Điều đáng mừng là, đến nay, nước ta đã có một hệ thống pháp luật cơ bản đầy đủ trên các lĩnh vực, bảo đảm tính thống nhất và khả thi... Mỗi luật được Quốc hội thông qua đều được tổ chức thực hiện rất nghiêm túc và có thể nói “xây dựng pháp luật là bệ đỡ cho đất nước phát triển bền vững”.
Lưu ý một số tồn tại hiện nay, người đứng đầu Chính phủ nhắc đến tình trạng chất lượng một số dự án luật chưa cao, nhiều dự án luật “tuổi thọ” rất ngắn ngủi, phải sửa đi, sửa lại. Đặc biệt, tình trạng xin lùi, xin rút vẫn còn; văn bản trái luật, chồng chéo, bất cập còn chậm được xử lý… Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các bộ, ngành còn yếu. Bộ máy biên chế, cán bộ làm công tác pháp luật thiếu về số lượng; chất lượng, trình độ chuyên môn chưa đáp ứng yêu cầu…
Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân là phương hướng cơ bản để phát huy dân chủ XHCN, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Muốn vậy, phải tập trung xây dựng thể chế pháp luật.
Để làm được điều này, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Bộ Tư pháp cần tiếp tục phát huy vai trò “nhạc trưởng”, cơ quan “gác cửa” trong việc xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật của Chính phủ và chính quyền địa phương.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Tư pháp tiếp tục nghiên cứu, tham mưu giúp Chính phủ xây dựng, trình Quốc hội dự án Luật về tổ chức thi hành pháp luật nhằm tạo cơ sở pháp lý vững chắc thực hiện các giải pháp có tính đột phá trong việc nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật, lan tỏa tinh thần thượng tôn pháp luật trong toàn xã hội.
Các bộ, ngành được yêu cầu tiếp tục đổi mới, hoàn thiện quy trình và hiện đại hóa kỹ thuật xây dựng pháp luật, trong đó cần quy định rõ trách nhiệm, đặc biệt là sự phối hợp có trách nhiệm và hiệu quả giữa các cơ quan được giao chủ trì soạn thảo, lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động. Nhiệm vụ xây dựng pháp luật đang đặt ra yêu cầu siết chặt kỷ luật, kỷ cương; phân công rõ trách nhiệm của từng đơn vị, cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu.
Đặc biệt, trong công tác xây dựng pháp luật yêu cầu phải chống cho được lợi ích nhóm, tránh tình trạng “quyền anh, quyền tôi”, “cơi nới sân bãi” của “ngành tôi, ngành anh” trong xây dựng pháp luật. “Người ta nói chống tham nhũng nói chung là rất quan trọng, cần thiết nhưng chống tham nhũng trong làm chính sách pháp luật càng quan trọng hơn. Lưu ý các đồng chí cần giữ được sự liêm chính trong xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và thi hành pháp luật”, Thủ tướng nhấn mạnh. Lần đầu tiên, chống “tham nhũng chính sách” được nhận diện.