Quýt làm, cam chịu
Như Báo Pháp luật Việt Nam đã phản ánh trong bài báo "Khuất tất trong vụ thẩm phán ưu ái đương sự ở Rạch Giá, Kiên Giang", vụ tranh chấp giữa một bên là bà Trần Thị Hoa (người mua nhà) với Công ty cổ phần Xây dựng và Kinh doanh vật tư (chủ đầu tư dự án nhà ở) có dấu hiệu của việc xét xử không khách quan. Kết quả xét xử không đúng với quy định của pháp luật, đặc biệt là buộc đương sự trong vụ kiện dân sự này phải bồi thường thay cho kẻ có hành vi phạm tội trong một vụ án hình sự khác. Với các tài liệu mà Cơ quan điều tra Công an tỉnh Kiên Giang thu thập được, chúng tôi tiếp tục có những bằng chứng cho thấy việc xét xử thiên lệch, thiếu khách quan này.
Trở lại nội dung vụ án, sau khi đã ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với 3 lô đất (H11 - 48, 49, 50) tại phường An Hòa, TP Rạch Giá, thanh toán đầy đủ tiền nhưng bà Hoa không nhận được giấy tờ liên quan đến lô đất nên bà Trần Thị Hoa đã khởi kiện bên bán là Công ty cổ phần Xây dựng và Kinh doanh vật tư, yêu cầu thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng là làm thủ tục sang tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và giao giấy tờ (sổ đỏ) cho bà theo đúng hợp đồng đã ký. Ngoài ra, các nội dung khác của hợp đồng không hề có tranh chấp.
Phía Công ty Xây dựng và Kinh doanh vật tư cũng xác nhận nội dung này và khẳng định, việc chưa hoàn thành được hồ sơ sử dụng đất cho bà Hoa là do các giấy tờ gốc đã bị nhân viên của Công ty tên là Lê Phong chiếm dụng bất hợp pháp; đồng thời sử dụng các giấy tờ này để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của công dân. Do đó, Công ty sẵn sàng hoàn thiện thủ tục cho bà Hoa khi giải quyết dứt điểm các vướng mắc liên quan đến hành vi chiếm đoạt giấy tờ này. Sự chậm chễ này rõ ràng cũng là bất khả kháng đối với Công ty.
Sự việc không phức tạp do nguyên đơn và bị đơn thực chất không có tranh chấp mà bị đối tượng liên quan chiếm đoạt giấy tờ, cản trở thực hiện giao dịch. Tòa án cần xác định nghĩa vụ của các bên liên quan đến việc chiếm đoạt giấy tờ hợp pháp của các thửa đất để trả lại cho Công ty và hoàn thiện thủ tục cho bà Hoa là vụ kiện được giải quyết xong.
Khi giải quyết vụ kiện này, Tòa án cũng đưa người đang chiếm giữ các sổ đỏ của 3 lô đất là vợ chồng ông Nguyễn Văn Thu vào tham gia tố tụng. Nhưng trớ trêu là, tại bản án số 31/2016/DSST ngày 23/5/2016, TAND TP Rạch Giá lại buộc Công ty Xây dựng và Kinh doanh vật tư phải bồi thường cho vợ chồng ông Thu số tiền bằng 70% số tiền mà ông Thu bị Lê Phong chiếm đoạt, mặc dù Công ty không phải là người thực hiện hành vi lừa đảo. Cuối cùng, người hưởng lợi của việc xét xử vụ án này lại chính là vợ chồng ông Nguyễn Văn Thu.
Thêm chứng cứ cho thấy Tòa xử sai
Việc Tòa án xét xử buộc Công ty Xây dựng và Kinh doanh vật tư phải bồi thường cho ông Nguyễn Văn Thu bị giới luật sư phê phán là sai lầm nghiêm trọng, thậm chí là sai lầm "có tính toán" khi Tòa có vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng.
Theo Luật sư Nguyễn Quốc Tuấn, đại diện cho bị đơn và là người tham gia tố tụng trong vụ án này cho biết, TAND TP Rạch Giá đã yêu cầu Công ty Xây dựng và Kinh doanh vật tư làm đơn phản tố, yêu cầu hủy hợp đồng mua bán bất hợp pháp giữa Lê Phong (người thực hiện hành vi lừa đảo) và ông Nguyễn Văn Thu (người bị lừa đảo) khi Tòa án đã xét xử vụ án. Đây là vi phạm tố tụng rất nghiêm trọng. Ngoài ra, Tòa án còn dừng phiên tòa khi xét xử sơ thẩm mà không có lý do, chỉ để đương sự "phản tố" và đó là cái cớ để Tòa xét bản "hợp đồng" (thực chất là hành vi lừa đảo của Lê Phong), đồng thời ra phán quyết có lợi cho ông Nguyễn Văn Thu.
Bằng chứng Lê Phong lừa đảo ông Nguyễn Văn Thu không liên quan đến Công ty Xây dựng và Kinh doanh vật tư |
Theo Luật sư Nguyễn Chí Đại, Chủ nhiệm ĐLS tỉnh Lai Châu, việc Tòa nhận định trong bản án rằng, Công ty phải chịu trách nhiệm bồi thường cho ông Nguyễn Văn Thu vì lý do Lê Phòng là người của Công ty đã thực hiện hành vi lừa đảo đối với ông Thu đã cho thấy sự sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật về trách nhiệm bồi thường do người của pháp nhân gây ra.
Luật sư Nguyễn Chí Đại lý giải, theo điều 618, Bộ luật dân sự năm 2005, pháp nhân chỉ bồi thường đối với thiệt hại do người đại diện của pháp nhân gây ra trong trường hợp người đại diện này thực hiện giao dịch dân sự nhân danh pháp nhân, vì lợi ích của pháp nhân và do pháp nhân giao. Việc Lê Phong chiếm đoạt giấy tờ của Công ty rồi đem đi lừa đảo ông Nguyễn Văn Thu là một hành vi phạm tội, không phải là việc làm do Công ty Xây dựng và Kinh doanh vật tư giao. Công ty không giao cho Lê Phong đem sổ đỏ đi lừ đảo ông Thu, vậy tại sao Tòa án lại buộc Công ty phải bồi thường cho ông Nguyễn Văn Thu?
Nhìn vào bản hợp đồng giữa Lê Phòng và ông Nguyễn Văn Thu do Cơ quan điều tra thu thập thì thấy rõ điều này. Lê Phong đã đứng tên là bên bán tài sản, ông Nguyễn Văn Thu đứng tên là bên mua tài sản, không có liên quan gì đến Công ty Xây dựng và Kinh doanh vật tư. Thực tế, Công ty cũng là người bị hại trong vụ án Lê Phong lừa đảo chiếm đoạt tai sản. Vậy mà Tòa án lại buộc Công ty phải bồi thường thì rõ ràng là chuyện không thể chấp nhận được.
Áp dụng pháp luật không đúng để giải quyết một vụ kiện không hề phức tạp; nhiều lỗi nghiêm trọng trong thủ tục tố tụng và điểm đến là một phán quyết thiếu công bằng, gây phẫn nộ trong dư luận và khiến cho các đương sự phải gửi đơn đến nhiều cơ quan để đề nghị cứu xét, rõ ràng các cấp Tòa án có thẩm quyền không chỉ phải xem xét lại việc áp dụng pháp luật để giải quyết vụ án mà còn phải làm rõ động cơ, mục đích và năng lực của người xét xử khi đưa ra phán quyết không công bằng và không đúng pháp luật như bản án số 31/2016/DSST ngày 23/5/2016 của TAND TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang.
Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.