Luật hóa bản quyền về thời trang - tại sao không?

(PLO) - Nhiều sao Việt có người vô tình đụng phải hàng nhái nhưng có những người tự đặt may cho mình những trang phục na ná hàng hiệu với tiêu chí “đẹp là được” mà không hề biết rằng họ đang cổ súy cho hành động đạo nhái ý tưởng, ăn cắp chất xám của người Việt.
Ngọc Trinh thẳng thắn thừa nhận vì quá thích váy của Elie Saab nên đã nhờ nhà thiết kế “đạo” lại giúp mình.
Ngọc Trinh thẳng thắn thừa nhận vì quá thích váy của Elie Saab nên đã nhờ nhà thiết kế “đạo” lại giúp mình.

Lỗi của ai?

Dẫu biết cuộc chiến váy áo trên thảm đỏ là một cuộc chiến không khoan nhượng. Nhưng không phải ai cũng đủ điều kiện để chạy đua hàng hiệu. Và như một lẽ dĩ nhiên, hàng nhái, hàng biến tấu được ra đời. Bên cạnh những người đẹp dũng cảm thừa nhận mình mặc hàng nhái, thì cũng có những người im lặng chờ scandal đi qua. Nhưng dù họ chọn cách nào đi chăng nữa thì cũng không thể “xóa” được sai phạm của mình.

Người thừa nhận đáng trách, bởi họ biết là mình sai nhưng vẫn làm hoặc biết là sai nhưng vẫn cố tình kéo theo các nhà thiết kế sai cùng mình bằng cách bắt họ biến tấu lại hàng hiệu. Như Ngọc Trinh cô thẳng thắn nhận vì quá thích mẫu váy của Elie Saab của Taylor nên cô nhờ nhà thiết kế “nhái lại” và còn tự cho rằng bản thân mặc đẹp hơn. Đây rõ ràng là sự thừa nhận hành vi đi trái với đạo đức nghề nghiệp. Còn người im lặng thì lại đáng giận hơn, đó là họ biết sai nhưng vẫn im lặng, vẫn không chịu thừa nhận mình sai. Nghĩa là sẽ tiếp tục?

Nhưng đâu cũng có nguyên do của nó, nguyên do đầu tiên thuộc về nhà thiết kế đã quá dễ dãi với thương hiệu của mình. Thay vì quyết tâm giữ được cái “cốt cách” trong nghề đó là làm nên thương hiệu riêng mang tên mình một cách đích thực, thì họ lại chọn cách xào nấu lại sản phẩm của người khác rồi gọi tên đó là của mình. Hoặc có thể vì họ “cả nể” người nổi tiếng nên sẵn sàng “sáng tạo” lại dựa trên gợi ý của người mặc để rồi không ít lần nhận lấy thiệt thòi về phía mình. Đó là điều tiếng về sự “dễ dãi” trong nghề.

Và nguyên do thứ 2, thuộc về phía công chúng, người thưởng thức những bộ cánh thời trang trên thảm đỏ của sao Việt nhưng lại quá dễ dãi đối với nghệ thuật. Sau vụ lùm xùm Hoa hậu Phạm Hương mặc váy công chúa phiên bản “lỗi”. Nhiều người đứng ra bênh vực một cách mùa quáng rằng “mặc hàng nhái thì sao, đẹp là được” hay biện luận theo kiểu thiếu văn mình đó là “bạn đã nhái được như họ chưa mà ném đá”. 

Nhưng nói gì thì nói, hàng nhái mãi mãi là sản phẩm “ăn cắp” từ ý tưởng, đến sự sáng tạo. Là sự lao động không chân chính. Người mặc sai một, thì người làm ra nó sai 10. Không có một lí do gì có thể biện minh cho hành động cố tính biến thứ của người khác trở thành cái của mình cả.

Do luật chưa chặt chẽ

Trước hành vi mặc hàng nhái của sao, fan của họ, hoặc số đông công chúng có thể sẽ bênh vực. Tuy nhiên dưới con mắt của các tín đồ chân chính và những người tôn trọng luật bản quyền về thời trang thì việc mặc hàng nhái lại chính là cách làm xấu đi hình ảnh của người nổi tiếng.

Chỉ vì một bộ trang phục yêu thích mà các ngôi sao lại bị vướng vào những thị phi và trở thành bia miệng cho những sự gièm pha chỉ trích. Đó là chưa nói đến việc nếu cứ mãi cổ súy cho việc mặc hàng nhái, người Việt sẽ “quên” đi mong muốn được nhìn những sản phẩm chất lượng mang thương hiệu Việt.

Còn xét về phía nhà thiết kế, việc “đạo nhái” sản phẩm không khác gì việc họ tự giết khả năng sáng tạo của mình và hạ thấp giá trị thương hiệu của chính họ. Sự học hỏi trong thời trang là điều nên làm và khó tránh khỏi nhưng học hỏi không có nghĩa là copy tới 80, 90, thậm chí là 100% mẫu thiết kế được làm từ chất xám của những thương hiệu đích thực.

Không ít lần nhà thiết kế Quỳnh Paris, người từng tham dự nhiều tuần lễ thời trang nước ngoài, bày tỏ sự phẫn nộ với truyền thông nạn đạo mẫu thiết kế đang tồn tại khá nhiều, khá “dày” ở Việt Nam. Cô cho rằng việc ăn cắp các công đoạn để sản xuất ra một sản phẩm thay vì phải đầu tư chất xám vào nó là một hành động hạ thấp giá trị sản phẩm gốc.

Ở nước ngoài, đã xảy ra rất nhiều những trường hợp phải chịu hậu quả vì lỗi “xào nấu” mẫu thiết kế như năm 2006, thương hiệu Ralph Lauren đã từng bị kiện vì copy lại bộ tuxedo nữ đình đám do Yves Saint Laurent thiết kế, vụ kiện kết thúc với mức phạt mà Ralph Laurent phải trả lên tới 400.000 USD tương đương với hơn hơn 8 tỉ đồng; năm 2009, Carmel Colle - chủ hãng sợi móc World Tricot kiện “ông lớn” Chanel ra tòa vì việc ăn cắp mẫu sợi móc của hãng. Sau vụ này Chanel đã phải bồi thường cho World Tricot số tiền khoảng 600.000 USD (tương đương với 12 tỷ đồng).

Ở Việt Nam, do vấn đề bản quyền về thời trang còn chưa chặt chẽ ở góc độ pháp luật nên hầu như các “thợ may” mang danh nhà tạo mốt chưa gặp phải các vụ kiện tụng. Thế nên nhái vẫn còn đất sống…

Đọc thêm