Sở Xây dựng Hà Nội vừa cảnh báo mức độ nguy hiểm của các chung cư cũ trên địa bàn. Chung cư C8 Giảng Võ và E6 Thành Công có nhiều kết cấu bị lún lệch, trong đó đơn nguyên III (C8 Giảng Võ) phải di dời ngay toàn bộ cư dân. Thế nhưng cho đến bây giờ người dân tại khu vực vẫn bình chân như vại, chẳng hề mảy may để ý việc chung cư sẽ ra sao.
“Sống trong sợ hãi”
Tường nứt, vữa bung, cầu thang lún là thực trạng đang diễn ra tại khu chung cư C8 ( Giảng Võ, Hà Nội). Người dân ở đây luôn phải sống trong cảnh rón rén, nơm nớp lo sợ khi đi lại qua cầu thang. Hầu hết các hộ dân ở chung cư này nếu không có việc cấp thiết, đều rất hạn chế đi qua cầu thang. Bởi những mảng vữa có thể bung và rơi bất thình lình.
Chung cư C8 Giảng Võ đang trong tình trạng kết cấu bị lún lệch, mức độ nguy hiểm cao nhất trong các chung cư cổ cần phải di chuyển dân gấp. |
Mặc dù cầu thang đã được “gia công” bằng cách chống giàn giáo khung sắt để giảm lực nén từ các căn hộ phía trên nhưng hiện tượng nứt toạc vẫn không thể tránh.
Nhiều tháng nay, trẻ em không được vui chơi thoải mái như trước mà hầu hết đều phải chơi trong nhà. Muốn đi xuống đường phải có người lớn dẫn đi kèm. Việc dắt xe máy lên nhà là một cực hình ở khu chung cư này vì muốn dắt xe lên phải tắt máy, đẩy từ tầng 1 lên tầng 5 vì nếu nổ máy, có rung động mạnh, cầu thang có thể đổ sập bất cứ lúc nào.
Nhiều người dân ở đây phải lựa chọn phương án gửi xe ở nơi khác để tránh làm kinh động đến khu nhà đang mỏi mòn chờ giải toả.
Chia sẻ với phóng viên, ông Lê Sĩ Nhất (56 tuổi, Giảng Võ, Hà Nội) đang sinh sống trong đơn nguyên nhà C8 Giảng Võ cho biết: “Vừa qua mưa gió triền miên, khu nhà càng thêm ẩm ướt, vữa bung rơi đầy xuống hàng lang và cầu thang. Sợ nhất là lối cầu thang bên cánh phải khu nhà, nứt toạc hết cả ra.
Tháng trước nghe tin cơn bão số hai đổ bộ, mấy chục hộ dân chúng tôi lo nơm nớp, cứ sợ bão vào Hà Nội, khu nhà khó có thể chống chọi được. Đợt đó UBND phường Giảng Võ liên tục họp khẩn cấp, bàn phương án di dời dân sang trường học và nhà văn hóa để tránh bão. Tôi với người dân ở đây cũng chuẩn bị tinh thần cao độ lắm nhưng may mà bão không về”.
Thà nguy hiểm, quyết không đi xa
Theo đánh giá của Sở Xây dựng TP Hà Nội báo cáo UBND TP Hà Nội về mức độ nguy hiểm của hai chung cư E6 và C8, nhà C8 Giảng Võ có ba đơn nguyên được lắp ghép từ bê tông tấm lớn. Hiện đơn nguyên 1 và 2 bị lún lệch, các mối kết nối bị ăn mòn, tính chịu lực suy giảm, mức độ nguy hiểm ở cấp độ B (vẫn sử dụng được).
Còn đơn nguyên 3 đang trong tình trạng nguy kịch, xuất hiện lún nghiêng vượt giới hạn cho phép. Do bị lún lệch nên các liên kết của khu cầu thang vào các tường ngang đã bị phá hoại; các tấm sàn mái và một số cấu kiện ở tầng 4-5 đã tụt khỏi gối đỡ tường ngang; các cấu kiện khác đã dịch chuyển và có xu hướng tụt khỏi gối đỡ…
Từ trần nhà, hành lang, cầu thang, lan can đang rạn nứt, những mảng trần nhà có thể rơi bất thình lình. |
Mức độ nguy hiểm của đơn nguyên này đang ở cấp độ D, tức không đáp ứng được yêu cầu sử dụng, sự cố sập đổ có thể xảy ra bất cứ lúc nào, đặc biệt trong mùa mưa bão.
Riêng chung cư E6 có hai đơn nguyên, cũng được ghép từ bê tông tấm lớn. Trong đó đơn nguyên 1 có mức độ lún lệch, biến dạng lớn tại khu vực cầu thang và khối nhà phía trái, một số kết cấu khác cũng bị hư hại.
Cả đơn nguyên này đang ở mức độ báo động cấp C, tức tình trạng nguy hiểm cục bộ. Đơn nguyên 2 cũng trong tình trạng tương tự với cầu thang lún lệch, nhiều kết cấu hư hại, khả năng chịu lực kém, mức độ nguy hiểm cấp C.
Trước hiện trạng trên, Sở Xây dựng kiến nghị UBND TP Hà Nội cần tổ chức di dời ngay người dân đang sống trong đơn nguyên 3 - chung cư C8 Giảng Võ. Đồng thời, có ngay giải pháp khắc phục đối với các đơn nguyên còn lại của nhà C8 Giảng Võ và nhà E6 Thành Công để bảo đảm an toàn tính mạng của người dân.
Cấp độ nguy hiểm của khu nhà trong điều kiện thời tiết mưa gió liên miên càng được đẩy lên cao. Thế nhưng có một nghịch lý diễn ra tại khu vực chung cư C8 Giảng Võ là hầu hết các hộ dân nơi đây vẫn lưỡng lự không muốn chuyển đi. Mọi hoạt động sống vẫn diễn ra trong khu chung cư. Dù là “sống trong sợ hãi”, các hộ dân vẫn không có động thái di chuyển sang nơi ở an toàn vì... không biết chuyển đi đâu.
Các hộ dân đang phải sống trong không gian hạn hẹp và nguy hiểm |
Bà Nguyễn Thị Hoà (P 317, chung cư C8, Giảng Võ, Hà Nội) chia sẻ: “Vẫn biết là khu nhà nó xuống cấp, từ hôm có kết luận của sở xây dựng, rất nhiều nhà báo đến xem xét tình trạng, chụp quay cả ngày. Chúng tôi hoang mang lắm chứ. Nhưng mà chuyển thì chuyển đi đâu, giờ cả chung cư cứ ầm ầm lên mà có giải quyết được vấn đề gì đâu?”.
Khi được hỏi các cơ quan chức năng đã có những biện pháp gì để di chuyển người dân ra nơi an toàn, Bà Hoà cho biết: “Qua thông báo của tổ dân phố, chúng tôi cũng nghe phong phanh, TP đã dành 30 căn hộ tạm cư tại khu đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp (huyện Thanh Trì) để di dời. Sợ thì sợ thật nhưng chuyển như thế thì còn lâu mới chuyển”.
Theo bà Hoà, lý do các hộ dân biết độ nguy hiểm khi cứ nấn ná lâu dài trong khu chung cư là do nhiều hộ dân ở đây đang làm việc và có con cái học tập quanh khu vực.
“Hầu hết các hộ dân ở đây cố gắng ở là vì con cháu chúng tôi học hành ở đây, làm việc ở đây giờ xuống tận khu đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp, cách cả chục km chứ có ít đâu.
Ở dưới đó thì đi học, đi làm có kịp thời gian khi giao thông Hà Nội đâu có tốt, kiểu gì cuộc sống của chúng tôi cũng bị đảo lộn. Mà giả sử cứ cho là chuyển trường lớp cho các cháu học đi nhưng bố mẹ chúng thì có chuyển được việc về đó mà làm được không?...
Theo tôi thì, dân ở đây ai cũng sợ cũng muốn chuyển hết nhưng mà trước hết TP nên bố trí khu tạm cư gần đây như khu Mỹ Đình, hoặc Trung Hòa - Nhân Chính. Có như thế chúng tôi mới dám chuyển chứ xuống đó thì chả ai muốn đi đâu”, bà Hoà nói.
Văn Hùng