Cũng xin nói thêm, 3 dự án luật nói trên đã được Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội tiến hành thẩm tra sơ bộ cuối tháng 8 vừa qua.
Với Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, theo dự thảo luật thì ngưỡng tối thiểu thực hiện dự án PPP theo từng lĩnh vực do Chính phủ quy định chi tiết nhưng không thấp hơn 200 tỷ đồng (trừ dự án áp dụng loại hợp đồng kinh doanh - quản lý (O&M) là dự án cung cấp dịch vụ, không có cấu phần xây dựng).
Dự thảo luật cũng quy định Chính phủ quyết định việc cấp bảo đảm cân đối ngoại tệ cho từng dự án. Hạn mức bảo đảm cân đối ngoại tệ là 30% doanh thu của dự án bằng tiền đồng Việt Nam sau khi trừ số chi tiêu bằng đồng Việt Nam, dù Ngân hàng Nhà nước kiên trì bảo lưu quan điểm không thể sử dụng dự trữ ngoại hối để bảo đảm ngoại tệ.
Với dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) điểm đáng chú ý là khái niệm doanh nghiệp nhà nước đã được sửa đổi để bao gồm hai loại doanh nghiệp: doanh nghiệp mà nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ và doanh nghiệp mà Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Dự thảo cũng bổ sung một chương là hộ kinh doanh, dù còn ý kiến nhiều chiều về việc có nên đưa hộ kinh doanh vào phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật này hay không.
Về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) thì một trong những điểm nổi bật của lần sửa đổi này là bãi bỏ 12 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Dự thảo luật cũng đã loại bỏ nhà ở thương mại ra khỏi đối tượng ưu đãi đầu tư để thống nhất với quy định của Luật Đất đai...
Ngoài 3 dự án luật trên, tại phiên họp kéo dài hai tuần này, UBTVQH còn cho ý kiến nhiều dự án luật khác: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều, Luật Chứng khoán (sửa đổi), Luật Thanh niên (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước, Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội. Chuẩn bị cho kỳ họp gần nhất của QH, UBTVQH sẽ nghe và thảo luận về các báo cáo trong lĩnh vực tư pháp, báo cáo công tác phòng chống tham nhũng của Chính phủ. Một số nội dung đáng chú ý khác cũng được xem xét tại phiên họp, như báo cáo sơ kết 5 năm triển khai thi hành Hiến pháp...
Việc xây dựng hệ thống pháp luật (HTPL) hoàn chỉnh phải là một quá trình lâu dài và liên tục. Cuộc sống luôn luôn biến động, khoa học – công nghệ ngày một phát triển, do vậy, HTPL không thể không “tiếp cận”, không bổ sung, hoàn chỉnh kịp thời. Phù hợp với tình hình thực tế, thúc đẩy phát triển là “sứ mệnh” của luật pháp.