Trong ấn tượng của nhiều thế hệ học sinh Trường THPT Nguyễn Xuân Ôn, thầy Nguyễn Văn Đông luôn có tác phong chỉn chu và vô cùng nghiêm khắc. Người thầy dạy Toán bất kể mùa đông hay hè đều mặc chiếc áo sơ mi dài tay, ống áo tay phải bỏ vào túi quần, viết bảng bằng tay trái.
Thầy giáo viết bằng tay trái
47 tuổi đời thì có đến hơn một nửa thời gian thầy giáo Nguyễn Văn Đông gắn bó với mái Trường THPT Nguyễn Xuân Ôn (huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An), đào tạo, dạy bảo nhiều thế hệ học sinh. Cũng chính ngôi trường này từng để lại một ký ức khó quên trong cuộc đời của thầy.
Hơn 30 năm trước, khi Đông đang học lớp 11, trong lúc trèo cây chơi đùa ở sân trường, cậu học trò ấy bị ngã gãy tay. Một phần vì chủ quan, phần khác vì không được điều trị kịp thời nên vết thương sau đó nhiễm trùng. Cách cuối cùng các bác sỹ buộc phải tháo khớp, cắt bỏ gần hết cánh tay phải Đông.Vụ tai nạn ngoài ý muốn khiến Đông phải nghỉ học một năm. Trong khoảng thời gian này, Đông phải tập viết lại bằng tay trái. Phải học chậm một năm cùng với các em khóa dưới nhưng nam sinh vẫn có kết quả học tập xuất sắc, được chọn vào đội tuyển thi học sinh giỏi tỉnh, đạt giải cả 3 môn Toán - Lý - Hóa.
Nhớ lại khoảng thời gian ấy, thầy Đông kể: Ngày ấy còn dại lắm, chưa ý thức hết những thiệt thòi của việc mất đi một cánh tay nênvẫn vui vẻ đến trường. Điều duy nhất khiến thầy hối tiếc là vì mất một cánh tay nên không thể thực hiện ước mơ vào trường quân sự. “Và nghề giáo đã chọn tôi như một cơ duyên và gắn bó với thầy từ ngày ấy đến nay”, thầy nói. Sau khi tốt nghiệp THPT, Nguyễn Văn Đông thi đậu cả 2 trường Đại học kinh tế Quốc dân và Đại học Vinh. Trước hai sự lựa chọn, nam sinh ngày nào đã chọn học trường sư phạm vì cảm thấy nghề đó phù hợp với mình hơn cả.
|
Thầy Đông là một thầy giáo nghiêm khắc nhưng luôn tận tụy, tâm huyết với nghề. |
Năm ấy, dù kết quả thi nằm trong tốp đầu và được cấp học bổng, nhưng để được nhập học sư phạm, Đông còn phải trải qua một bài sát hạch riêng. Thầy Đông nhớ lại, hôm đó thầy Hiệu trưởng gọi tôilên gặp, yêu cầu viết bảng trước sự chứng kiến của BGH nhà trường và khoa Sư phạm Toán.
Bài kiểm tra của thầy hiệu trưởng khiến tôibất ngờ nhưng vẫn bình tĩnh viết nhanh và tốt bằng tay trái chứ không phải tay phải như những người khác. “Thầy Hiệu trường có nói với tôi một câu rằng, nghề giáo viên trước hết phải viết bảng, em viết được, thầy nhận vào học. Tôi chính thức được trở thành sinh viên sư phạm như vậy”, thầy Đông nhớ lại.
Những năm tháng xa nhà, ở trọ, va vấp cuộc sống khiến Nguyễn Văn Đông nhận ra mình thiệt thòi của sự khiếm khuyết. Đông không thể tham gia nhiều môn thể dục, thể thao mà giao tiếp với bạn bè trong lớp cũng e ngại hơn. Cũng từ đó, chàng trai trẻ mới nhận thấy mình “thiếu”. “Đó cũng là quãng thời gian tôi vừa có chút mặc cảm, tự ti.
Nhưng tôi biết mình chẳng thể làm gì khác ngoài cố gắng, không ngừng nổ lực. Người đủ 2 tay làm được 3 phần, thì tôi một tay cũng phải cố làm được 2 phần”, thầy Đông nói. Với sự nổ lực không ngừng của bản thân, chàng sinh viên khoa toán đã tốt nghiệp, hoàn thành xuất sắc chương trình.
Sau khi rời giảng đường đại học, Nguyễn Văn Đông lần lượt dạy học tại Trường THCS Diễn Thịnh, THPT Diễn Châu 2, THPT Diễn Châu 4 và sau đó về công tác tại Trường THPT Nguyễn Xuân Ôn (huyện Diễn Châu).
|
Thầy Nguyễn Văn Đông bên đồng nghiệp |
Suốt nhiều năm công tác, dù mang khiếm khuyết trên cơ thể nhưng thầy Đông luôn trau dồi chuyên môn, sớm học nâng chuẩn. Với nền tảng tốt và được đào tạo bài bản, chính quy, thầy giáo Đông cũng là một trong những giáo viên tiên phong ở ngôi trường này, đặc biệt trong việc áp dụng dạy học bằng giáo án điện tử.
Thầy kể: “Gần 20 năm trước,1 tháng lương của tôi chỉ khoảng 800.000 đồng. Vậy nhưng tôi đã dành gần cả 1 năm lương để mua máy tính và tập soạn bài trên máy để phục vụ cho việc giảng dạy”. Nhưng nói về thành tích, thầy Đông chưa lần nào thi giáo viên giỏi tỉnh. Dù 25 năm trong nghề, thầy đã bồi dưỡng cho nhiều học sinh đạt giải cao thi HSG tỉnh và đậu đại học.
Thầy thừa nhận cho đến giờ vẫn còn chút mặc cảm về khiếm khuyết của bản thân, nên hầu như không tham cuộc thi nghiệp vụ sư phạm nào. Nhưng ở trên lớp, khi chỉ có học trò phía dưới, thầy lại thoải mái, dốc lòng dạy dỗ các em, thậm chí đến mức nghiêm khắc.
“Nghề giáo đem cho tôi nhiều cảm xúc”
Hơn 20 năm đứng trên bục giảng, thầy Đông hiểu rất rõ những khó khăn của nghề dạy học bởi đây là một công việc đặc thù và đòi hỏi người giáo viên phải không ngừng phấn đấu nếu không muốn tụt hậu. Cá nhân thầy, để tự tin đứng trên bục giảng, ngoài tri thức, lòng say nghề, tự bản thân còn phải vượt qua được nỗi tự ti bản thân. Bởi thầy biết khi mình đã mang một khiếm khuyết trên cơ thể thì luôn mang trên mình nỗi mặc cảm. Vết thương cũ giờ đây cũng để lại thầy những nỗi đau về thể xác, nhất là khi trái gió trở trời. Tuy vậy, trong khó khăn thầy giáo viên ấy lại có một động lực và một niềm tin để hướng tới đó là học trò và niềm vui trong việc giảng dạy.
Người thầy viết bằng tay trái cũng để lại nhiều ấn tượng với các thế hệ học trò ở Trường THPT Nguyễn Xuân Ôn, dù rằng đôi lúc thừa nhận mình khó tính và khắt khe với học trò. Thầy chia sẻ, nhiều lúc tự tạo áp lực cho mình đó là đặt kỳ vọng lớn vào học sinh. Tuy nhiên, không phải học sinh nào cũng có thể đáp ứng được kỳ vọng đó và tôi biết học sinh có thể e sợ mình. Nhưng dần dần, tôi biết cách phân loại học sinh, để tiếp cận các em theo cách nhẹ nhàng, phù hợp hơn và sau này chính các em là động lực, là nguồn động viên để giúp tôi gắn bó và càng ngày càng yêu nghề hơn.
Có thời điểm, cuộc sống cá nhân của thầy gặp khó khăn, hôn nhân đổ vỡ. Nhưng thầy đã dùng niềm vui của nghề giáo để từng bước vượt qua nỗi buồn riêng. Và rồi hạnh phúc cũng mỉm cười, thầy có tổ ấm mới bên người đồng nghiệp, công tác ở một trường THPT trên địa bàn.
Nhìn lại những gì đã trải qua, thầy chia sẻ mình không trách số phận. Với thầy, giáo viên là một nghề đặc biệt, đem lại cho mình nhiều cảm xúc. Người thầy giáo ấy sẽ vui mừng khi thấy sự tiến bộ của một học sinh yếu, sự thay đổi của học sinh cá biệt, hoặc phải xử lý em nào đấy phạm lỗi, cảm xúc thay đổi liên tục trong 1 ngày. “Chỉ trong một ngày nhưng cảm xúc thay đổi liên tục. Nhờ vậy, tôi thấy nghề giáo càng ý nghĩa hơn”, thầy nói.
Ngoài là nhà giáo, thầy Đông còn là một nhà nông chính hiệu khi tranh thủ những giờ ngoài giờ thì chăm lo trang trại có 500 cây mít, hơn 100 cây bưởi da xanh để thêm thu nhập cho gia đình. Trang trại này cũng nơi để thầy thư thái tinh thần sau những ngày giảng dạy áp lực trên trường học. Đây cũng là nơi để thầy Đông thực hiện mong muốn “sống bình thường” với những công việc, lo toan, vất vả rất bình thường của một người đã từng mất đi điều bình thường.