Nữ soạn giả hơn 500 bài vọng cổ qua đời

0:00 / 0:00
0:00
Bà Hà Nam Quang - nữ soạn giả của hơn 500 bài vọng cổ - qua đời vì bệnh tiểu đường, thọ 67 tuổi, vào chiều 10/5.
Soạn giả Hà Nam Quang (1954 - 2021). Ảnh: BPTV.
Soạn giả Hà Nam Quang (1954 - 2021). Ảnh: BPTV.

Đạo diễn Thanh Hiệp - đồng nghiệp lâu năm của cố soạn giả - cho biết hơn một tháng qua, bà nhập viện vì biến chứng tiểu đường, một bên chân bị hoại tử. Bệnh diễn biến xấu, bà rơi vào hôn mê. Sáng nay, bà được đưa về nhà. Những ngày cuối đời, soạn giả chủ yếu được em gái chăm sóc vì không chồng con.

Soạn giả Hà Nam Quang (1954 - 2021). Ảnh: BPTV.

Vài tháng trước, Thanh Hiệp về An Giang thăm bà và một số đồng nghiệp để tặng quà thiện nguyện. Nhưng bà một mực từ chối, cho rằng còn nhiều nghệ sĩ khổ hơn mình. Anh nói: "Tôi nhớ mãi nụ cười hiền hậu ấy. Chị thường có cái nhìn bao dung, đầy thương yêu cuộc sống nên giọng văn trong câu ca, lời thoại hiền lành như bản chất Nam bộ của chị. Những lần Hội sân khấu TP HCM tổ chức hội thảo, chuyên đề sáng tác, chị đều có mặt, động viên những ai còn tâm huyết với sân khấu dân tộc".

Tiến sĩ Lê Hồng Phước - chuyên nghiên cứu ngành lịch sử văn hóa của Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM - đánh giá, dù lớn tuổi, Hà Nam Quang vẫn giữ bút lực khỏe, với loạt sáng tác chứng tỏ bề dày vốn sống. Anh nói: "Bà mất đi là một tổn thất lớn cho cải lương và cổ nhạc miền Nam, trong bối cảnh lực lượng soạn giả trẻ kế thừa còn rất thiếu".

Soạn giả Hà Nam Quang tên thật là Hà Thị Mỹ Dung, sinh năm 1954 tại An Giang. Từ nhỏ, đam mê cải lương, bà quyết theo học chuyên ngành diễn viên sân khấu. Sau năm 1975, bà công tác tại Đài truyền hình TP HCM và Đài truyền hình Cần Thơ. Năm 1978, sau khi dừng nghề phát thanh viên, bà chuyển sang sáng tác kịch bản. Vở đầu tay của bà Ngọn cờ Long Hưng, do Đoàn văn công TP HCM dàn dựng.

Bà đã viết gần 500 bài vọng cổ, trên 100 kịch bản cải lương, được các đài phát thanh - truyền hình Nam bộ và cả nước phát sóng, như Như loài hoa ấy, Vườn tiêu quê mẹ, Tình không muộn, Tôi còn thiếu nợ... Bà đi nhiều nơi, tìm hiểu đời sống để lấy chất liệu sáng tác. Soạn giả cho biết bà sáng tác vì nợ ân tình những mảnh đất đã đi qua.

Trong bản vọng cổ Tôi còn thiếu nợ, bà viết: "Bạn bè ơi, đừng trách chi nghệ sĩ, phóng khoáng tâm hồn để thiếu nợ nghĩa nhân. Đồng bằng phương Nam xuôi ngược đã bao phen, về chốn cũ thấy lòng nhiều xao động... Đêm nay thức với dòng sông, ray rứt quá bao nợ đời trĩu gánh. Muốn kêu nhưng nghẹn trong lòng, nợ tình, nợ nghĩa biết không trả vừa"

Đọc thêm