Suýt hủy hôn vì không có lễ đen
Sau đám ăn hỏi, Vinh đã thấy thái độ của người yêu mình khang khác. Cô không còn vui vẻ như trước nữa mà hay tỏ thái độ bất cần, buông những câu bóng gió, mỉa mai. Hỏi thì được biết, Châu - người yêu Vinh không hài lòng về lễ vật ăn hỏi của nhà trai.
“Nhà em tuy ở quê thật nhưng kinh tế thì có kém gì nhà anh mà nhà anh lại khinh thường đến thế. Bố mẹ em đã không thách cưới để tránh mang cái tiếng thách cưới cao, gả bán con thì nhà anh cũng phải biết điều chứ. Đằng này anh xem, nhà anh mang tới 5 cái tráp thì trong đó đã có hai tráp xôi và lợn quay được ngả ngay ra để mời nhà trai đường xa ở lại ăn cơm, còn lại ba tráp trầu cau, rượu thuốc đặt lên ban thờ nội ngoại, trả lễ nhà trai. Tuyệt đối không có một đồng phong bì tiền dẫn cưới nào.
Hàng xóm cứ tưởng em lấy được chồng Hà Nội thì tiền dẫn cưới phải mấy chục triệu. Đành cứ phải gật cho mát mặt chứ chả lẽ nói toẹt ra không có đồng nào à. Nếu không vì bố mẹ em khuyên bảo hủy cưới còn xấu hổ hơn ly hôn thì em đã hủy toẹt đi cho rồi!”- Châu tuôn ra một tràng những lời trách móc.
Càng nghe Vinh càng ngạc nhiên vì quả thật bố mẹ anh không nghĩ như vậy. Gia đình anh không chuẩn bị tiền dẫn cưới (mà thiên hạ vẫn gọi là lễ đen) không phải vì thiếu tiền mà bố mẹ anh nghĩ đám cưới ngày nay tiến bộ chứ đâu phải cổ hủ như suy nghĩ ngày xưa. Đó là sự tự nguyện tác hợp của hai con người, là niềm vui của cả hai bên gia đình chứ đâu phải là một cuộc mua bán con mà nhà gái “gả bán con đi là xong”, nhà trai thì “mất tiền mua mâm cố đâm cho thủng”. Nhưng quả thật với suy nghĩ của Châu, anh thấy người vợ tương lai của mình đang cố khẳng định rằng giá trị của cô ấy dù ít dù nhiều thì cũng phải được tính bằng tiền.
Ảnh minh họa. Nguồn internet. |
“Mua rẻ thì chỉ được thế thôi, cố mà dùng!”
Đó là câu nói mà một cô vợ thường mang ra nói nửa đùa nửa thật với chồng mỗi khi chồng trách cô thế nọ thế kia. Đã bao năm qua rồi cô vợ này vẫn không quên được phong bì tiền dẫn cưới 1,5 triệu đồng của nhà trai.
Cô chia sẻ trên mạng: “Đám cưới thì cũng qua mấy năm rồi nhưng cứ nghĩ lại là mình thấy giận run người, hận bố mẹ chồng. Chỉ vì cái đám cưới bố thí của ông bà mà khiến mình tủi thân, bố mẹ buồn lòng mất mặt. Do nhà mình bảo là tùy nhà trai nên 5 cái lễ rất sơ sài, không đủ để chia cho họ hàng làng xóm. Khoản tiền dẫn cưới còn bi đát hơn, phong bì chỉ vỏn vẹn 30 tờ 50 nghìn, tổng là 1,5 triệu, chỉ bằng một nửa ở quê.
Thế nên đến bây giờ, dù mấy năm đã trôi qua nhưng mình vẫn không thể quên được những gì họ đối xử. Mình không ủng hộ chuyện làm đám cưới to rình rang nhưng ít nhất nhà chồng cũng phải làm sao để con dâu về nhà mình không cảm thấy úi xùi, tủi hổ…”.
Ngày nay, khi những bậc làm cha làm mẹ đã không còn quá coi trọng chuyện thách cưới nữa vì họ hiểu làm như thế khác gì gả bán con mình và thách càng cao thì con mình về làm dâu nhà người ta càng khổ vì phải làm còng lưng trả nợ cưới thì các cô gái lại có xu hướng khẳng định giá trị của mình thông qua món tiền dẫn cưới của nhà trai như các câu chuyện nói trên.
Có hai luồng quan điểm xung quanh vấn đề này, một bên cho rằng bên cạnh việc duy trì tiền dẫn cưới như một truyền thống của người Việt thì món tiền đó cũng phải ra tấm ra món để khẳng định được giá trị của cô gái. Ngược lại, phía bên kia thì cho rằng đó là những thủ tục đã lỗi thời, làm như thế quá bằng bố mẹ bán con, bản thân cô gái tự rao bán mình, do đó nếu bỏ đi được thì tốt, còn không chỉ là món tiền nhỏ gọi là cho đủ thủ tục, chứ không qua đó thể hiện sự sang hèn, cao thấp gì.
Tranh luận vẫn đang tiếp diễn và nhiều cô gái vẫn xuất giá với tâm trạng trĩu nặng suy tư về sự… “mất giá” của mình. Còn bạn, bạn nghĩ thế nào?