Thí điểm hay trực tiếp tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh?

(PLVN) - Sáng 7/10, tiếp tục chương trình Phiên họp toàn thể lần thứ 30, Ủy ban Pháp luật thẩm tra Tờ trình của Chính phủ về dự thảo Nghị quyết Tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh với các ý kiến băn khoăn “thí điểm” hay “không thí điểm" mô hình này.
Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét dự thảo Nghị quyết Tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét dự thảo Nghị quyết Tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Qua thảo luận, các đại biểu nhận định, việc nghiên cứu để hình thành mô hình chính quyền đô thị phù hợp với đặc điểm, tính chất của một đô thị đặc biệt về kinh tế-xã hội, cơ sở hạ tầng, dân cư, địa giới đơn vị hành chính của Thành phố Hồ Chí Minh là thực sự cần thiết nhằm tạo bước đột phá cho sự phát triển của Thành phố.

Vấn đề “thí điểm” hay “không thí điểm” là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, cho ý kiến tại phiên thảo luận.

Một số ý kiến nhất trí với Tờ trình của Chính phủ là “không thí điểm” và cho rằng, trước đây, Thành phố Hồ Chí Minh là một trong 10 địa phương thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường. Kết thúc giai đoạn thí điểm, Thành phố đã tổng kết việc thực hiện thí điểm và rút ra các bài học kinh nghiệm.

Trong khi đó, nhiều đại biểu đề nghị xác định tên gọi của Nghị quyết là “Nghị quyết thí điểm Tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh” với những nội dung, phạm vi như Nghị quyết đối với thành phố Hà Nội và Đà Nẵng.

Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng việc tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh là vấn đề hệ trọng, liên quan, ảnh hưởng trực tiếp đến người dân không chỉ ở địa bàn Thành phố mà còn ảnh hưởng đến tình hình phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng chung của cả nước.

Trong khi đó, Thành phố Hồ Chí Minh là địa bàn có diện tích tự nhiên và số lượng đơn vị hành chính trực thuộc rất lớn, đông dân nhất cả nước. Do đó, việc lựa chọn bước đi đột phá trong việc tổ chức chính quyền đô thị ở Thành phố cần được nghiên cứu, đánh giá kỹ để bảo đảm tính khả thi.

Vừa qua, Quốc hội đã ban hành 2 Nghị quyết về việc thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại Hà Nội và Đà Nẵng.

Các Nghị quyết này sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021 và bắt đầu triển khai mô hình chính quyền đô thị từ ngày 1/7/2021. Vì vậy, sẽ khó lý giải khi trong cùng một thời điểm (từ ngày 1/7/2021) lại có 3 Nghị quyết của Quốc hội quy định về tổ chức chính quyền đô thị ở 3 thành phố Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh, trong đó 2 địa phương thực hiện thí điểm, 1 địa phương lại không thí điểm mà thực hiện ngay, tạo nên sự không thống nhất về chủ trương cũng như quá trình triển khai thực hiện vấn đề này.

Về quan điểm cho rằng Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường giai đoạn 2009-2015 (theo Nghị quyết số 26/2008/QH12) nên dự thảo Nghị quyết này sẽ không có từ “thí điểm”, Thường trực Ủy ban Pháp luật nhấn mạnh, việc thực hiện thí điểm theo Nghị quyết số 26/2008/QH12 có những khác biệt về bản chất so với mô hình mà Chính phủ đang đề xuất áp dụng cho Thành phố.

Đặc biệt, trong khi Nghị quyết về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội, Đà Nẵng chưa được triển khai thực hiện trên thực tế, chưa được sơ kết, tổng kết thì việc trình Quốc hội quyết định áp dụng trực tiếp mà không qua thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh là chưa thực sự bảo đảm cơ sở chính trị, cũng như tính thận trọng./. 

Đọc thêm