Trong các ngày 11 và 12/1, khoảng 40 đến 50 cán bộ, nhân viên của Bệnh viện Tuệ Tĩnh thuộc Học viện Y- Dược học cổ truyền Việt Nam, quận Hà Đông (Hà Nội) đã tập trung trước cổng đơn vị để yêu cầu được trả lương.
Chị Lê Thanh Bình, Tổ trưởng tổ công đoàn Bệnh viện Tuệ Tĩnh, cho biết hiện cơ sở này có khoảng 160 người, đa số là điều dưỡng với hệ số lương thấp, thu nhập khoảng 6-7 triệu đồng mỗi người một tháng. Từ tháng 5 đến tháng 11/2021, nhân viên bệnh viện chỉ nhận 50% lương và chưa được chi trả lương tháng 12. Vì vậy, họ phải xoay xở thêm các nghề khác để kiếm sống ngoài giờ như bán hàng online, làm shipper, chạy xe grab...
"Cuộc sống của gia đình tôi rất chật vật. Tôi phải đi bán rau, được khoảng 2 triệu đồng mỗi tháng, để phần nào trang trải cuộc sống", chị Lê Thanh Huyền (Khoa Phụ sản, Bệnh viện Tuệ Tĩnh) chia sẻ. Gia đình chị Huyền có hai con nhỏ, cháu lớn học lớp 4, cháu nhỏ học lớp 2. Cả nhà ở trọ cách bệnh viện 7 km.
Ngày 14/1, ông Nguyễn Quốc Huy, Giám đốc Học viện Y - Dược học cổ truyền Việt Nam, cho biết việc Bệnh viện Tuệ Tĩnh nợ lương kéo dài có nguyên nhân từ ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Từ cuối tháng 4/2021 đến nay, bệnh viện gần như không có bệnh nhân, công suất sử dụng giường bệnh trong quý I/2021 chỉ đạt 15%; quý II/2021 đạt 51,19% và quý III/2021 khoảng 12,1%.
|
Bệnh viện Tuệ Tĩnh nợ lương khiến nhiều cán bộ, nhân viên bức xúc. Ảnh: Chi Lê
"Nguồn thu của bệnh viện không đủ để trang trải chi phí hoạt động thường xuyên, chỉ ưu tiên trả lương và các khoản trích nộp theo lương. Nguồn thu giảm, nhưng bệnh viện vẫn phải tăng chi để mua sắm các thiết bị phòng chống dịch, chi phí phục vụ tiêm chủng", ông Huy thông tin.
Học viện Y - Dược học cổ truyền Việt Nam đã báo cáo Bộ Y tế về việc cho Bệnh viện Tuệ Tĩnh tạm ứng tiền từ nguồn quỹ Phát triển hoạt động sự nghiệp kết dư của Học viện, nhằm chi trả 50% tiền lương, phụ cấp tháng 12/2021 và tháng 1/2022 cho nhân viên. Đơn vị này cũng kiến nghị Bộ Y tế xem xét tạm ứng 10,2 tỷ đồng để chi trả tiền lương và phụ cấp còn nợ từ tháng 5/2021 đến nay.
"Cán bộ, nhân viên Bệnh viện Tuệ Tĩnh sẽ nhận được hỗ trợ từ Công đoàn cấp trên mỗi người 2,5 triệu đồng trong dịp Tết Nhâm Dần sắp tới", ông Huy nói thêm.
Hiện nay Học viện Y - Dược học cổ truyền Việt Nam chỉ đạo Bệnh viện Tuệ Tĩnh đánh giá kết quả sau 3 năm thực hiện loại hình đơn vị tự đảm bảo toàn bộ chi phí hoạt động, đề xuất chuyển sang loại hình tự bảo đảm một phần chi thường xuyên để phù hợp với tình hình thực tế.
Tại Quảng Nam, khoảng 40 bác sĩ, nhân viên y tế ở Bệnh viện Đa khoa trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam bị nợ lương 4 tháng qua.
Một bác sĩ cho biết giữa tháng 10/2021, chị nhận được nửa tháng lương của tháng 9; từ đó đến nay không nhận thêm khoản lương nào. Hiện bệnh viện nợ lương của chị hơn 24 triệu đồng. "Chi tiêu trong gia đình thời gian qua trông chờ vào nguồn thu nhập của chồng. Tôi đã nhiều lần kiến nghị mong lãnh đạo bệnh viện giải quyết song không được", chị nói và cho hay nếu tình trạng này kéo dài thì buộc phải xin nghỉ việc.
Một nhân viên khác của Bệnh viện phản ánh, ký hợp đồng dài hạn với đơn vị mức lương 4,6 triệu đồng mỗi tháng. Bốn tháng qua chị không được bệnh viện trả lương, các khoản chi tiêu trong gia đình phải vay mượn bạn bè và người thân.
Theo thống kê ban đầu, tại Bệnh viện Đa khoa trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam hiện khoảng 40 người bị nợ lương, số tiền mỗi người trên 20 triệu đồng.
|
Bệnh viện Đa khoa trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam. Ảnh: Đắc Thành
Ông Huỳnh Tấn Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam, lý giải thời gian qua do ảnh hưởng của dịch COVID-19, số bệnh nhân tới khám, điều trị giảm mạnh. "Nguồn thu của bệnh viện giảm 50% nên không thể cân đối thu chi", ông nói, cho hay đơn vị đang làm tờ trình gửi cấp trên xin ứng kinh phí để sớm có tiền chi trả cho người lao động.