Trước đó, chị Võ Thị Hương (48 tuổi, mẹ cháu bé 11 tuổi, ngụ khu phố 11, phường Phú Thủy, TP.Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) đã làm đơn gửi cơ quan chức năng tố cáo Đức (tự xưng pháp danh Thiện Lam) đã đánh đập dã man và có hành vi ấu dâm với con chị khi cháu “theo học khóa tu” trong 3 tháng hè tại “cơ sở mà Đức tu hành”.
Nhiều lần bị bạo hành
Theo đơn tố cáo, vào đầu tháng 6/2019, con nghỉ hè và chị được giới thiệu “có một cơ sở thờ tự ở xã Hàm Chính nhận học sinh tiểu học vào học khóa tu mùa hè” nên chị gửi con vào học.
Chỉ khoảng một tuần sau, con gọi điện thoại về cho chị và bảo mỗi lần đi ngủ đều bị Đức ôm ấp, siết chặt làm cháu khó chịu, không ngủ được. Khi chị gọi điện thì Đức trấn an và cho biết đó chỉ là hành động “tạo ra cảm giác yêu thương”.
Đến khoảng 8h sáng ngày 16/7, chị Hương nhận được cuộc gọi của Đức, yêu cầu lên Hàm Chính gấp để nhận con về vì cháu “hư hỏng, xem phim đồi trụy”. Chị Hương tức tốc đến nơi thì ngã quỵ khi thấy khắp nơi trên thân thể con hằn những vết roi bầm tím, nhiều vết lở loét sâu, rớm máu.
Khi thấy mẹ, cháu nhào tới ôm khóc tức tưởi kêu cứu và cho biết nhiều ngày qua đã bị Đức buộc phải quỳ gối để tra tấn, đánh đập bằng ống nước, ngất xỉu nhiều lần. Ngay lập tức, chị đến Công an xã Hàm Chính trình báo và đưa con trai nhập viện cấp cứu.
Cháu bé kể lại với mẹ rằng, trong thời gian hơn một tháng ở với Đức, lúc đầu do lỡ tay làm vỡ một góc bàn đá và hư vòi tắm, bị Đức dọa bồi thường, gọi vào phòng khóa cửa, buộc cởi quần để sờ mó vùng nhạy cảm, cháu khóc không chịu thì bị phạt quỳ gối nhiều giờ.
Sau đó, Đức bị cho là tiếp tục gọi cháu bé vào phòng, lấy điện thoại mở phim đồi trụy cho xem và buộc thực hiện giống như trong phim. Vì nạn nhân không làm theo yêu cầu nên Đức đã buộc cháu quỳ gối, dùng ống nước đánh đập, dọa giết.
Sau khi tiếp nhận đơn tố cáo, ngày 29/7, Công an huyện Hàm Thuận Bắc đã ra quyết định trưng cầu giám định thương tật với nạn nhân; đến hiện trường thu thập hình ảnh những nơi nạn nhân bị bạo hành và thu giữ một số vật chứng.
Theo kết luận giám định pháp y và thương tích ngày 2/8 của Trung tâm Giám định pháp y tỉnh Bình Thuận, cháu bé bị sẹo vết thương vùng lưng phải; sẹo dưới cẳng tay trái; sẹo vết thương mu bàn tay phải… Tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên là 9%. Các vết thương đều do vật tày tác động. Ngoài ra, còn rất nhiều vết thâm mờ vùng lưng trái, thắt lưng trái, mông trái không đủ cơ sở xác định tỷ lệ tổn thương cơ thể.
Đại tá Lê Bá Thanh, Trưởng Công an huyện Hàm Thuận Bắc cho biết, khai báo với cơ quan công an, Đức thừa nhận đã ba lần dùng ống nhựa đánh cháu. Lý do là cháu “nghịch, không nghe lời và xem phim đồi trụy”. Đức phủ nhận việc xâm hại tình dục.
|
Những vết thương trên người nạn nhân |
Hồ sơ thọ giới có sự giả mạo
Theo Đại đức Thích Nguyên Nguyệt, Chánh Thư ký Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) tỉnh Bình Thuận, Đức không có tên trong danh sách phật tử Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Thuận quản lý.
Từ năm 2017, Đức về nhà với hình thức người tu hành, như một tu sĩ Phật giáo và được gọi là “thầy Thiện Lam”. Đức đã tổ chức tụng kinh đông người, kêu gọi vận động làm công tác từ thiện, tổ chức các hoạt động sai phạm khác và đã bị chính quyền địa phương sở tại nhắc nhở, xử lý.
UBND xã Hàm Chính đã nhiều lần yêu cầu xuất trình giấy tờ chứng nhận tu sĩ Phật giáo, thực hiện thủ tục hành chính thuyên chuyển sinh hoạt tôn giáo nhưng Đức không thực hiện.
“Một cơ sở tôn giáo muốn mở khóa tu phải đệ trình, xin phép với Ban Trị sự Phật giáo cấp huyện, chính quyền địa phương mới được tổ chức. Qua xác minh được biết, ông Đức ở tại nhà và có nuôi hai cháu bé thì không thể gọi là khóa tu. GHPGVN tỉnh Bình Thuận cũng không tổ chức các khóa tu hè kéo dài 3 tháng”, Đại đức Thích Nguyên Nguyệt cho biết.
Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Thuận khẳng định, nơi Đức tổ chức tu tập và để xảy ra sự việc bạo hành không phải là cơ sở tôn giáo của GHPGVN tỉnh Bình Thuận mà là nhà riêng của Đức. Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Thuận đã có văn bản gửi đến Trung ương GHPGVN đề nghị phối hợp với các cơ quan chức năng làm rõ sự việc.
Cũng theo Đại đức Thích Nguyên Nguyệt, mẹ nạn nhân đã không đưa con vào chùa chính thống của Phật giáo mà nghe theo giới thiệu của một số người không thuộc sự quản lý của GHPGVN tỉnh Bình Thuận. Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Thuận đã đến thăm hỏi cháu bé và động viên gia đình trong vụ bạo hành.
Trở lại với nghi phạm, làm việc với cơ quan chức năng, Đức đã xuất trình các giấy tờ, gồm: Giấy chứng điệp thọ giới năm 2012, giấy chứng nhận giới tử thọ giới Tỳ Kheo năm 2015 tại tỉnh Hậu Giang, trong đó có ghi nơi xuất gia là chùa Quốc Thới (huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre).
GHPGVN tỉnh Bến Tre đã tiến hành xác minh và có văn bản gửi Hội đồng Trị sự GHPGVN xác minh về Đức. Theo đó, ngày 9/7/2012, Đức làm hồ sơ xin xuất gia tại chùa Quốc Thới và ngày 17/7/2012 được Ban Trị sự GHPGVN tỉnh chấp thuận. Tuy nhiên sau đó, Đức đã rời khỏi chùa trở về nhà ở xã Hàm Chính, không còn sinh sống, thực hành giới luật của người xuất gia. Do đó, ngày 2/8/2012, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bến Tre đã quyết định xóa danh bộ Lương Việt Đức (pháp danh Chánh Đức) khỏi danh bộ tỉnh Bến Tre và thông báo cho các ban đại diện Phật giáo trong tỉnh được biết.
Đức xuất trình chứng điệp thọ giới Sa Di ghi ngày 6/8/2012 do Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Hậu Giang tổ chức, có ghi nơi xuất gia là chùa Quốc Thới. Tuy nhiên, theo quy định để thọ giới đàn thì phải có giới thiệu của GHPGVN nơi xuất gia, nhưng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bến Tre không giới thiệu và không chịu trách nhiệm về thành phần giới thiệu vì Đức đã bị xóa tên khỏi danh bộ.
Do vậy, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bến Tre khẳng định Đức không phải là tu sĩ có danh bộ tại tỉnh, hồ sơ thọ giới Sa Di tại tỉnh Hậu Giang có sự giả mạo. Vì xuất gia ngày 17/7/2012 mà thọ giới ngày 6/8/2012 là vi phạm nội quy Ban Tăng sự. Ngoài ra, ngày 2/8/2012, Ban Tăng sự tỉnh Bến Tre đã quyết định xóa danh bộ tăng ni với Đức.
Mẹ nạn nhân cho biết rất hối hận khi gửi còn vào học khóa tu tập mùa hè tại nơi thờ tự của Đức mà chưa tìm hiểu kỹ càng. Hậu quả, chị đã đẩy con trai mình vào hoàn cảnh nguy hiểm.