Thế giới không có người khuyết tật…

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Người khuyết tật tại Việt Nam đã và đang gặp phải rất nhiều khó khăn khi tiếp cận với hệ thống y tế, giáo dục và giao thông trong hoạt động xã hội.
Dự án xe buýt sàn thấp cho người khuyết tật tại TP Hồ Chí Minh.
Dự án xe buýt sàn thấp cho người khuyết tật tại TP Hồ Chí Minh.

Khó khăn khi tham gia hòa nhập vào xã hội

Theo số liệu năm 2019 từ Viện Chiến lược và Chính sách y tế, tại Việt Nam có khoảng 6,2 triệu người khuyết tật (NKT), với 60% NKT đang trong tuổi lao động. Trong đó, tỷ lệ khuyết tật vận động 29,41%, khuyết tật nghe, nói 9,32%, khuyết tật nhìn 13,84%, khuyết tật thần kinh, tâm thần 16,83% (1.043.460 người), khuyết tật trí tuệ 6,52%...

Trong lĩnh vực y tế, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho biết, đến nay có hơn 3 triệu NKT đã được cấp thẻ bảo hiểm Y tế (BHYT) miễn phí và không phải đồng chi trả khi sử dụng dịch vụ khám, chữa bệnh (KCB). Tuy nhiên, vẫn còn trên 3 triệu NKT phải tự mua BHYT và phải đồng chi trả phí dịch vụ khám chữa bệnh. Đặc biệt, BHYT vẫn chưa chi trả các dịch vụ về dụng cụ trợ giúp trong vận động, thay thế một bộ phận cơ thể đã mất như chân, tay giả, giúp NKT có khả năng tự di chuyển, tự lập được trong cuộc sống. Những dụng cụ thay thế này vốn rất cần thiết đối với NKT nhưng thường có chi phí rất cao, không nhiều người có thể tự chi trả. Hơn nữa, dịch vụ cung cấp dụng cụ trợ giúp cho NKT cũng chưa được phát triển rộng rãi với nhiều mô hình tiện ích để NKT có thể tiếp cận.

Bên cạnh y tế, hệ thống giao thông công cộng cũng chưa đáp ứng được nhu cầu của đông đảo NKT. Khảo sát do Tổ chức NKT quốc tế thực hiện tại Việt Nam cho thấy, chỉ 11% số công trình cho phép NKT sử dụng thuận tiện. Còn lại, hầu hết hệ thống giao thông công cộng hiện tại của Việt Nam chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của họ. Mặc dù NKT được hưởng chế độ miễn phí nhưng việc di chuyển, sử dụng các phương tiện công cộng vẫn còn gặp nhiều trở ngại vì không ít xe buýt có cửa xe hẹp, gầm xe cao, không có tay vịn; các điểm dừng nhà chờ trên các tuyến chưa được thiết kế đồng bộ theo tiêu chuẩn; chưa có đủ các biển báo, thiết bị hỗ trợ hướng dẫn bằng âm thanh cho người khiếm thị và khiếm thính. Hiện Hà Nội chỉ có duy nhất hãng taxi Thành Công triển khai dịch vụ “Taxi cho người khuyết tật” với nhiều tiện ích.

Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta không ít lần bắt gặp hình ảnh NKT loay hoay, gặp khó khi sử dụng các phương tiện công cộng như xe bus, taxi. Nhiều khu thương mại, khu vui chơi, toà nhà tại Việt Nam thậm chí thiếu đi những tiện ích hỗ trợ cho NKT như đường xe lăn, nhà vệ sinh cho NKT… Còn các dịch vụ vui chơi giải, nhà hàng… thì hầu như chưa dành sự quan tâm đúng mức.

Anh Hiếu (35 tuổi, Hà Nội) chia sẻ: “Ở Thủ đô, tôi vẫn rất khó khăn khi tham gia các phương tiện giao thông, ví dụ như xe buýt. Tôi toàn phải nhờ người mắt sáng nhìn hộ cho số xe buýt, mà nhiều khi không có ai để nhờ cả. Khi đến những nơi công trình công cộng, chúng tôi lại vướng một cái vất vả là với tòa nhà cao tầng, khi đi thang máy, chúng tôi không có một kí hiệu chữ nổi nào để có thể sờ mà biết phải bấm lên tầng bao nhiêu. Hoặc khi có một người khác vào rồi, tầng nhà bị lẫn lộn là chúng tôi lại bị lạc”.

Thiếu trường chuyên biệt cho trẻ khuyết tật

Còn trong lĩnh vực giáo dục, trẻ em khuyết tật ở Việt Nam cũng gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống cả về vật chất lẫn tinh thần. Ngoài nguy cơ bị bạo hành và lạm dụng rất cao, phần lớn trẻ em khuyết tật ở nước ta thuộc đối tượng hộ nghèo, gia đình chính sách và có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Do đó, việc chăm sóc sức khỏe, học tập hay tham gia các hoạt động xã hội của trẻ khuyết tật đều bị hạn chế.

Ở Việt Nam hiện nay không có nhiều trường chuyên biệt về chăm sóc và giáo dục trẻ em khuyết tật. Các trung tâm bảo trợ xã hội, trung tâm dạy nghề cho trẻ khuyết tật còn ít và trang thiết bị còn thiếu. Đội ngũ giáo viên trực tiếp giảng dạy chưa được trang bị đầy đủ các kiến thức về đặc điểm tâm sinh lý, kiến thức về dạng tật và mức độ khuyết tật để nâng cao chất lượng học tập của trẻ.

Chị Dương Phương Hạnh - người khiếm thính hiện đang là Tổng Thư ký Liên đoàn Nghe Kém Quốc tế và là người sáng lập Trung tâm Nghiên cứu giáo dục người khiếm thính (CED): “Thế giới không có người khuyết tật, chỉ có người có năng lực khác nhau”.

Chị Dương Phương Hạnh - người khiếm thính hiện đang là Tổng Thư ký Liên đoàn Nghe Kém Quốc tế và là người sáng lập Trung tâm Nghiên cứu giáo dục người khiếm thính (CED): “Thế giới không có người khuyết tật, chỉ có người có năng lực khác nhau”.

Nhiều phụ huynh không thừa nhận sự thật con mình là trẻ khuyết tật nên né tránh, do đó trẻ không được hỗ trợ kịp thời và không được hưởng chính sách riêng dành cho học sinh khuyết tật. Đa số trẻ khuyết tật chưa được quan tâm để được can thiệp sớm, nên dù ở lứa tuổi nào khi đến lớp các em vẫn rất ngây ngô, kĩ năng học tập cũng như giao tiếp hạn chế.

Cô giáo Phạm Thị Thảo, giáo viên Trường Tiểu học Đông Mai, TX Quảng Yên, chia sẻ: “Hầu hết thiết bị dạy học đều do giáo viên tự tạo, dựa trên kinh nghiệm cá nhân, đòi hỏi giáo viên phải đầu tư rất nhiều thời gian, công sức. Đồng thời, học sinh khuyết tật học hòa nhập với nhiều dạng tật khác nhau. Một số học sinh mắc nhiều tật (đa tật) và mức độ khuyết tật nặng. Do đó, chúng tôi còn gặp khó khăn trong việc tổ chức các hoạt động giáo dục phù hợp với từng dạng tật”.

Thực trạng nguồn lực tại Việt Nam

Chính phủ và các cơ quan chức năng đã dành nhiều sự quan tâm tới đời sống của NKT tại Việt Nam với việc ban bố các chính sách, đề án như chương trình Trợ giúp NKT giai đoạn 2021 - 2030, Đề án Hỗ trợ trẻ em khuyết tật tiếp cận các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục tại cộng đồng giai đoạn 2018 – 2025…

Tại TP HCM, thời gian qua cũng đã có nhiều dự án nhằm quan tâm đến NKT, có thể kể đến dự án xe buýt sàn thấp cho người đi xe lăn, cấp thẻ xe buýt miễn phí cho NKT, đồng thời hướng đến xây dựng thành phố thông minh không rào cản cho NKT. Nhiều công trình công cộng cũng đã được cải thiện, thêm các tiện ích cho NKT.

Theo Phó trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát, mặc dù đã có những kết quả tốt trong công tác trợ giúp NKT, nhưng Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn về kinh tế, hạ tầng cơ sở xã hội thiếu thốn, chưa thể đáp ứng thỏa đáng các nhu cầu nguyện vọng của NKT. Vẫn còn NKT thuộc hộ nghèo, cận nghèo, sức khỏe hạn chế, thiếu việc làm, chưa tiếp cận được các dịch vụ xã hội, sống phụ thuộc vào trợ giúp của gia đình và xã hội.

Giải quyết vấn đề NKT phải đặt trên nền tảng triết lý, đó là quyền con người, phải đặt nền tảng là sự tôn trọng quyền con người lên trên hết. Muốn làm được điều đó phải xóa bỏ các rào cản về tư duy và nhận thức; xóa bỏ rào cản về pháp lý cơ chế, chính sách; xóa rào cản mặc cảm trong cộng đồng. Giải quyết vấn đề NKT cũng cần phải phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, trách nhiệm của cả cộng đồng và bản thân NKT. Có như vậy mới nâng cao chất lượng an sinh xã hội đối với cuộc sống của NKT.

Thời gian tới, hy vọng rằng những chính sách về xã hội tạo điều kiện thuận lợi hơn cho NKT hòa nhập sẽ được thực thi sát sao hơn để “không ai bị bỏ lại phía sau”. Đồng thời, ngay cả bản thân mỗi chúng ta cũng cần dừng ánh mắt nghi ngại hay thương cảm dành cho cộng đồng NKT, mà thay vào đó, hãy cùng nhau hỗ trợ, tạo điều kiện hơn nữa để NKT có cơ hội phát triển và cống hiến bình đẳng, được nuôi dưỡng những tài năng độc nhất vô nhị.

Còn đó tấm gương của những NKT đầy ý chí, nghị lực như VĐV cử tạ Lê Văn Công – VĐV từng vô địch, phá kỷ lục cử tạ thế giới NKT, hay “kình ngư vàng” trên đường đua xanh của thể thao NKT Việt Nam Võ Thanh Tùng; cô thủ thư khuyết tật Huỳnh Thị Xậm được xướng tên trong danh sách 100 phụ nữ 2017 của BBC đã truyền cảm hứng từ việc dạy chữ cho người khiếm thị… Sự quan tâm đúng mực, tôn trọng từ cộng đồng sẽ tiếp thêm niềm tin, hy vọng và động lực cho NKT sống một cuộc đời hạnh phúc trọn vẹn mà họ xứng đáng được có theo đúng tinh thần của chị Dương Phương Hạnh - người khiếm thính hiện đang là Tổng Thư ký Liên đoàn Nghe Kém Quốc tế và là người sáng lập Trung tâm Nghiên cứu giáo dục người khiếm thính (CED): “Thế giới không có NKT, chỉ có người có năng lực khác nhau”.

Đọc thêm