Làm cách nào để duy trì điều tuyệt vời trong mơ khi tỉnh táo?

(PLO) -Lucid Dream – Giấc mơ tỉnh táo – là thuật ngữ dùng để chỉ hiện tượng thức giấc trong mơ xảy ra ở một số người. Khi giấc mơ tỉnh táo xảy ra, người ngủ mơ có thể ý thức được việc mình đang mơ và có khả năng tự kiểm soát tất cả mọi thứ xảy ra trong giấc mơ của mình, bao gồm cả việc có thể bay như chim, chạy nhanh như siêu nhân và làm những việc ngoài đời không thể thực hiện được. 
 Hình minh họa
Hình minh họa

Những điều tuyệt vời có thể thực hiện trong giấc mơ tỉnh táo khiến ngày càng có nhiều người mong muốn thực hiện được những giấc mơ này, cùng với đó mong muốn được giải mã đầy đủ hiện tượng này ngày càng tăng cao.

Giấc mơ tỉnh táo đến khi nào?

Khi nào giấc mơ tỉnh táo xảy ra là câu hỏi của rất nhiều người quan tâm đến hiện tượng này trên thế giới. Thông thường rất khó để có được một giấc mơ tỉnh táo, khi mà trong hầu hết các trường hợp, mọi người chỉ mơ những giấc mơ bình thường. Tức là những giấc mơ mà chỉ khi ngủ dậy mới biết là mình đã mơ.

Những người nghiên cứu về hiện tượng này cho biết giấc mơ tỉnh táo rất khác với giấc mơ thông thường, nó rất sống động và chân thực, hoặc có thể nói là tuyệt vời. Thậm chí đã có nhiều người bày tỏ muốn sống mãi trong những giấc mơ tỉnh táo khi họ được là chủ sáng tạo nên mọi thứ trong giấc mơ của mình.

Tiến sĩ Celia Green trong cuốn sách “Những nghiên cứu về Lucid Dream” (xuất bản năm 1968) đã chỉ ra rằng: “Giấc mơ tỉnh táo” là một hiện tượng khác với những giấc mơ thông thường và nó có liên quan đến giấc ngủ REM (khi trạng thái não bộ của chúng ta ở mức hoạt động thấp nhất và cơ thể ở trạng thái nghỉ ngơi tốt nhất, mắt của chúng ta di chuyển nhanh, liên tục và chúng ta dần chìm vào những giấc mơ”.

Cụ thể, giấc mơ tỉnh táo thường xuất hiện vào giai đoạn thứ 5 của giấc ngủ, khi cơ thể chúng ta hoàn toàn bị tê liệt, ngoại trừ mí mắt. Dựa vào đặc điểm đó, các nhà khoa học đã tạo ra các thí nghiệm nghiên cứu dựa trên chuyển động của mí mắt để xây dựng nên các giấc mơ tỉnh táo và lý giải những điều còn chưa biết của hiện tượng này.

Làm thế nào để tỉnh táo trong mơ?

Thông thường để có được giấc mơ tỉnh táo có chủ đích, bản thân người thực hiện phải tiến hành nhiều biện pháp kích thích thực hiện giấc mơ. Có nhiều phương pháp được thực hiện thông qua góc độ các tôn giáo khác nhau từ xa xưa như Phật giáo, Kito giáo.

Tuy nhiên, các kỹ thuật chủ yếu được biết đến hiện nay để có được giấc mơ tỉnh táo bao gồm: Kỹ thuật gợi nhớ giấc mơ, kỹ thuật kiểm tra thực tế, kỹ thuật thức tỉnh trong giấc mơ, kỹ thuật điều chỉnh chu kỳ và kỹ thuật quay trở lại giấc ngủ.

Kỹ thuật gợi nhớ giấc mơ, thực hiện bằng cách người luyện tập liên tục kiên trì ghi chép lại nội dung những giấc mơ trước đó của mình. Kết quả của cách rèn luyện này là người luyện tập sẽ ghi nhớ lâu và làm quen với các giấc mơ một cách thường xuyên là tiền đề để có được giấc mơ tỉnh táo.

Kỹ thuật kiểm tra thực tế, đây là kỹ thuật mà người thực hiện sẽ dùng ngay trong giấc mơ của mình để kiểm tra xem giấc mơ của mình là giấc mơ thường hay giấc mơ tỉnh táo. Trong giấc mơ tỉnh táo, thế giới được tạo ra chứa vô vàn những điều phi lý, hoang tưởng do người mơ ngủ tạo ra, trong khi đó giấc mơ bình thường lại chứa những điều hoàn toàn logic. 

Do đó, để kiểm tra xem mình đang mơ một giấc mơ bình thường hay giấc mơ tỉnh táo, bản thân người ngủ phải kiểm tra các sự vật, hiện tượng trong giấc mơ xem có điều gì là phi lý hay hoàn toàn logic.

Kỹ thuật thức tỉnh trong giấc mơ, kỹ thuật này bắt buộc người thực hiện phải thức dậy giữa chừng lúc đang mơ khoảng 5 – 10 phút rồi lại ngủ tiếp. Với lần ngủ mơ thứ hai, giấc mơ khi này sẽ sống động, ly kỳ hơn và đây là giấc mơ tỉnh táo.

Kỹ thuật điều chỉnh chu kỳ, với kỹ thuật này người thực hiện sẽ tự điều chỉnh chu kỳ giấc ngủ của mình, quá trình sẽ giúp nâng cao nhận thức của não kích thích các giấc mơ diễn ra được đều và ổn định từ đó tiến tới đạt được giấc mơ tỉnh táo cũng dễ hơn.

Kỹ thuật quay trở lại giấc ngủ - được xem là kỹ thuật hiệu quả nhất để có thể đạt được một giấc mơ tỉnh táo, đặc biệt hiệu quả đối với những người mới bắt đầu đặt chân vào thế giới của những giấc mơ diệu kỳ, phi lý. 

Cũng giống như kỹ thuật thức tỉnh trong giấc mơ, kỹ thuật này cũng buộc người luyện tập phải thức dậy giữa chừng của giấc mơ nhưng ở kỹ thuật này sau khi tỉnh dậy người ngủ buộc phải thật tỉnh táo trong suốt 20 – 60 phút sau đó mới được quay trở lại ngủ để tìm khiếm giấc ngủ tỉnh táo.

Điểm chung của các phương pháp này là rèn luyện cho người thực hiện phân biệt được đâu là giấc mơ tỉnh táo cần hướng đến và đâu là giấc mơ bình thường. Cũng như làm thế nào để người luyện tập thường xuyên có được và kéo dài được những giấc mơ tỉnh táo của mình.

Đây cũng là điểm mấu chốt mà nhiều người quan tâm nhất khi nói đến hiện tượng này. Với giấc mơ tỉnh táo, bạn có thể bay như chim, hóa thân thành một con ngựa hoang chạy trên đồng cỏ, tưởng tượng ra một khu rừng to lớn và bản thân mình đang đi dạo trong đó, di chuyển nhà cửa, đồ vật chỉ bằng suy nghĩ, thấy mình mạnh mẽ, có quyền năng hơn ngoài đời thực, giải toán hay thậm chí là làm chủ cả một thế giới với các nhân vật, con người, đồ vật do bạn tưởng tượng ra... Tóm lại, bạn có thể sáng tạo ra mọi thứ trong giấc mơ tỉnh táo ngay cả những điều tưởng như điên rồ nhất.

“Inception” là bộ phim hành động khoa học viễn tưởng ra mắt năm 2010 của đạo diễn Christopher Nolan. Bộ phim lấy ý tưởng từ hiện tượng giấc mơ tỉnh táo nơi con người có thể sáng tạo nên mọi thứ trong giấc mơ của mình.
Phim có sự góp mặt của dàn diễn viên nổi tiếng: Leonardo DiCaprio, Ellen Page, Joseph Gordon-Levitt, ... Bộ phim thành công khi mang về hơn 800 triệu đô la doanh thu trên toàn thế giới, trở thành bộ phim có doanh thu cao thứ 41 trong lịch sử điện ảnh và bốn giải Oscar. Đây là bộ phim đầu tiên khai thác thành công hiện tượng giấc mơ tỉnh táo của con người, theo nhiều chuyên gia nhận định.

Đọc thêm