Đã chấm dứt chuỗi ngày bị bạo hành
Kết quả điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 cho thấy khoảng 2 trong số 3 phụ nữ Việt Nam (62,9%) đã trải qua ít nhất một trong các hình thức bạo lực về thể chất, bạo lực tình dục, bạo lực tâm lý và/hoặc bạo lực kinh tế trong cuộc đời. Một nửa số phụ nữ từng bị bạo lực về thể chất và/hoặc bạo lực tình dục do người chồng/bạn tình gây ra không kể cho bất cứ ai về tình trạng của họ và hầu hết những người trong số họ (90,4%) đã không tìm kiếm bất kỳ sự trợ giúp nào.
Ngôi nhà Ánh Dương là tên gọi của trung tâm dịch vụ một cửa cung cấp các dịch vụ tổng hợp và thiết yếu hỗ trợ người bị bạo lực gia đình và bạo lực trên cơ sở giới, do Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam phối hợp cùng Trung Tâm Nghiên cứu và ứng dụng khoa Học về giới - gia đình - phụ nữ và vị thành niên (CSAGA) thực hiện với sự hỗ trợ tài chính của Chính phủ Nhật Bản
Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên trên cả nước được Vụ Bình đẳng giới – Bộ LĐ-TB&XH lựa chọn, triển khai thí điểm thực hiện mô hình Ngôi nhà Ánh Dương nhằm hỗ trợ những người phụ nữ hoặc trẻ em gái bị bạo lực gia đình. Người bị bạo lực giới có thể liên hệ với Ngôi nhà Ánh dương qua tổng đài 24/7, thông tin sẽ được tiếp nhận xử lý và tiến hành hỗ trợ khẩn cấp như giải cứu, cấp cứu, cung cấp nơi trú ẩn an toàn. Nơi đây cũng sẽ giúp nạn nhân được hỗ trợ tư vấn tâm lý, nâng cao nhận thức, hỗ trợ pháp lý… Đồng thời, giúp kết nối và chuyển tuyến nạn nhân, xây dựng và thực hiện tái hoà nhập cộng đồng cho nạn nhân.
Sau gần hai năm kể từ khi được đưa vào hoạt động, Ngôi nhà Ánh Dương đã trở thành nơi nương tựa an lành của nhiều mảnh đời bất hạnh. Chị N.T.H, 47 tuổi, xã Đại Dực, huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh đã chịu đựng 6 năm bị chồng bạo lực cả về thể xác và tinh thần. Biết được thông tin về Ngôi nhà Ánh Dương, chị như tìm được chiếc phao cứu giúp cuộc đời mình. “Bị bạo lực thời gian dài, nhiều khi tôi chỉ muốn tìm đến cái chết. Nhưng đến đây, được các cô nhân viên công tác xã hội tư vấn và giúp đỡ nhiều mặt, tôi đã ổn định được tâm lý, biết cách xử lý khi có hành vi bạo lực gia đình xảy ra trong gia đình mình”, chị chia sẻ.
Với chị H.D.L ở thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh thì chuỗi ngày hai mẹ con bị người chồng, cha đánh đập, hành hạ mà bất lực đã qua rồi. Ở Ngôi nhà Ánh Dương, hai mẹ con họ đã tìm thấy được lối đi riêng của cuộc đời mình…
Từ khi đi vào hoạt động đến nay, Ngôi nhà Ánh Dương ở tỉnh Quảng Ninh đã tiếp nhận gần 14.373 cuộc gọi qua đường dây nóng 1800.1769; trong đó tư vấn trợ giúp cho gần 370 trường hợp liên quan đến bạo lực trên cơ sở giới; hỗ trợ khẩn cấp 22 trường hợp... Trao đổi với truyền thông, ông Đỗ Anh Hòa - Phó Giám đốc Trung tâm công tác xã hội tỉnh Quảng Ninh cho biết, Ngôi nhà Ánh Dương giúp cho những người phụ nữ và trẻ em gái bị bạo hành được chăm sóc kịp thời, đầy đủ cả về tổn thương thể xác lẫn hỗ trợ tâm lý; được cung cấp kỹ năng để có thể phòng ngừa và bảo vệ mình; có cơ hội học nghề, tìm kiếm việc làm, bứt ra khỏi cuộc sống bế tắc cũ; tự tin làm chủ kinh tế, lao động sản xuất, làm giàu chính đáng...
Thắp lại niềm tin về một cuộc đời đáng sống
Mới đây, ngày 21/6, Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về giới - gia đình - phụ nữ và vị thành niên (CSAGA) đã phối hợp cùng Quỹ Dân số Liên Hợp quốc (UNFPA) tổ chức khai trương đưa vào hoạt động Trung tâm dịch vụ một cửa (OSSC) hay còn gọi là Ngôi nhà Ánh Dương hỗ trợ người bị bạo lực trên cơ sở giới tại TP Hồ Chí Minh.
Đây là Ngôi nhà Ánh Dương đầu tiên ở các tỉnh phía Nam và cũng là ngôi nhà thứ 3 trên cả nước được thành lập trong khuôn khổ dự án “Giảm thiểu tác động của COVID-19 lên nhóm dân cư dễ bị tổn thương - Đảm bảo tiến trình quốc gia nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam” do Chính phủ Nhật Bản tài trợ.
TS. Nguyễn Kiều Nga - Quyền Giám đốc CSAGA chia sẻ, mục đích hoạt động của Ngôi nhà Ánh Dương nhằm phát hiện, ngăn chặn và hỗ trợ những người bị bạo lực. Nhấn mạnh việc hợp tác với UNFPA trong quá trình vận hành Ngôi nhà Ánh Dương, CSAGA có nhiều kinh nghiệm trong việc hỗ trợ người bị bạo lực trên cơ sở giới thông qua đường dây nóng 024 3333 5599 hoạt động 24/7 và cung cấp nơi tạm trú cho người bị bạo lực.
“Với sự hỗ trợ của UNFPA, CSAGA sẵn sàng cung cấp những dịch vụ tổng hợp để đáp ứng nhu cầu của người bị bạo lực, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái. CSAGA sẽ nỗ lực đảm bảo quyền của phụ nữ và không để phụ nữ bị bỏ lại phía sau. Đây không chỉ là nơi lánh nạn cho các nạn nhân bị bạo hành mà thật sự còn là niềm mơ ước, niềm tin về một thành phố đáng sống, nơi mà không có bạo lực, một ngôi nhà tránh bão, nơi chỉ có sự an toàn, tràn ngập ấm áp giữa người với người”, bà Nga cam kết.
Theo bà Naomi Kitahara - Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam, chấm dứt bạo lực trên cơ sở giới và các thực hành có hại với phụ nữ và trẻ em gái là một trong ba đầu ra chuyển đổi trong kế hoạch chiến lược của UNFPA toàn cầu. Tại Việt Nam, UNFPA đã đồng hành với Chính phủ trên hành trình chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.
Ngôi nhà Ánh Dương cung cấp các dịch vụ thiết yếu, toàn diện và tổng hợp cho phụ nữ, trẻ em gái đang gặp phải hoặc có nguy cơ bị bạo lực gia đình và bạo lực trên cơ sở giới. Trung tâm cung cấp dịch vụ, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, bao gồm: chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ tâm lý, tư vấn, dịch vụ xã hội, nhà tạm lánh, bảo vệ từ công an, dịch vụ pháp lý, tư pháp và chuyển tuyến. Tất cả các dịch vụ được cung cấp tại Ngôi nhà Ánh Dương đều dựa trên nguyên tắc lấy người bị bạo lực làm trung tâm, trong đó người bị bạo lực được tôn trọng và nhân phẩm được bảo vệ, đồng thời đảm bảo quyền riêng tư và bí mật.
“Đây sẽ là một điểm đến tập trung, nơi mà chúng tôi không chỉ cung cấp chỗ ở, một nơi lánh nạn cho phụ nữ và các trẻ em gái. Mà ở đây, chúng tôi còn cung cấp nhiều dịch vụ khác nhau, đa dạng và toàn diện. Trong đó sẽ có tư vấn hỗ trợ về y tế, hỗ trợ của cảnh sát, tư vấn về pháp lý, tư vấn về chuyển đổi… tất cả những dịch vụ cần thiết mà một nạn nhân sẽ cần được giúp đỡ và hỗ trợ”, theo bà Naomi Kitahara - Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam.