dục, có nghĩa là thầy cô đã trải qua quá trình hấp thu học vấn, kiến thức và có sự rèn luyện để trở thành một “nhà giáo”, cũng có nghĩa là phải xác định dùng kiến thức và cả cái tâm, tình thương của mình dạy dỗ học sinh nên người. 
Để cho cơn giận của mình lấn át lý trí, hành xử thiếu sư phạm, thậm chí có tính chất bạo lực là người thầy đã làm xấu hình ảnh của mình, làm hỏng đi mục đích giáo dục học sinh về nhân cách và để lại những tổn thương sâu sắc trong tâm hồn những đứa trẻ chưa lớn. Hậu quả như thế thì khó có thể nói là thông cảm dễ dàng được. 
Một khía cạnh khác ít được đề cập đến, đó là điều chỉnh hành vi của giáo viên gây thương tích cho học sinh bằng pháp luật.
LS Trần Minh Hùng, Đoàn LS TP.HCM phân tích: Để biết được thầy giáo đánh học sinh thủng màng nhĩ như trên có bị xử lý hình sự hay không còn tùy vào mức độ, hậu quả  hành vi của thầy giáo với học sinh. Nếu hành vi tát của thầy giáo đối với học sinh đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì thầy giáo sẽ phải chịu trách nhiệm Hình sự.
Phạm tội đối với trẻ em là trường hợp người phạm tội xâm phạm trực tiếp đến tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự và các quyền khác mà trẻ em có theo quy định của pháp luật. Theo Điều 1 Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em thì người dưới 16 tuổi là trẻ em.
Đối với trường hợp trên, nếu một tai của cháu đã bị thủng màng nhĩ như báo chí đưa tin thì theo quy định của pháp luật hiện hành, cụ thể là Thông tư 28/2013 của Bộ Y tế, Bộ Lao động Thương Binh và Xã hội thì trường hợp nghe kém một tai chia làm 4 mức: Nghe kém nhẹ: 3%; Nghe kém trung bình: 9%; Nghe kém nặng: 11-15%; Nghe kém quá nặng: 16-20%
Tuy nhiên, nếu căn cứ vào Điểm d, Khoản 1, Điều 104, Bộ Luật Hình sự hiện hành thì hành vi của thầy giáo có thể đủ yếu tố cấu thành tội “cố ý gây thương tích”. Kể cả thương tích dưới 11%, nhưng phạm tội đối với trẻ em (dưới 16 tuổi).
Còn theo LS Nguyễn Thanh Tùng thì hành vi “tát liên tiếp vào mặt học sinh” của thầy giáo ở Bình Định nói trên, cũng như một số hành vi bạo lực quá mức mà nhiều thầy cô giáo dùng để “giáo dục” các em học sinh thời gian qua có thể phạm vào hành vi “Làm nhục người khác” quy định trong Bộ Luật Hình sự. 
Tuy nhiên, đây là một hành vi rất khó để phân định rõ ràng, nhất là trong môi trường giáo dục, dưới góc độ “thầy dạy dỗ trò”. Tội danh rõ nhất vẫn là “cố ý gây thương tích”. 
Nếu trường hợp thầy tát trò liên tục, đánh mắng trò nặng tay, hoặc gây hậu quả không hay, nếu nhẹ, người thầy có thể bị xử phạt hành chính, và đó sẽ là căn cứ để nếu thầy còn tái phạm việc đánh đập học trò quá mức độ “giáo dục”, thì sẽ bị xử lý về tội danh Cố ý gây thương tích tùy theo mức thương tật tùy mức độ, tính chất, hành vi…và yếu tố cấu thành tội phạm.

Đọc thêm