“Theo nghề truyện tranh giống như lăn qua một thảm đinh”

(PLO) - “Khoảng 10 năm trước, theo nghề truyện tranh giống như lăn qua một thảm đinh rồi lăn tiếp qua một thảm than hồng đang cháy vậy. Giờ đỡ hơn, chỉ còn phải lăn qua thảm than thôi” - tác giả Nguyễn Huỳnh Bảo Châu, bút danh Châu Chặt Chém - họa sĩ truyện tranh chia sẻ hài hước.
Thần đồng đất Việt, một trong những bộ truyện tranh thành công của
Việt Nam
Thần đồng đất Việt, một trong những bộ truyện tranh thành công của Việt Nam

Truyện tranh Việt bị coi là… vô bổ!

Nhiều nước phát triển như Hàn, Nhật, Trung, Mỹ, Pháp, Bỉ, Đan Mạch… đều coi truyện tranh là một ngành công nghiệp, xuất phát từ nhu cầu rất lớn trong xã hội. Vì vậy, việc nghiên cứu, đầu tư để hoàn thiện, nâng cao các tác phẩm truyện tranh, từ đánh giá, phân loại, xuất bản đến chế độ cho các họa sĩ đều được xem trọng.

Các khâu xuất bản, in ấn, truyền thông, quảng cáo… được quan tâm nhằm đưa đến độc giả các tác phẩm truyện tranh có chất lượng, phong phú về cả nội dung và hình thức. Mặt khác, đời sống của các họa sĩ tuy vất vả nhưng khi tác phẩm được xuất bản, vẫn có thể trang trải cuộc sống, thậm chí những tác giả nổi tiếng đều trở nên giàu có.

Ví dụ thành công nhất phải kể đến DC Comics và Marvel- hai công ty sản xuất truyện tranh ở Mỹ hiện giờ đã tạo ra một thế hệ phim “bom tấn” về siêu anh hùng vang dội toàn thế giới. “Đừng nghĩ rằng đây chỉ là những truyện khoa học viễn tưởng tầm phào. Nhiều ý tưởng “phi khoa học” trong truyện tranh của Marvels hay DC đã tạo cảm hứng sáng tạo cho rất nhiều nhà khoa học, kỹ sư, kỹ thuật viên biến chúng thành hiện thực” - TS Phan Đình Tùng - nhà khoa học dữ liệu - Trường Đại học Pennsylvania (Mỹ), nhìn nhận.

Còn ở Việt Nam, loại hình này vẫn chưa được quan tâm phát triển, bởi nhiều định kiến như “vô bổ”, “chỉ dành cho trẻ em”, gây biết bao bức xúc trong cộng đồng truyện tranh. Ngành truyện tranh ở Việt Nam không những đối mặt với nhiều định kiến, còn chịu sức ép cạnh tranh rất lớn của truyện tranh nhập khẩu, chưa kể tới vấn đề thu nhập và chất lượng cuộc sống các họa sĩ chưa được quan tâm sâu sắc. 

Vì thế, tác giả Châu Chặt Chém - họa sĩ truyện tranh tự do đã có chia sẻ hài hước: “Khoảng 10 năm trước, theo nghề truyện tranh giống như lăn qua một thảm đinh rồi lăn tiếp qua một thảm than hồng đang cháy vậy. Giờ đỡ hơn, chỉ còn phải lăn qua thảm than thôi”.

Anh Vũ Đình Lân - họa sĩ truyện tranh đã từng đạt giải truyện tranh quốc tế Silent Manga cũng trăn trở vì hiện tại truyện tranh, đặc biệt là truyện tranh Việt Nam vẫn chưa được phần đông xã hội coi trọng, nhìn nhận đúng giá trị.

Không chỉ các họa sĩ, những nhà xuất bản cũng chịu nhiều áp lực không kém. Nhiều nhà xuất bản đều phải “chật vật” kiếm sống. Lấy lãi quyển này bù lỗ quyển kia, thậm chí đối mặt với nguy cơ đóng cửa. Vì thế, những loại truyện tranh có tính giải trí cao, phù hợp theo thị hiếu, mặc dù giá trị thẩm mỹ không cao nhưng đáp ứng được giá trị thương mại thì nhà xuất bản vẫn sẽ ưu tiên hơn vì lí do tồn tại. 

Mặt khác, ngành truyện tranh Việt hiện nay chưa nhận được sự quan tâm của xã hội, chưa được đầu tư nhiều. Người ta có thể bỏ vốn đầu tư về phim ảnh, về truyền hình, về du lịch… nhưng ít ai nghĩ đến việc đầu tư cho một dự án truyện tranh, hay đầu tư để phát triển ngành truyện tranh bởi những định kiến truyện tranh “vô bổ”, chỉ dành cho trẻ nhỏ.

“Quan niệm đọc truyện chữ thì trẻ mới phát triển ngôn ngữ tốt rất phiến diện. Truyện tranh là một bộ phim hoạt hình trên giấy. Một đứa trẻ đọc truyện nhiều hình, nhiều thoại, có nhiều chuyển động hình ảnh thì sẽ có tư duy hình ảnh tốt, trí tưởng tượng cao, đặc biệt tăng khả năng giao tiếp rất hiệu quả, vì nhân vật trong truyện tranh có hành động, biểu cảm, cảm xúc như ngoài đời thật”, chị Võ Hoài Sâm - Trưởng phòng Nội dung, Công ty Truyền Thông – Giáo dục và Giải trí Phan Thị chia sẻ.

Cần lắm một “cú hích” như hiện tượng U23 

Theo quan điểm của họa sĩ Bùi Đình Thăng, bút danh Thăng Fly- nhà sáng lập Thăng Fly Comics, truyện tranh Việt Nam cũng là một loại nghệ thuật – giải trí chung của Việt Nam. “Mặc dù chưa thể so sánh với những “đế chế truyện tranh” lâu đời và hùng hậu như Hàn, Nhật, Trung, Mỹ; qua thực tế tham gia các cuộc thi, dự án truyện quốc tế, mình nhận thấy các tác phẩm truyện tranh Việt Nam có chất lượng ngang bằng, thậm chí nhỉnh hơn so với các nước trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Lào, Campuchia...”.

Đọc truyện tranh là một nhu cầu tất yếu, ở thế giới cũng có, ở Việt Nam cũng có, ở bất cứ độ tuổi nào đều có thể đọc và yêu thích truyện tranh. Các tác phẩm kinh điển ở phương Đông (Tây du ký, Tam Quốc..) và phương Tây (Thép đã tôi thế đấy, Đồi gió hú...) đều có phiên bản truyện tranh nhằm nâng cao chất lượng tiếp thu kiến thức của bạn đọc.

Vì vậy, “bố mẹ không nên cấm con đọc truyện tranh, nhưng phải định hướng con trong việc đọc” – Nhà ngôn ngữ học, PGS. TS Phạm Văn Tình - Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam, phân tích. “Về mặt vĩ mô, ngành truyện tranh Việt Nam muốn phát triển được vẫn cần tới bàn tay quản lý của Nhà nước. Cần có hoạch định, chiến lược, chính sách đúng đắn, hỗ trợ - đầu tư bền vững tới các nhà xuất bản và các tác giả, họa sĩ có tài năng. Ngoài ra, chúng ta cũng cần những cuộc vận động qua các cuộc thi, giải thưởng, hội thảo để tuyên truyền, nâng cao nhận thức đúng đắn của độc giả”.

Có thể thấy, những người tâm huyết với truyện tranh Việt đều đã, đang phải trăn trở và hy sinh rất nhiều, để từng bước mở ra những lối đi khả quan hơn cho cộng đồng truyện tranh Việt còn non trẻ. Nhiều hình thức “làm truyện tranh kiểu mới” đã và đang thử nghiệm tại Việt Nam như gây quỹ cộng đồng, sản xuất truyện tranh kết hợp với các mặt hàng “giá trị gia tăng”, chuyển thể truyện chữ thành truyện tranh, truyện tranh thành phim hoạt hình, mua bán đọc truyện online…

Tuy vậy, ngành truyện tranh Việt Nam vẫn cần lắm một “cú hích” cũng giống như hiện tượng U23 Việt Nam vậy. Để sau “cú hích” đó, không chỉ xã hội có thái độ khởi sắc hơn về một ngành nghệ thuật mà còn tạo động lực cho các nghệ sĩ, nhà xuất bản tăng gia sản xuất, sáng tạo để tạo được một dấu ấn riêng, một ngành - nghề bền vững, để quảng bá văn hóa Việt, và tạo ra lợi nhuận cho đất nước.

Hơn thế nữa là định vị thêm một kênh cho văn hóa đọc để mở ra một thế giới giải trí, văn hóa không chỉ dành riêng cho con trẻ…

Đọc thêm