200 hiện vật, tài liệu tại triển lãm được kết cấu thành ba phần nội dung. Trong phần đầu, “Thi đua kháng chiến và kiến quốc (1945- 1954)”, triển lãm khái lược bối cảnh ra đời của các phong trào thi đua ái quốc gắn với giai đoạn vừa kháng chiến vừa kiến quốc, đặc biệt là dấu mốc lịch sử ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc.
Từ lời hiệu triệu lịch sử đó đã xuất hiện nhiều gương điển hình trong các lĩnh vực công, nông, binh và lao động trí óc như: Cù Chính Lan, La Văn Cầu, Nguyễn Quốc Trị, Nguyễn Thị Chiên, Ngô Gia Khảm, Hoàng Hanh, Trần Đại Nghĩa, Trần Thị Thanh, Vũ Thế Long, các cán bộ, chiến sĩ lập nhiều chiến công, tham gia chiến đấu ở mặt trận Điện Biên Phủ tháng 5.1954 được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng thưởng huy hiệu... Đó là những cá nhân tiêu biểu đã đóng góp công sức vào sự nghiệp kháng chiến kiến quốc, góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.
Những hình ảnh, tài liệu trong phần “Thi đua xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1954 – 1975)” giới thiệu sự phát triển của phong trào thi đua ái quốc sau năm 1954, hướng tới thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng CNXH ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Các phong trào không ngừng được đẩy mạnh; những tấm gương điển hình được nhân rộng, tạo nên động lực mới trong học tập, lao động, sản xuất và chiến đấu. Thời kì này cũng xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân tiêu biểu, điển hình như bà Nguyễn Thị Thạc, kiện tướng đứng máy sợi của Nhà máy Dệt Nam Định; chiến sĩ thi đua Phạm Trung Pồn bị mù hai mắt nhưng đã có nhiều sáng kiến cải tiến nông cụ trong sản xuất và lao động...
Phần thứ ba “Thi đua yêu nước theo tư tưởng Hồ Chí Minh (từ năm 1975 đến nay)” với nhiều hiện vật, tài liệu có giá trị lịch sử đã khái lược những dấu mốc quan trọng của phong trào thi đua yêu nước theo tư tưởng Hồ Chí Minh từ năm 1975 đến nay. Thời kỳ này, công tác thi đua, khen thưởng có nhiều đổi mới, nhiều phong trào thi đua được phát động nhằm phát triển KT-XH đất nước, xoá đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Các phong trào thi đua sôi nổi đã hằng ngày cổ vũ, khơi dậy, phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, lòng tự hào, tự tôn dân tộc và ý chí tự lực, tự cường của mỗi người dân trước vận mệnh của đất nước.
Phần thưởng Bác Hồ dành cho các chiến sĩ Điện Biên là một nội dung điểm nhấn được giới thiệu tại triển lãm. Bảo tàng Hồ Chí Minh hiện đang lưu giữ nhiều ảnh, tài liệu, hiện vật về sự kiện lịch sử này. Đó là hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn huy hiệu cho chiến sĩ trẻ tuổi nhất tham gia chiến dịch Hoàng Đăng Vinh; là phần thưởng Người trao tặng các chiến sĩ như Huân chương Chiến sĩ (sau này được đổi thành Huân chương Chiến công), Huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên Phủ, Huy hiệu Chủ tịch Hồ Chí Minh, Huân chương Sao đỏ. Trong tâm trí các chiến sĩ Điện Biên khi ấy, họ không bao giờ quên những lời dặn dò của Bác: “Hôm nay, Bác thay mặt Đảng và Chính phủ trao cho các chiến sĩ lập công xuất sắc trong Chiến dịch Điện Biên Phủ Huân chương Chiến công. Riêng Bác còn tặng thêm mỗi cháu một ngôi sao đỏ và một tấm Huy hiệu”.
Là điển hình của phong trào thi đua xây dựng XHCN ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1954 – 1975), tấm gương AHLĐ Nguyễn Thị Thạc cũng sẽ mang đến cho người xem triển lãm nhiều cảm xúc. Với tinh thần “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”, các phong trào thi đua yêu nước giai đoạn này diễn ra sôi nổi trong khắp cả nước. Nổi bật trong phong trào thi đua “Thiên Lý Mã” ở tập thể Nhà máy Dệt Nam Định là tấm gương AHLĐ Nguyễn Thị Thạc, kiện tướng đứng máy sợi của Nhà máy Dệt Nam Định.
Ở tuổi đôi mươi, công nhân Nguyễn Thị Thạc luôn lập kỷ lục cao nhất của ngành Dệt. “Tôi đứng được nhiều cọc sợi bởi có động lực là lòng yêu nước, chỉ nghĩ làm sao sản xuất thật nhiều sợi, nhiều vải để phục vụ nhân dân, xây dựng miền Bắc vững mạnh, góp phần thống nhất đất nước. Chúng tôi ngày ấy chỉ có mục đích là lao động, phấn đấu không ngừng theo lời Bác dạy là: Kế hoạch 1, giải pháp 10 và quyết tâm 20. Lúc bấy giờ thanh niên chỉ nghĩ đến hoàn thành và vượt mức kế hoạch, không bao giờ nghĩ mình sẽ là lao động tiên tiến, hay chiến sĩ thi đua...”, bà Thạc tâm sự.