Căng thẳng từ… giám thị
Ngày 10/6, thí sinh đã có mặt ở các điểm thi để nghe Quy chế thi. Không chỉ phụ huynh và thí sinh như “ngồi trên đống lửa” bởi cánh cửa trường công không mấy rộng mở mà công tác giám thị cũng khá căng thẳng. Bởi đây là lần đầu tiên thực hiện kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 với nhiều điểm mới theo kỳ thi THPT quốc gia, Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu tất cả các phòng GD&ĐT, các Trưởng điểm thi phải phổ biến quy chế mới đến tất cả cán bộ tham gia công tác tuyển sinh.
Ông Nguyễn Hữu Độ - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội nhấn mạnh, kỳ thi năm nay có nhiều điểm mới, lại có tỷ lệ chọn cao, phản ánh được chất lượng dạy và học tại các trường THCS nên càng cần đảm bảo công bằng, minh bạch.
Theo Sở này, với tổng số gần 80.000 thí sinh đăng ký dự thi vào lớp 10 THPT, Sở đã thành lập 160 điểm thi, trung bình mỗi điểm có khoảng 20 phòng thi, mỗi phòng có 24 thí sinh (nhiều nhất là 28). Điểm thi có quy mô lớn nhất là 38 phòng đặt tại Trường THPT Xuân Mai, huyện Chương Mỹ.
Ông Ngô Văn Chất - Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng giáo dục, Sở GD&ĐT Hà Nội nhắc nhở Trưởng điểm thi sẽ phụ trách danh sách giám thị coi thi, trong đó một nửa là giáo viên THPT, một nửa là giáo viên THCS. Trường hợp điều động, thay thế giám thị vì lý do nghiêm trọng, Trưởng điểm phải đảm bảo bất kỳ trường hợp nào thay thế cũng đã được học phổ biến Quy chế.
Với gần 11.000 cán bộ tham gia công tác thi lần này, ngành giáo dục Hà Nội đã phải điều động cả giáo viên có con em tham gia kỳ thi này với yêu cầu họ không được làm nơi có con em thi. Sở GD&ĐT yêu cầu cán bộ, nhân viên này tự giác báo cáo để Trưởng điểm thi thay thế người khác. Sở cũng lưu ý trong thời gian coi thi, cán bộ, nhân viên phục vụ kỳ thi không được làm việc riêng, không hút thuốc, không sử dụng đồ uống có cồn.
Tuyệt đối không mang điện thoại vào phòng thi
Lưu ý quan trọng với thí sinh trong kỳ thi lần này là việc tuyệt đối không mang điện thoại vào phòng thi. Theo ông Chất, trước đây có không ít trường hợp gần hết buổi thi, bố mẹ sốt ruột gọi điện cho con, chuông điện thoại reo và thí sinh bị hủy kết quả thi. Học sinh dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập không phải đóng bất cứ khoản phí nào.
Nếu đăng ký dự tuyển vào các lớp chuyên, trường chuyên thì nộp lệ phí 192.800 đồng/môn thi/học sinh. Học sinh không có hộ khẩu Hà Nội đăng ký dự tuyển vào lớp chuyên Trường THPT Chu Văn An nộp 242.200 đồng/môn thi/học sinh.
Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu các điểm thi đặc biệt lưu ý đảm bảo tường rào bao quanh đủ an toàn, phòng thi có cửa sổ gần nhà dân phải quan tâm, đề phòng việc đề thi lọt ra ngoài. Trưởng điểm thi phải bố trí công an, trật tự viên để ổn định trật tự an toàn trong và ngoài cổng trường; cho nhân viên phục vụ thu nhặt giấy rác ở sân, cổng trường thi và yêu cầu công an, trật tự viên tại cổng trường thi giải tỏa ách tắc giao thông và không để nhân viên tiếp thị phát tờ rơi, quảng cáo.
“Việc phân công trách nhiệm ở các điểm thi trước đây không rõ ràng nên đã xảy ra sự cố. Để khắc phục, Quy chế thi đặc biệt quan tâm tới trách nhiệm của Trưởng điểm thi. Theo đó, Trưởng điểm thi do Chủ tịch Hội đồng coi thi quyết định sẽ chịu trách nhiệm và điều hành toàn bộ mọi hoạt động của điểm thi” - ông Độ nhấn mạnh.
Tại buổi phổ biến Quy chế thi, Trưởng các điểm thi cũng như các thầy, cô giáo đã động viên thí sinh tạo cho mình tâm lý thực sự thoải mái, không nên ôn luyện đến tận cửa phòng thi, như thế sẽ tạo tâm lý căng thẳng, dễ gây mất bình tĩnh. Tuy nhiên, không ít thí sinh cho biết, các em thực sự cảm thấy căng thẳng với kì thi này.
Sau ngày 11, các học sinh thi vào lớp 10 chuyên các Trường THPT chuyên Hà Nội -Amsterdam, chuyên Nguyễn Huệ, THPT Chu Văn An và THPT Sơn Tây sẽ tiếp tục thi trong 2 ngày: 12 và 13/6. Ngày 12/6 thi môn Ngoại ngữ vào buổi sáng, buổi chiều thi các môn chuyên Ngữ văn, Toán, Tin học, Sinh học, Tiếng Pháp, Tiếng Nhật. Ngày 13/6 thi các môn chuyên Vật lý, Lịch sử, Địa lý, Hóa học, Tiếng Anh.