Thí sinh thờ ơ với ĐH ngoài công lập

Mùa tuyển sinh 2013 đã khởi động, nhưng xem ra với các trường ngoài công lập (NCL) vẫn là bài toán rối bời khi mà người học thờ ơ, các đơn vị tuyển dụng không mấy mặn mà. Và ngoài câu chuyện dài con nuôi (trường NCL), con đẻ (trường công) thì bức tranh trường NCL vẫn báo hiệu sự ảm đạm, hiu hắt…

Mùa tuyển sinh 2013 đã khởi động, nhưng xem ra với các trường ngoài công lập (NCL) vẫn là bài toán rối bời khi mà người học thờ ơ, các đơn vị tuyển dụng không mấy mặn mà. Và ngoài câu chuyện dài con nuôi (trường NCL), con đẻ (trường công) thì bức tranh trường NCL vẫn báo hiệu sự ảm đạm, hiu hắt…

1. Bên cạnh những đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) NCL đã khẳng định được tên tuổi và tuyển sinh ổn định như ĐH Thăng Long, ĐH Kinh doanh và Công nghệ… vẫn còn rất nhiều trường dân lập đang trong tình trạng thiếu sinh viên trầm trọng. Mỗi năm, các trường chỉ tuyển được vài chục đến vài trăm, thậm chí có trường chỉ duy nhất một thí sinh trúng tuyển ở nguyện vọng 1.

Thí sinh tham gia buổi tư vấn tuyển sinh

Năm 2012, ĐH Tân Tạo chỉ có 73 thí sinh dự thi (chỉ tiêu 500) và 29 em nhập học. ĐH Phú Xuân chỉ tiêu 1.000 nhưng có 75 hồ sơ và một thí sinh trúng tuyển (NV1), tới nay trường mới nhận được vài trăm sinh viên nhập học.

Năm 2012, ĐH Hà Hoa Tiên (Hà Nam) đặt chỉ tiêu tuyển 900 sinh viên, trong đó có 400 chỉ tiêu bậc CĐ và 500 chỉ tiêu bậc ĐH. Tuy nhiên từ khi thành lập đến nay, số thí sinh (TS) đăng ký vào trường rất èo uột. Cụ thể, năm 2010 trường chỉ có 38 sinh viên vào học. Năm 2011, số sinh viên vào trường lên 120 em, thủ khoa khối A là 12,5 điểm; thủ khoa các khối còn lại là 14 điểm.

Đây chỉ là một số ví dụ điển hình trong vấn đề tuyển sinh của các trường NCL, thực tế hiện còn không ít trường  khác cũng đang vật vã trong khâu tuyển sinh như ĐH Lương Thế Vinh (Nam Định), ĐH Thái Bình Dương (Khánh Hòa), ĐH Tây Đô (Cần Thơ)... Tất cả những trường này sau hai, ba đợt xét tuyển bổ sung cũng chỉ có vài chục đến vài trăm sinh viên nhập học.

2. Mới đây, trong Ngày hội tư vấn mùa thi, trong số hơn 40 trường ĐH, CĐ tham gia chỉ có 2 trường ĐH NCL ở khu vực Hà Nội, đó là ĐH Thành Đô và ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội. Nhưng điều đó vẫn chưa nói lên được cốt lõi của vấn đề. Trong khi các trường công lập thu hút sự chú ý quan tâm của rất đông thí sinh thì các trường NCL lại hoàn toàn yên tĩnh.

Một cán bộ tư vấn tuyển sinh của ĐH Thành Đô tìm mọi cách để “mời” thí sinh đến thăm gian tư vấn của mình nhưng các em vẫn thờ ơ. Có thể thấy, ngay tại “sân chơi” này, sự phân biệt đã thể hiện rõ trong lựa chọn của mỗi thí sinh . Khi được hỏi, một số thí sinh cho biết sẽ không lựa chọn trường NCL ở NV1. Nếu không đỗ, sẽ tính sau.

Trước đó, Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ NCL Việt Nam đã có đơn kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ. Chính phủ cũng đã yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) xử lý vấn đề.  Tại buổi làm việc với Hiệp hội, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đồng ý cho các trường ĐH, CĐ NCL được tuyển sinh riêng nếu có phương án tuyển sinh hợp lý.

Tuy nhiên, rất nhiều chuyên gia cho rằng, nếu tách riêng khỏi “3 chung”, các trường ĐH, CĐ NCL tự “giết” mình. Bởi, hiện đang thi 3 chung nhưng đầu ra của nhiều trường chưa thuyết phục được người sử dụng lao động. Nhiều tỉnh khi tuyển công chức đã nói không với NCL. Thi riêng chỉ giải quyết được vấn đề trước mắt, còn 3-4 năm sau, ai sẽ nhận những lao động này?

Tương lai của các trường NCL sẽ ra sao? Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga khẳng định Bộ kiên quyết đảm bảo chất lượng tuyển sinh, không chạy theo số lượng. Trong mùa tuyển sinh năm nay, chắc chắn các trường NCL sẽ còn gặp rất nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, trong số các trường NCL vẫn có nhiều trường tuyển sinh rất tốt. Phía Bắc có ĐH Thăng Long, phía Nam có ĐH Duy Tân, ĐH Quốc tế Hồng Bàng… Hỏi về thành công của những trường này, GS Hoàng Xuân Sính - Chủ tịch Hội đồng quản trị ĐH Thăng Long cho biết: Để có được như ngày hôm nay, nhà trường cũng phải mất 18 năm (bằng đúng thời gian nuôi một con người trưởng thành) lăn lộn, chịu lỗ, chịu đầu tư.

Còn về phía Bộ GD-ĐT, ông Bùi Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH khẳng định Bộ hoàn toàn ủng hộ các trường NCL. Tuy nhiên, trong chính sách cho các trường còn nhiều vướng mắc như về thuế, đất… Thời gian tới, Bộ sẽ điều chỉnh lại những điều chưa phù hợp. Ông Tuấn cũng cho biết, năm tới Bộ sẽ tiếp tục thanh, kiểm tra để đảm bảo chất lượng. Nói về tương lai của các trường NCL, Vụ trưởng Bùi Anh Tuấn cũng cho hay, các trường cần phải hoàn thiện mình, có thể sẽ sáp nhập các trường để có “sức mạnh”.

3. Với những khó khăn lớn mà nhà trường đang phải đối mặt, vị hiệu trưởng này mong muốn Nhà nước nên có chính sách biện pháp cụ thể để cải thiện tình hình khó khăn của các trường NCL và điều đó cũng sẽ có lợi cho đất nước.

Thế nhưng có một thực tế, bài toán chất lượng là sự quyết định sống còn của các trường ĐH kể cả công lập hay dân lập. Bởi lẽ, không phải cứ học ĐH là có việc làm, nhiều ngành được mở ra và đào tạo một cách ồ ạt còn chưa ai kiểm định chất lượng đào tạo một cách thẳng thắn, song phẳng. Bởi việc không tuyển được, giải thể đang là dấu hiệu tốt của sự sàng lọc tự nhiên.

Nhiều chuyên gia cũng đặt ra vấn đề: thay vì ồ ạt mở thêm trường, Bộ nên tính đến có sự phân tầng trong giáo dục ĐH và đẩy mạnh công tác kiểm định đầu ra, để từ đó thị trường quyết định ai tốt thì tồn tại, ai không tốt sẽ bị đào thải. Và theo GS Nguyễn Minh Thuyết thì những bất cập của giáo dục ĐH hiện nay là hậu quả của việc mở trường ĐH tùy tiện, không có tính toán, không có quy hoạch, đây cũng là một loại “bệnh” thành tích.

Miên Thảo

Đọc thêm