Cố nhạc sĩ Văn Cao, Phạm Duy sẽ “khởi hành” với “Giai điệu tự hào”

(PLO) - Lấy cảm hứng từ câu chuyện tình bạn của hai tác giả tân nhạc lớn của Việt Nam, những người thực hiện chương trình “Giai điệu tự hào” quyết định chọn Khởi hành làm chủ đề của số phát sóng đầu tiênvào ngày 20 giờ ngày 28/5/2016 – – một góc nhỏ để ngợi ca những tuyệt phẩm của hai nhạc sĩ gạo cội, cánh chim đầu đàn của nền tân nhạc Việt Nam.
Cố nhạc sỹ Văn Cao
Cố nhạc sỹ Văn Cao

Đó sẽ là một câu chuyện âm nhạc đầy cảm xúc, câu chuyện cuộc đời của hai cố nhạc sĩ Văn Cao và Phạm Duy. Mỗi người một con đường, mỗi người một số phận nhưng họ gặp nhau ở niềm đam mê âm nhạc, nỗi lòng với quê hương, đất nước. Khi chọn làm chủ đề của số phát sóng đầu tiên, “Giai điệu tự hào” muốn tái dựng lại hai biểu tượng âm nhạc lớn của Việt Nam từ những năm đầu của thập niên 40 thế kỷ trước kéo dài đến những năm 1950, từ những ca khúc như Buồn tàn thu; Đàn chim Việt; Bến xuân; Tiến Quân ca, một bài hát gắn liền với cuộc Cách mạng Tháng 8 lịch sử đến một phần âm nhạc của Phạm Duy sau khi rời miền Bắc như: Tình ca; Anh sẽ đưa em về;...

Cố nhạc sỹ Phạm Duy
Cố nhạc sỹ Phạm Duy 

Giám đốc âm nhạc, nhạc sĩ Thanh Phương sẽ giới thiệu tới khán giả những bản phối mới. Anh chia sẻ rằng mình thấy đồng cảm với ê-kip ở cách kể chuyện nên khi bắt tay vào làm nhạc, những ca khúc tưởng như đã quá quen thuộc cũng mang đến cho anh thật nhiều cảm xúc. Trong số những bài hát của số đầu tiên, anh đặc biệt yêu thích bản phối “Tình ca” của cố nhạc sĩ Phạm Duy. Ở đây, anh muốn nhấn mạnh đến âm hưởng dân ca Nam Trung bộ. Nhạc sĩ Thanh Phương tâm sự: “Khi phối lại ca khúc này, tôi mường tượng ra hình ảnh cố nhạc sĩ Phạm Duy đang ở miền Nam. Ông nhớ đến quê nhà, nhớ đến giọng nói của quê hương nên ngôn ngữ âm nhạc của ông lúc này mang nhiều âm hưởng Nam hơn thường lệ.”

“Trường ca sông Lô” – một tác phẩm kinh điển của cố nhạc sĩ Văn Cao cũng là một tác phẩm được nhạc sĩ Thanh Phương khá hài lòng khi phối lại. Theo anh, đây là một ca khúc mà chỉ có giao hưởng mới có thể chuyển tải được hết cái hùng tráng, cái tầm của bài hát. “Bởi nó như một cuốn tiểu thuyết lớn bằng âm nhạc” – nhạc sĩ Thanh Phương chia sẻ. Qua sự thể hiện vừa đầy chất kỹ thuật lại vừa cảm xúc của ca sĩ Trọng Tấn, bài hát hứa hẹn sẽ làm hài lòng cả những khán giả khó tính nhất.

Nhà sản xuất Đặng Diễm Quỳnh cho biết điều mà ê-kip hướng tới đó là bằng những thủ pháp báo chí, bằng kĩ năng tác nghiệp hình ảnh của truyền hình sẽ đưa được nhiều câu chuyện còn ẩn sau mỗi bài hát nổi tiếng. Song song với phần biểu diễn trên sân khấu là những cuộc “trò chuyện” chia sẻ kỷ niệm và cảm xúc. Như nhà báo Lại Văn Sâm chia sẻ “Hội đồng bình luận trẻ và lớn tuổi sẽ cùng ngồi chung, không còn khoảng cách thế hệ”. Bởi theo anh, âm nhạc là không có tuổi. Khi chúng ta có tình yêu và niềm tự hào chung về những ca khúc Việt Nam, chúng ta sẽ tìm được tiếng nói và sự đồng cảm. Thông qua những cuộc trò chuyện như vậy, khán giả sẽ hiểu được nhiều thông tin hơn phía sau bài hát, hiểu được “cuộc đời” của mỗi bài hát mình được nghe.

 Nam Phương

Sau một thời gian tạm ngừng để thay đổi format, nhưng vẫn kế thừa những kinh nghiệm và sáng tạo của phiên bản 1, năm 2016, “Giai điệu tự hào” bước sang một chặng mới với VTV là đơn vị trực tiếp sản xuất.

Ban Thanh thiếu niên gồm những cái tên quen thuộc như nhà báo Tạ Bích Loan, nhà báo Đặng Diễm Quỳnh được giao thực hiện chương trình này. Với sự tham gia của Giám đốc âm nhạc Trần Thanh Phương; Đạo diễn sân khấu Cao Trung Hiếu và đối tác truyền thông AM5, lần này chúng tôi muốn mang đến một cái nhìn mới về “Giai điệu tự hào”.

Đọc thêm