Cộng đồng người nước ngoài tại Việt Nam đang tích cực chia sẻ những thông điệp cảm ơn và động viên lực lượng phòng chống dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam trên mạng xã hội.
Những bài đăng người nước ngoài chia sẻ gồm ảnh chân dung cá nhân kèm theo thông điệp cảm ơn và hashtag #ViệtNamCốLên. Mỗi người bằng ngôn ngữ của quốc gia mình gửi lời cảm ơn y bác sĩ và những người bảo vệ bình an cho người dân sinh sống tại Việt Nam trước đại dịch toàn cầu.
"Cảm ơn Việt Nam. Tất cả những điều các bạn làm thật tuyệt. Chúng tôi mãi mãi biết ơn. Cảm ơn rất nhiều. Việt Nam cố lên!", đây là thông điệp của chị Chelsea Kerbaugh (28 tuổi, quốc tịch Mỹ).
"Cảm ơn các bạn vì sự dũng cảm, hi sinh và tốt bụng. Chỉ cảm ơn thôi là không đủ. Việt Nam cố lên!", chị Daina (29 tuổi, quốc tịch Latvia) viết.
Việc người nước ngoài chia sẻ thông điệp cảm ơn lực lượng phòng chống dịch Covid-19 tại Việt Nam bắt nguồn từ chiến dịch có tên là "Vietnam We Thank You - Việt Nam cố lên", do một giáo viên người Anh khởi xướng.
Giáo viên này tên là Wayne Worrell, 54 tuổi, quốc tịch Anh, hiện sống tại Hà Nội.
Chia sẻ với PV Dân trí, ông Wayne kể: "Hơn 1 tháng trước, tôi đọc báo và biết rằng lượng máu lưu trữ dành cho các bệnh nhân đang rất thấp. Vậy nên tôi quyết định đóng góp sức mình.
Tôi đến điểm hiến máu quận Hoàn Kiếm lúc 13h30 ngày 13/3 và làm thủ tục hiến máu. Sau đó tôi nhờ người chụp ảnh, chia sẻ lên hội nhóm những người nước ngoài ở Hà Nội để kêu gọi thêm nhiều người tham gia hiến máu".
Suốt 1 tháng qua, thầy giáo người Anh này thường xuyên chia sẻ các bài đăng kêu gọi mọi người hãy ở nhà vì sức khỏe của mình và để giúp đỡ y bác sĩ.
Ông cũng luôn theo dõi thông tin chính thống từ các tờ báo uy tín để nắm bắt tình hình kiểm soát dịch bệnh tại Việt Nam.
"Tôi đã từng chia sẻ một bài đăng mà trong đó các bác sĩ nói rằng điều duy nhất mà họ muốn từ chúng ta là hãy ở nhà. Tôi nghĩ về điều ấy và quyết định rằng chúng ta nên làm gì đó để cho thấy là chúng ta không chỉ lắng nghe lời khuyên mà còn đáp ứng nguyện vọng của các bác sĩ, y tá.
Vậy là tôi chụp một bức ảnh kèm theo lời nhắn nhủ cảm ơn các y bác sĩ đăng lên mạng xã hội. Sau đó, bạn bè tôi cũng cảm thấy việc này có ý nghĩa nên tham gia. Tiếp theo đó là bạn của những người bạn cùng chung tay".
Một số người viết thông điệp riêng mà họ muốn nhắn gửi tới các y bác sĩ, một vài người khác quay video gửi cho ông Wayne. Sau khi nhận được nhiều phản hồi tích cực, ông Wayne tập hợp những bức ảnh và video gửi tới các bác sĩ, y tá với mong muốn tạo động lực giúp họ thêm vững tâm trong công việc.
Ông Wayne Worrell đã sống tại Việt Nam 10 năm, làm công việc giáo viên dạy Tiếng Anh. Ông kết hôn với một phụ nữ Việt và sinh 3 người con trai ở độ tuổi 2, 3 và 4.
Hiện tại, công việc của thầy giáo này bị ngưng trệ do dịch bệnh và ông dành hầu hết thời gian để chăm sóc cho 3 con nhỏ, bên cạnh đó thúc đẩy các hoạt động tích cực trên mạng xã hội.
"Tôi cần phải lên tiếng và lên tiếng một cách mạnh mẽ vì những người đang hi sinh cho chúng ta. Tôi chỉ mong tất cả chúng ta đoàn kết để cùng vượt qua giai đoạn khó khăn này.", thầy giáo người Anh nói.
Khi tin tức về dịch bệnh xảy ra, thầy giáo Wayne đang ở Phú Quốc. Ông chuẩn bị tâm lý sẵn sàng để đối mặt với "khoảng thời gian không dễ dàng", đặc biệt là với 3 cậu bé của ông.
"Chúng tôi phải cắt giảm chi tiêu. Tôi luôn phải nghĩ về tiền bạc và làm cách nào để chi trả cho mọi thứ nhưng tôi sẽ không tìm kiếm sự bố thí.
Mọi người hỏi tôi vì sao không dạy học online, điều đó là không thể khi mà tôi phải chăm sóc cho 3 cậu bé cùng lúc. Chỉ khi chúng đang ăn uống hoặc ngủ, tôi mới cho thời gian để online và thực hiện chiến dịch này (chiến dịch "Việt Nam cố lên"). Nhưng đừng lo lắng cho tôi. Tôi đang làm những điều mà tôi tin tưởng và yêu thích".
Điều khiến ông Wayne cảm thấy an toàn và thoải mái khi sống ở Việt Nam giữa đại dịch Covid-19 là: "Không ai hỏi tôi rằng vì sao tôi và những người nước ngoài khác không trở về nước đi.
Đây là một trong số những lí do chúng tôi coi nơi đây là nhà của chúng tôi. Không quan trọng màu da của bạn là gì hay bạn quốc tịch nào, chúng ta ở đây và chúng ta là một".