Dù đã sẵn sàng tinh thần để bị “khủng bố” nhưng thầy hiệu trưởng không ngờ khi mình trở thành “tổng đài tư vấn” của học trò. Những câu chuyện buồn vui, khúc mắc trong cuộc sống các học trò đều nhắn đến cho thầy. Từ đó khoảng cách giữa thầy và trò ngày một gần.
“Ai bị bắt nạt, cứ gọi thầy”
Cổng Trường THCS Quỳnh Phương (phường Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An) hai năm gần đây trở nên ấn tượng, đặc biệt hơn các trường khác bởi tấm pano ghi dòng chữ “Khi các em bị bắt nạt, xâm hại hay chứng kiến bạn bị bắt nạt, xâm hại, hãy gọi 111 hoặc gọi cho thầy hiệu trưởng”. Chủ nhân của số điện thoại đó là thầy Hồ Tuấn Anh - Hiệu trưởng Trường THCS Quỳnh Phương.
Nhắc đến tấm pano đặc biệt, thầy Hồ Tuấn Anh chia sẻ: “Tấm pano được in từ năm 2019 sau chuyến công tác của tôi ở Hà Nội. Năm đó, tôi cùng đồng nghiệp tình cờ đi qua một ngôi trường có tấm biển “Nếu bạn bị bắt nạt, bạo hành thì hãy gọi 111”. Thấy tấm pano quá ý nghĩa nên tôi chụp lại rồi về trường làm ngay”.
Làm ngay - bởi thầy Tuấn Anh hiểu rất rõ vấn nạn bắt nạt học đường ảnh hưởng rất lớn đến sinh lý của lứa tuổi học trò, kéo theo đó là bao hệ lụy. Hơn nữa, thầy còn biết, trước khi về công tác tại đây, trường đã có “tiếng” không tốt về an ninh nề nếp, an toàn trường học. Ngôi trường nằm ở vùng ven biển, nơi có số học sinh bỏ học khá nhiều, hiện tượng bắt nạt thường xảy ra. Thầy chia sẻ: Khi về nhận công tác tại ngôi trường này, trong vai trò hiệu trưởng, ưu tiên số một của tôi là an ninh trường học, giáo dục đạo đức học sinh. Tôi coi đó là điều kiện tiên quyết để nâng cao chất lượng toàn diện. Học sinh đến trường phải vui, phụ huynh cho con đến trường phải thực sự yên tâm.
Từ khi công khai số điện thoại của mình, thầy hiệu trưởng đã lường trước việc sẽ bị “khủng bố” hay trở thành trò đùa nghịch của nhiều người. Nhưng không, dù số điện thoại của thầy được nhiều phụ huynh biết đến nhưng tuyệt nhiên không có một cú điện thoại quậy phá hay một tin nhắn khiếm nhã nào. Thay vào đó là những tin nhắn của học sinh trong trường, từ việc báo về một vụ ẩu đả sắp xảy ra, bạn trong lớp trêu chọc, hay cả những câu chuyện rất ngô nghê của những đứa trẻ chưa lớn...Tất cả thông tin học trò phản ảnh đều được thầy tiếp nhận và tìm cách xử lý thấu đáo, bằng cách này hay cách khác.
Thầy nêu quan điểm, với trách nhiệm của giáo viên, chúng ta phải bảo vệ học sinh của mình, cả trong và ngoài nhà trường. Nếu các vụ đánh nhau xảy ra, người thầy phải thấy được trách nhiệm của mình trong việc giáo dục, trang bị cho các em những kỹ năng để phòng tránh bị bắt nạt chưa đến nơi, đến chốn. Khi đã xảy ra bắt nạt, dù ở ngoài khuôn viên nhà trường, nếu học trò của mình là nạn nhân, phải kịp thời động viên, hỗ trợ tâm lý. Còn nếu học trò của mình là người gây lỗi, phải giúp các em nhận ra sai lầm của mình, từ đó giúp các em sửa sai.
|
Số điện thoại của thầy hiệu trưởng trở thành đường dây nóng tiếp nhận phản ánh của học trò. |
Nhờ cách làm của thầy hiệu trưởng, tình trạng bắt nạt học đường được ngăn chặn một cách hiệu quả. Tuy nhiên, với đặc thù vùng biển, nhà trường phải đối mặt với tình trạng học sinh bỏ học sớm để đi biển hoặc lấy chồng. Qua “tổng đài”, thầy cũng nắm được tâm tư của học sinh rồi chủ động trò chuyện, tâm tình với các em, nhưng không phải lần nào cũng thành công.
Đó cũng là điều khiến thầy Tuấn Anh đau đáu nhất. Chuyện là thầy có nhận được tin nhắn báo một nữ sinh lớp 9 sẽ bỏ học để lấy chồng khi chỉ còn 3 tháng nữa là kết thúc năm học. “Tôi đã gặp riêng em, gặp cả bố mẹ của em để phân tích, thuyết phục em suy nghĩ lại, hoặc ít nhất gắng học xong chương trình cấp 2 nhưng rồi em vẫn quyết bỏ học. Tôi buồn, cảm thấy bất lực và thương em. Từ góc độ của người thầy, người quản lý và người cha, tôi thấy chưa làm tròn được trách nhiệm của mình”, thầy đau đáu về trường hợp nữ sinh bỏ học để lấy chồng.
Thầy và trò gần nhau hơn
Từ ngày làm “tổng đài”, điện thoại của thầy hiệu trưởng liên tục có tin nhắn từ số lạ. Vào một buổi chiều, thầy Tuấn Anh nhận được tin nhắn: “Em có chuyện quan trọng muốn gặp thầy trao đổi được không ạ?”. Thế là, cuộc trò chuyện của thầy hiệu trường và cậu học trò lớp 6 ở ngay bậc thềm cạnh phòng hiệu trưởng vào buổi chiều muộn.
Khi gặp học trò, thầy Tuấn Anh cố gắng cởi mở bằng những câu hỏi thăm. Sau khi nhận thấy sự gần gũi của thầy, cậu học trò lớp 6 ấy liền kể chuyện về cô giáo chơi điện thoại trong lớp. Học sinh này nói với thầy hiệu trưởng: “Cô giáo chơi điện thoại trong lớp còn cười to thì chúng em có được chơi không…Chúng em đến trường để học. Cô dùng điện thoại thế không đúng…”.
Thầy Tuấn Anh ngạc nhiên bởi tâm sự ngô nghê nhưng rất đáng lưu tâm của học sinh. Thầy hiểu đây là vấn đề nghiêm trọng về kỷ luật lao động, trách nhiệm nghề nghiệp, tác phong và cả ứng xử của giáo viên. Trong buổi gặp ấy, thầy hiệu trưởng đã hứa với cậu bé sẽ xem xét sự việc một cách nghiêm túc để đảm bảo “các em đến trường được học và học trong tâm trạng vui vẻ”. Tâm sự của cậu học trò này được thầy biên tập thành một câu chuyện rồi gửi nhóm riêng của giáo viên nhà trường. Từ đó, chuyện này cũng được giải quyết ổn thỏa, vui vẻ cho cả giáo viên và học sinh.
Là người tận tâm vì giáo dục, vì các em học sinh, thầy rút ra kinh nghiệm, phải gần gũi, tâm sự chân thành, giải quyết sự việc thấu đáo dù là những chuyện nhỏ nhất thì mới có được lòng tin từ các em. Trong nhiều thắc mắc của học sinh, thầy ân cần tìm mọi cách để giải thích. Có những trường hợp, cần thiết thầy mời cả bố mẹ để cùng phân tích cho học sinh hiểu thấu đáo.
Trong việc giáo dục, thầy Tuấn Anh cũng nêu cao sự làm gương của các thầy cô. Với thầy, muốn học sinh thay đổi và tốt hơn, trước hết người thầy phải tốt, và người hiệu trưởng phải làm gương trước tiên. Nhiều lần, thầy tâm sự với cán bộ, giáo viên về ứng xử với học trò. Với thầy cô, một cái khoát tay đối với trò cũng là giáo dục, cách cầm viên phấn viết trên bảng cũng là giáo dục, một nụ cười của các thầy cô cũng là giáo dục, từ cách xưng hô với trẻ.
4 năm về trường, 2 năm là “tổng đài”, thành quả sự cố gắng, nỗ lực của thầy Hồ Tuấn Anh và nhà trường là không xảy ra các vụ bạo lực học đường. Tất nhiên không thể tránh khỏi những mâu thuẫn nho nhỏ trẻ con nhưng tất cả đều được can thiệp, hóa giải kịp thời. Chỉ riêng việc học sinh đã biết chủ động chào hỏi thầy cô, người lớn, biết vâng lời, không còn văng tục cũng là cả một quá trình đòi hỏi thầy cô và hiệu trưởng nhà trường dành nhiều tâm sức để giúp các em thay đổi. Từ cách làm của thầy hiệu trưởng khoảng cách giữa thầy và trò ngày một gần hơn.