Nhà xuất bản sợ... truyện tranh!

(PLO) - Truyện tranh nói chung và họa sĩ sáng tác truyện tranh nói riêng ở Việt Nam có một xuất phát điểm khá muộn so với nhiều quốc gia khác. Tuy nhiên, những gì truyện tranh Việt Nam làm được hôm nay thực sự là một điều đáng để ngưỡng mộ.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Truyện tranh Việt Nam “hậu sinh khả úy”

Trong buổi giao lưu tại lễ hội truyện tranh Việt Nam (Vietnam Comics Day) diễn ra mới đây, lắng nghe bảng báo cáo thành tích mà các họa sĩ Việt đã đạt được không ai mà không khỏi tự hào. Họa sĩ vẽ truyện tranh Việt Nam có thể nói tuy ít, nhưng chất lượng thì khiến cộng đồng có quyền được “nức mũi”. Bằng chứng là xuất bản điểm muộn hơn các nước Hàn Quốc, Nhật Bản nhưng ở các giải thưởng dành cho “managa” chúng ta vẫn được gọi tên và đứng ngang hàng với họ. Và về sự cạnh tranh cũng như sức hút của truyện tranh Việt Nam đối với các quốc gia như Malaysia, Indonesia… thì rõ ràng chúng ta đang đứng trên một bậc. 

Hoạ sĩ Vũ Đình Lân - người đạt giải nhì Silent Managa Award 2015 tại Nhật không giấu được niềm vui và vẻ tự hào về những gì mà mình đạt được. Đối với Lân, đó không chỉ là động lực để mình tiếp tục vẽ và sáng tác mà  còn là niềm tự hào, là sự thôi thúc để những người họa sĩ trẻ như Lân tiếp tục cống hiến.

Với thành tích đạt được như vậy, nhưng nhiều độc giả vẫn cảm thấy băn khoăn vì sao hình tượng trong các truyện tranh Việt Nam còn na ná giống người Nhật, trả lời về điều này, họa sĩ trẻ Vũ Đình Lân thẳng thắn chia sẻ: “Vì chúng ta bắt đầu sau nên việc lựa chọn phong cách vẽ giống một họa sĩ nước ngoài nổi tiếng để học tập và làm theo là điều có thể hiểu được. Tuy nhiên, mỗi họa sĩ đều sẽ có nét vẽ riêng mang đậm phong cách của mình, rồi từ từ dần thoát ly ra khỏi hình tượng mà chính mình đang học tập”. 

Mong muốn của Vũ Đình Lân là ngoài việc nét vẽ thoát ra khỏi hình ảnh của thần tượng thì dần dần các họa sĩ truyện tranh Việt Nam sẽ lồng ghép những hình ảnh về đất nước, con người, văn hóa Việt Nam như tà áo dài, tháp Rùa, gánh hàng rong… để từ đó họa sĩ truyện tranh Việt Nam sẽ trở nên gần gũi hơn với độc giả trong nước nói riêng và quảng bá được hình ảnh đất nước hình chữ S đến với bạn bè quốc tế.

Vũ Đình Lân cũng khẳng định: “Vị trí đứng của truyện tranh Việt Nam so với thế giới chúng ta không hề thua kém. Cụ thể là trong một lần mình sang Nhật nhận giải cuộc thi Silent Manga năm vừa rồi, người Việt chiếm vị trí trong cả ba giải thưởng cao nhất của cuộc thi. Điều đó chứng tỏ rằng so với các nước khác thì Việt Nam mình vẫn có vị thế nói riêng”.

Mong sự “nâng đỡ” của độc giả nước nhà

Hiện tại, người ủng hộ truyện tranh Việt Nam đã tăng lên khá nhiều, tuy nhiên ở thị trường Việt Nam rất khó để cạnh tranh với truyện tranh Nhật Bản bởi chúng ta là “người đến sau”, độc giả một số lượng đông đảo vẫn còn hoài nghi về chất lượng của các tác phẩm, hoặc họ đã quá quen thuộc với truyện tranh thế giới nên không sẵn sàng bỏ sang truyện tranh trong nước. Rào cản nữa là quan niệm “truyện tranh cho trẻ con” của các đơn vị nắm quyền xuất bản hiện nay.

Truyện tranh là một hình thức thể hiện nghệ thuật. Trên thế giới, không có đất nước nào coi truyện tranh là cho trẻ con. Tại các ngày hội truyện tranh (ComicCon) ở Mỹ, Nhật, Anh, Đức... lứa tuổi chủ yếu đến xem là lứa tuổi trưởng thành  từ 20-35 tuổi.  Rõ ràng nếu truyện tranh chỉ là dành cho trẻ con, tại sao các bộ phim “bom tấn” chuyển thể từ truyện tranh Mỹ luôn đứng đầu bảng xếp hạng doanh thu nhiều năm gần đây? 

“Quan niệm kỳ lạ và sai lầm này của các đơn vị xuất bản dẫn tới thực trạng mà các sáng tác truyện tranh Việt Nam đang phải đối mặt: các tác phẩm truyện tranh cho người trưởng thành của tác giả Việt Nam rất khó xuất bản do “e sợ”. Và có lẽ, trở ngại lớn hơn nữa đó là giá truyện nhập từ nước khác về có giá rẻ hơn so với truyện tranh Việt Nam” - Vũ Đình Lân chia sẻ về những thách thức mà truyện tranh Việt Nam đang gặp phải.

Tuy nhiên, họa sỹ trẻ này cũng bày tỏ niềm hi vọng về cơ hội mà truyện tranh Việt Nam có được trong tương lai, đó chính là chúng ta có thế hệ họa sĩ trẻ đầy tài năng và tràn đầy nhiệt huyết. Các tác giả trẻ có lợi thế là họ có sức sáng tác tốt, rất nhanh nhạy với các phong cách sáng tác truyện tranh ăn khách trên thế giới. Họ có trình độ thể hiện rất tốt. Hơn tất cả, độc giả Việt Nam dạo gần đây đang ngày càng có sự “ưu ái” dành những tác phẩm truyện tranh nước nhà. 

Với những báo cáo thành tích và phương hướng, kế hoạch được đưa ra tại Comics Viet Nam Day vừa qua, chúng ta có quyền tin rằng truyện tranh nói chung và họa sĩ sáng tác truyện tranh nói riêng sẽ làm được nhiều hơn thế nữa để cống hiến cho độc giả những tác phẩm truyện tranh chất lượng và nâng vị thế của truyện tranh Việt Nam lên cao hơn, sánh ngang với những cường quốc có lịch sử “lâu đời” như Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ…Và biết đâu một ngày, những sáng tác truyện tranh của Việt Nam sẽ được chuyển thể thành phim điện ảnh. Đấy ắt hẳn sẽ là một bước tiến lớn cho cả hai ngành trong tương lai.

Đọc thêm