Thi hài nguyên vẹn trong cổ mộ 350 năm tuổi

(PLO) -Đang trong quá trình lái máy cẩu múc đất tại khu vực núi Mửa Mọn, một công nhân hoảng hồn phát hiện ngôi mộ cổ được mai táng theo hình thức “trong quan ngoài quách”. Thông tin nhanh chóng lan truyền khắp nơi. Căn cứ vào sổ sách lịch sử để lại, một dòng họ đã đứng ra nhận đó là mộ thủy tổ. 
Ông Ngọc kể về ngôi mộ cổ của dòng họ
Ông Ngọc kể về ngôi mộ cổ của dòng họ

Nhưng trước khi dòng họ ấy làm lễ chôn cất theo phong tục, ngôi mộ cổ đã bị kẻ gian khai quật trong đêm. Điều kinh ngạc là dù đã hơn 350 năm trôi qua, nhưng thi hài phía trong vẫn nguyên vẹn. 

Mộ tổ hàng trăm năm thất lạc

Câu chuyện về ngôi mộ cổ được cho là của thủy tổ dòng họ Trần Văn ở xóm 10 xã Thanh Đồng, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An đang gây xôn xao dư luận.

Ông Trần Văn Phước, trưởng ban nội tộc dòng họ Trần Văn cho hay, theo sử sách để lại, cụ thủy tổ Trần Khắc Tuấn (được chôn trong ngôi mộ cổ - PV) vốn là người làng Tràng, tỉnh Hà Tĩnh, trong những năm loạn lạc giữa thế kỷ 17 đã phiêu bạt về mảnh đất Thanh Đồng sinh sống bằng nghề bốc thuốc. Hàng trăm năm nay, con cháu họ Trần Văn – làng Hạ (11 đời) vẫn truyền tai nhau chuyện mộ cụ tổ ở núi Mửa Mọn (nay thuộc khối 1, thị trấn Dùng, huyện Thanh Chương) được làm “trong quan ngoài quách”. 

Năm 1982, dòng họ Trần Văn tổ chức cải táng mộ thủy tổ để quy tập về lăng mộ của dòng tộc. Sau thời gian tìm kiếm, đào nát cả một khu đất rộng nhưng con cháu nội ngoại vẫn không tìm thấy ngôi mộ cần tìm. Ông Trần Văn Ngọc (80 tuổi, người cao tuổi trong gia tộc) kể sau lần đó vì không có manh mối nên con cháu không đi tìm mộ của thủy tổ nữa. Nhưng trong thâm tâm mỗi người, ai cũng muốn tìm lại được ngôi mộ của dòng họ mình. 

Khi thông tin về ngôi mộ cổ vẫn là một bí ẩn thì vào 8h ngày 8/12/2016, trong lúc múc đất tại khu vực núi Mửa Mọn để thi công công trình của giáo xứ Đại Yên, anh Nguyễn Đức Toàn (ngụ xóm 10, xã Thanh Đồng) và một số người bất ngờ phát hiện ngôi mộ lạ.

Anh Toàn kể lại, lúc đầu những người có mặt cứ nghĩ đây là tảng đá khổng lồ. Nhưng sau khi kiểm tra họ mới biết “khối đá” nặng gần 1 tấn ấy chính là ngôi mộ. Liền sau đó, anh Toàn đã liên hệ với gia tộc họ Trần về việc phát hiện ra ngôi mộ nghi của dòng tộc này. 

Ngôi mộ giống như khối đá đông đặc
Ngôi mộ giống như khối đá đông đặc

“Nhận được tin báo, dòng tộc chúng tôi vô cùng bất ngờ, vui sướng. Căn cứ vào sổ sách để lại thì đúng vị trí đó là khu vực được cho là mai táng cụ thủy tổ. Tuy nhiên, việc xác nhận, chịu trách nhiệm mai táng ngôi mộ ấy cần phải có thời gian họp lại, bàn bạc, tránh trường hợp sai sót không đáng có”, ông Ngọc kể.

Khi con cháu họ Trần chưa nhận mộ, anh Toàn và mọi người đã đưa đi mai táng tại nghĩa trang giáo họ tại vùng Cơn Trộp (thuộc xóm 9, xã Thanh Đồng). Đến ngày 8/1/2017, khi đã xác nhận đúng đó là mộ tổ của dòng họ mình, con cháu dòng họ Trần Văn lại xin phép được tổ chức lễ an táng cụ một lần nữa, định di dời mộ cụ thủy tổ từ nghĩa trang giáo họ Đại Yên ở Cơn Trộp về nghĩa trang dòng họ Trần tại núi Đội.

Tuy nhiên, đêm trước ngày dự kiến di dời, ngôi mộ cổ đã bị kẻ gian xâm hại. Ông Ngọc kể, khoảng 5h sáng ngày 8/1, khi con cháu họ Trần tập trung đầy đủ tại nghĩa trang thì phát hiện ngôi mộ cụ tổ đã bị kẻ gian đào bới, lật nghiêng cỗ quách sang một bên, làm lộ thi hài bên trong. Điều đặc biệt là con cháu họ Trần và những người có mặt hôm đó hết sức bàng hoàng khi thấy thi hài của cụ thủy tổ sau gần 350 năm nhưng vẫn nguyên vẹn. 

Được biết, thi hài được bao bọc bằng một lớp vải dày từ đầu đến chân. Trên lớp vải này, chính giữa, từ cổ đến thắt lưng, có nhiều sợi dây được kết với nhau tạo thành một dải hình thoi giống như một dãy khuy áo. 

“Một số người đến gần, sờ vào thì thấy thi hài gần như vẫn nguyên, mái tóc bạc vẫn còn. Hai tay cụ đặt ngang trước bụng. Thi hài được quấn bằng chăn bông. Trong lớp chăn ấy có nhiều hạt, màu đen như hạt đậu, mùi thơm vị thuốc bắc. Chúng tôi phỏng đoán có thể lúc trước do cụ thủy tổ làm nghề bốc thuốc bắc nên khi qua đời, thi hài được ướp bằng những vị thuốc ấy nên mới nguyên vẹn như vậy”, ông Ngọc phỏng đoán.

Một điều đặc biệt nữa là ngôi mộ cổ có cấu trúc “trong quan ngoài quách”. Quách là một khối hợp chất giống bê tông bọc lấy quan tài, dài khoảng 2,2 m, rộng 0,75 m, cao 0,8m. Theo một số người trong dòng họ trên, hợp chất này màu mâu trắng, khá mịn, có thể được làm nên từ mật mía, vỏ sò xay nhỏ…

Quan tài có khả năng làm từ gỗ dâu, bên trong sơn đỏ, màu sắc vẫn còn tươi sáng. Quách và quan tài dính chặt vào nhau, do quách đã bị vỡ mặt đáy nên kẻ gian lật nghiêng quách, cạy bật ván “địa” quan tài. Từ chất liệu trong chiếc quan tài, cộng với sử sách của dòng tộc để lại, mọi người suy đoán, cụ thủy tổ thuộc tầng lớp khá giả nên mới được mai táng như vậy.

Bí ẩn kỹ thuật mai táng 

Ông Ngọc cho biết thêm, công việc chôn cất thủy tổ tại lăng mộ của dòng họ diễn ra 3 ngày mới xong. Nhưng tại hiện trường phát hiện ra ngôi mộ cổ, mọi người có thấy 2 túi vải màu nâu dài khoảng 25cm rộng hơn 10cm đã bị rạch thủng, rỗng ruột, được vứt gần đó, con cháu nghi ngờ ngôi mộ đã bị kẻ xấu trộm mất tài sản chôn cùng. Dù con cháu dòng họ Trần Văn rất tức giận trước hành vi xâm phạm mồ mả của kẻ xấu, nhưng vì lý do tâm linh nên họ không trình báo chính quyền địa phương.

Những người trong dòng tộc Trần Văn nghi ngờ có thể kẻ xấu đã nắm được thông tin về ngôi mộ cổ vào ngày 7/1. Bởi, đúng ngày hôm đó, đại diện dòng tộc đã cho thông báo trên loa phát thanh của làng về chuyện sáng sớm mai con cháu sẽ tập trung tại ngôi mộ của cụ thủy tổ để di dời, chôn cất. 

Thi hài trong ngôi mộ vẫn còn nguyên vẹn
Thi hài trong ngôi mộ vẫn còn nguyên vẹn

“Nhìn ngôi mộ bị lật, cạy mất nắp mà con cháu chúng tôi vô cùng phẫn nộ. Sau đó, chúng tôi đã phải thắp hương xin lỗi cụ thủy tổ, dùng máy cẩu đậy lại nắp mộ và di dời đến nơi chôn cất”, ông Ngọc cho biết.

Việc phát hiện ra ngôi mộ cổ cách nay mấy trăm năm, “trong quan ngoài quách”, thi hài đang còn nguyên vẹn là chuyện hiếm, lạ. Tiếc rằng, chưa có cơ quan chuyên môn nào kịp tìm hiểu, nghiên cứu về ngôi mộ đặc biệt này. Bởi vậy, những bàn luận, thắc mắc của mọi người về ngôi mộ như niên đại chính xác, kỹ thuật mai táng, khâm liệm, hợp chất ‘bê tông”, mùi hương… tạm thời vẫn còn bí ẩn. 

Riêng với con cháu dòng họ Trần Văn, họ luôn tin vào sự linh thiêng của ngôi mộ cổ. Ai nấy đều vui mừng khi ngôi mộ cụ thủy tổ sau hàng trăm năm không xác định được vị trí chôn cất nay đã được tìm thấy. Ông Ngọc cho biết, từ nay về sau, dòng họ sẽ chọn ngày 27/6 làm lễ giỗ cho thủy tổ. Việc làm này nhắc nhở con cháu, thế hệ mai sau luôn ý thức về công lao của các bậc tiên tổ trong việc gầy dựng dòng họ.

Trao đổi với phóng viên về sự việc hiếm gặp này, ông Nguyễn Bá Hạnh, Trưởng công an xã Thanh Đồng cho hay: “Chúng tôi có nghe thông tin về ngôi mộ cổ của dòng họ Trần Văn và việc ngôi mộ bị kẻ gian đào bới, xâm hại, nghi ngờ lấy đi số vàng bạc. Tuy nhiên, vì đó là vấn đề tâm linh của người dân, hơn nữa họ cũng không báo cáo lên chính quyền địa phương nên chúng tôi không can thiệp”.

Đọc thêm