Thế phong thủy các cố đô Việt Nam

(PLO) -Từ Phong Châu, Cổ Loa, Hoa Lư, cho đến kinh thành Huế… người ta đều nhận thấy tiền nhân đã có con mắt vô cùng tinh tế khi lựa chọn những nơi này làm kinh đô nước Việt.
Cố đô Hoa Lư
Cố đô Hoa Lư

Phong Châu  

Lộc Tục Kinh Dương Vương làm vua nước Xích Quỷ, truyền ngôi cho con là Sùng Lãm Lạc Long Quân. Lạc Long Quân phong cho con trưởng làm vua nước Văn Lang, xưng là Hùng Vương đóng đô ở Phong Châu thuộc huyện Bạch Hạc, tỉnh Phú Thọ, truyền ngôi được 18 đời. 

Họ Hồng Bàng bắt đầu từ vua Kinh Dương Vương đến vua Hùng Vương thứ 18 gồm 20 đời kéo dài 2621 năm. Như vậy 18 đời Vua Hùng Vương nước Văn Lang đóng đô ở Phong Châu phải có ít nhất 2.000 năm. Một con số huyền sử chưa xác thực, nhưng ý nghĩa mà huyền sử muốn nói là nguồn gốc Rồng Tiên cao quý của dân tộc, thời đại lập quốc của nước Văn Lang thái bình thịnh trị qua hàng nghìn năm.

Từ khi dựng nước, các vua Hùng đã chú ý đến nơi đóng đô. Nơi đặt đô đầu tiên là vùng đất giao lưu giữa sông Hồng và sông Đà, nằm giữa hai huyện Tam Nông và Thanh Thủy (tỉnh Phú Thọ). Đây là vùng đất tương đối bằng phẳng nhưng chật hẹp nên vua Hùng quyết định dời đô về Phong Châu – cách đô cũ khoảng 20 km về phía bắc. Đó là Việt Trì ngày nay.

Kinh đô Phong Châu là một long mạch lớn, hội đủ các tiêu chuẩn của một kinh đô ngàn năm. Nơi đặt đô là ngã ba Hạc – nơi giao của ba con sông lớn là sông Hồng, sông Đà, sông Lô tạo thành một thế thủy bao ôm lấy thành Phong Châu. Phía bắc là dãy Tam Đảo bao bọc che chắn như tay thanh long, phía nam là các dãy núi kế tiếp của Hoàng Liên Sơn vùng Yên Lập, Thanh Sơn – đây là tay bạch hổ. Phía tây bắc là những dãy đồi trùng điệp hình 99 con voi chầu về núi Hùng (núi Nghĩa Lĩnh). Núi Hùng là một đầu rồng nhô lên. Đây là vùng đất cuối cùng của vòng cung Sông Gâm, chạy từ Tuyên Quang xuống Đoan Hùng – Phù Ninh. Trước mặt là vùng đồng bằng rộng lớn kéo dài của vùng tam giác châu thổ sông Hồng. Đây là chu tước. Trước mặt nổi lên ngọn núi cao 1281 mét, đó là nui Tản Viên làm Án sơn. Các dòng nước của sông Hồng, sông Đà, sông Lô dẫn mạch chảy vòng từ Tây Bắc xuống Đông Nam rồi vòng lên hướng Đông hợp lưu với sông Lô ở ngã ba Bạch Hạc tạo thế Thủy Viên Thành làm kinh đô có một vẻ hùng vĩ. 

Kinh đô Phong châu là một đại long mạch của Việt Nam vì nó đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của một thế đất đẹp là phải có thanh long, bạch hổ, chu tước, huyền vũ.  

Cổ Loa 

Sau khi đánh thắng 50 vạn quân xâm lược nhà Tần, Thục Vương quyết định xây thành Cổ Loa. Loa Thành hay Cổ Loa Thành, chính là kinh thành của nước ta thời An Dương Vương. Di tích Loa Thành nay vẫn còn ở huyện Đông Anh, ngoại thành Hà Nội. Truyền thuyết nói Loa Thành gồm đến chín vòng, được đắp theo kiểu xoáy hình trôn ốc, nhưng di tích còn lại chỉ thấy có ba vòng, dài tổng cộng hơn mười sáu cây số.  

Thành Cổ Loa không những là một công trình đồ sộ, cổ nhất của cả dân tộc mà còn là một tinh hoa quân sự của người Việt. Xung quanh Cổ Loa, một mạng lưới thủy văn dày đặc, tạo thành một vùng khép kín, thuận lợi cho việc xây dựng một căn cứ thủy binh hùng mạnh.

Thời Âu Lạc, thành nằm vào vị trí đỉnh của tam giác châu thổ sông Hồng trên một khu đất đồi cao ráo ở tả ngạn sông Hoàng, nhánh lớn quan trọng của sông Hồng, nối liền con sông này với sông Cầu, con sông lớn nhất trong hệ thống sông Thái Bình (qua nhiều thế kỷ sông Hoàng hiện bị phù sa bồi đắp trở thành một con lạch nhỏ). Từ đây có thể kiểm soát được cả vùng đồng bằng lẫn vùng sơn địa.  

Về mặt quân sự, thành Cổ Loa thể hiện sự sáng tạo độc đáo của người Việt cổ trong công cuộc giữ nước và chống ngoại xâm. Với các bức thành kiên cố, với hào sâu rộng cùng các ụ, lũy, Cổ Loa là một căn cứ phòng thủ vững chắc để bảo vệ nhà vua, triều đình và kinh đô. Đồng thời là một căn cứ kết hợp hài hòa thủy binh cùng bộ binh. Nhờ ba vòng hào thông nhau dễ dàng, thủy binh có thể phối hợp cùng bộ binh để vận động trên bộ cũng như trên nước khi tác chiến.

Về mặt xã hội, với sự phân bố từng khu cư trú cho vua, quan, binh lính, thành Cổ Loa là một chứng cứ về sự phân hóa của xã hội thời ấy. Thời kỳ này, vua quan không những đã tách khỏi dân chúng mà còn phải được bảo vệ chặt chẽ, sống gần như cô lập hẳn với cuộc sống bình thường. Xã hội đã có giai cấp rõ rệt và có sự phân hóa giàu nghèo rõ ràng hơn thời Vua Hùng.

Về mặt văn hóa, Cổ Loa hiện là một tòa thành cổ nhất còn để lại dấu tích, một bằng chứng về sự sáng tạo, về trình độ kỹ thuật cũng như văn hóa của người Việt Cổ.

Hoa Lư (Ninh Bình)  

Cố đô Hoa Lư là quần thể di tích lịch sử văn hóa liên quan đến sự nghiệp của các vị anh hùng dân tộc thuộc ba triều đại nhà Đinh, nhà Tiền Lê và nhà Lý, tính từ Đinh Tiên Hoàng đến Lý Thái Tông trong lịch sử. Nơi đây là kinh đô đầu tiên của nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền ở Việt Nam với các dấu ấn lịch sử: thống nhất giang sơn, đánh Tống – dẹp Chiêm và phát tích quá trình định đô Hà Nội. Năm 1010 vua Lý Thái Tổ dời kinh đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về Thăng Long (Hà Nội), Hoa Lư trở thành Cố đô. Các triều vua Lý, Trần, Lê, Nguyễn sau đó dù không đóng đô ở Hoa Lư nữa nhưng vẫn cho tu bổ và xây dựng thêm ở đây nhiều công trình kiến trúc như đền, lăng, đình, chùa, phủ. Khu di tích lịch sử Cố đô Hoa Lư hiện nay có diện tích tự nhiên 13.87 km² thuộc địa bàn tỉnh Ninh Bình. Với bề dày thời gian hơn 1000 năm, Cố đô Hoa Lư là nơi lưu trữ các di tích lịch sử qua nhiều thời đại.

Nằm trên địa bàn giáp ranh giới hai huyện Hoa Lư, Gia Viễn và thành phố Ninh Bình của tỉnh Ninh Bình, Kinh đô Hoa Lư xưa, thời Hồng Bàng thuộc bộ Quân Ninh. Dưới những chân núi đá vôi là 48 hang động thuộc hai huyện Gia Viễn và Hoa Lư. Các hang động này đi qua 31 huyệt mạch chính và 18 điểm tâm linh. Tỉnh Ninh Bình còn có đèo Tam Điệp, cách Hà Nội chừng 150 km về phía Nam. Phía Bắc của đèo Tam Điệp là những thung lũng lớn với những vách núi sừng sững. Phía Nam là đồng bằng Hà Trung. Dưới góc độ phong thủy, đèo Tam Điệp như một con rồng chầu về đất Hoa Lư. Như vậy là một mô hình lý tưởng trong phong thủy với tả thanh long, hữu bạch hổ, tiền chu tước, hậu huyền vũ dường như đã hội đủ ở Hoa Lư. 

Từ trên cao nhìn xuống toàn thể khu Hoa Lư, người ta thấy lô nhô nhiều ngọn núi đá cao chạy hình vòng cung, trông chẳng khác nào một trường thành thiên nhiên che chở cho một địa thế quan trọng. Những ngọn núi đá này như tay thanh long, tay bạch hổ ôm ấp, che chở cho vùng đất Hoa Lư. Địa thế này rất thuận lợi cho việc phòng thủ. Có thể thấy, chọn Hoa Lư để đóng đô là một sự chọn lựa đúng đắn lúc bấy giờ của Đinh Tiên Hoàng. Vua Đinh Tiên Hoàng đã biết khai thác triệt để thiên nhiên phục vụ cho con người. Kinh đô Hoa Lư là một quân thành vững chắc do thiên nhiên và con người làm nên. Phía Bắc thành nằm bên sông Hoàng Long nên đường giao thông thủy rất thuận tiện. Khu vực Thành Ngoại, là cung điện chính, nơi vua Đinh cắm cờ nước. Trước cung điện có núi Mã Yên, vua Đinh Tiên Hoàng đã lấy núi này làm án sơn để chống lại những sự xâm hại.

Kinh thành nằm giữa những quả núi lớn bao bọc xung quanh, mang tính chất quân sự, vị trí kín đáo, thuận lợi cho việc phòng thủ, tiến công, lại xa biên thùy, khó khăn trong việc giặc tìm hiểu, mở những đợt tấn công chớp nhoáng.

Huế  

Nằm giữa dải đất miền Trung khí hậu khô cằn, hè nắng dội, đông mưa dầm, là một vùng non xanh nước biếc, phong cảnh kỳ tú trải dọc theo bờ con sông Hương xuôi ra biển Đông.

Nhìn từ biển Đông vào Huế có dạng như một con ốc ngọc đang trườn vào Nam. Thuật ngữ phong thủy gọi đại địa đó là “Hải loa Thổ châu” (Con ốc nhả ngọc). Huế có sông lớn là sông Hương như minh đường tích thủy. Sông Hương uốn mình chảy về hướng Tây Bắc, đến Nguyệt Biểu lại uốn mình chảy về hướng Đông Bắc, ngang qua trước mặt kinh thành Huế, rồi nhằm hướng Bắc đổ vào cửa Thuận An. Lưu vực sông rộng đến 300 km2. Phía nam kinh thành là đồi núi chập chùng. Hai bên tả, hữu ngạn cuả sông là những cánh đồng màu mỡ. Kinh thành Huế thuộc dạng tọa Hợi hướng tỵ – một hướng cát trạch với vương triều nhà Nguyễn.

Khởi công xây dựng năm 1805, Kinh Thành Huế được quy hoạch bên bờ Bắc sông Hương, xoay mặt về hướng Nam, với diện tích mặt bằng 520 ha, có 10 cửa chính. 

Dưới con mắt của các nhà địa lý, Kinh Thành Huế nằm trên vùng “Vương đảo”, trong phạm vi được tạo ra bởi dòng chảy của sông Hương phía trước mặt và hai chi lưu gồm sông Bạch Yến, Kim Long chảy vòng mặt sau cùng hợp lại ở hạ lưu. Sông Hương đóng vai trò minh đường, cùng hai hòn đảo nhỏ Cồn Hến và cồn Dã Viên có vị thế Tả Thanh Long, Hữu Bạch Hổ (rồng xanh bên trái, hổ trắng bên phải) chầu về trước Kinh Thành. Bên kia sông, không xa lắm là ngọn Bằng Sơn được đổi tên thành Ngự Bình, che chắn mặt trước Kinh Thành như một bức bình phong thiên nhiên.

Các vua nhà Nguyễn đã kết hợp các yếu tố có sẵn trong địa hình tự nhiên như sông, núi, đảo… cùng sự can thiệp đúng chỗ của bàn tay con người khi lấp một số đoạn của sông Bạch Yến, Kim Long, đồng thời đào một loạt hệ thống sông, hào ở trong và ngoài Kinh Thành để phục vụ cho ý tưởng của mình. Tất cả những cố gắng trên không nằm ngoài ý nguyện định đô lâu dài của vương triều Nguyễn. Thật khó nhận ra sự sắp xếp gò ép trong một tổng thể hài hòa kiến trúc – thiên nhiên như thế. Không gây ấn tượng trấn áp tinh thần, cũng không có vẻ hoang sơ dã thảo, Kinh Thành Huế khiến cho người ta cảm nhận được đúng mức không khí tôn nghiêm nhưng không mất đi cảm giác êm đềm thư thái giữa thiên nhiên gần gũi.  

Đọc thêm