Chỉ xét tuyển dựa trên nguyện vọng 1
Thông tư sửa đổi, bổ sung quy định về khu vực tuyển sinh như sau: Trường Sĩ quan Lục quân 1 tuyển thí sinh từ tỉnh Quảng Trị trở ra phía Bắc; Trường Sĩ quan Lục quân 2 tuyển thí sinh từ tỉnh Thừa Thiên Huế trở vào phía Nam. Thí sinh các tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế tùy theo nguyện vọng được đăng ký dự tuyển vào một trong 2 trường Sĩ quan Lục quân 1 và Sĩ quan Lục quân 2. Thí sinh dự tuyển vào Trường Sĩ quan Lục quân 2 phải có hộ khẩu thường trú ở các tỉnh phía Nam theo quy định, đồng thời phải có ít nhất một năm lớp 12 học và dự thi tốt nghiệp trung học tại các tỉnh phía Nam. Các trường còn lại được tuyển sinh trên phạm vi cả nước.
Đối với tiêu chuẩn về sức khỏe, các trường tuyển chọn thí sinh (cả nam và nữ) đạt Điểm 1 và Điểm 2 theo quy định tại Thông tư liên tịch số 16/2016/TTLT-BYT-BQP về các chỉ tiêu: Nội khoa, tâm thần kinh, ngoại khoa, da liễu, mắt (trừ tật khúc xạ cận thị có quy định riêng), tai - mũi - họng, răng - hàm - mặt, vòng ngực. Riêng các trường đào tạo sĩ quan chỉ huy, chính trị, hậu cần, gồm các học viện: Hậu cần, Phòng không - Không quân, Hải quân, Biên phòng và các trường sĩ quan: Lục quân 1, Lục quân 2, Chính trị, Pháo binh, Công binh, Tăng - Thiết giáp, Thông tin, Đặc công, Phòng hóa tuyển thí sinh nam cao từ 1,65m trở lên, cân nặng từ 50kg trở lên; không tuyển thí sinh mắc tật khúc xạ cận thị.
Đặc biệt, trường trong Quân đội chỉ nhận hồ sơ xét tuyển đại học, cao đẳng quân sự đối với những thí sinh đã qua sơ tuyển, có đủ tiêu chuẩn theo quy định của Bộ Quốc phòng, dự kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia trong năm đăng ký xét tuyển để lấy kết quả xét tuyển đại học, cao đẳng; các môn thi phù hợp với tổ hợp xét tuyển vào trường thí sinh đăng ký. Các học viện, trường trong Quân đội chỉ xét tuyển vào hệ đào tạo đại học, cao đẳng quân sự đối với các thí sinh đăng ký xét tuyển nguyện vọng 1 (nguyện vọng cao nhất) vào trường nộp hồ sơ sơ tuyển.
Nếu thí sinh không trúng tuyển nguyện vọng 1 (nguyện vọng cao nhất) vào các trường trong Quân đội sẽ được xét tuyển các nguyện vọng kế tiếp vào các trường ngoài Quân đội hoặc hệ dân sự của các trường trong Quân đội có tuyển sinh, theo thứ tự ưu tiên của các nguyện vọng thí sinh đăng ký xét tuyển theo quy định của Bộ GD- ĐT.
Lý giải về những đổi mới này, tại buổi gặp gỡ báo chí mới đây, Trung tướng, GS.TS Trần Hữu Phúc cho biết: Bộ Quốc phòng có những quy định chi tiết nhằm góp phần nâng cao chất lượng đầu vào, góp phần đáp ứng tốt hơn đặc thù trên các lĩnh vực hoạt động của quân đội. Đó là một số quy định về TSQS được điều chỉnh trong năm 2017, như: Điều chỉnh thời gian quân nhân phục vụ tại ngũ đủ điều kiện dự tuyển từ 6 tháng lên 12 tháng (tính đến tháng 4 năm tuyển sinh) để phù hợp với Luật Nghĩa vụ quân sự vừa có hiệu lực thi hành, trong đó quy định thanh niên chỉ nhập ngũ 1 lần trong năm. Tiêu chuẩn về sức khỏe cũng có sự điều chỉnh.
Cụ thể: Các trường đào tạo sĩ quan chỉ huy, chính trị, hậu cần gồm các học viện Hậu cần, Phòng không - Không quân, Hải quân, Biên phòng và các trường Sĩ quan Lục quân 1, Lục quân 2, Chính trị, Pháo binh, Công binh, Tăng - Thiết giáp, Thông tin, Đặc công, Phòng hóa, không tuyển các thí sinh mắc tật khúc xạ cận thị. Khi xét tuyển đến một mức điểm nhất định vẫn còn chỉ tiêu và số thí sinh cùng điểm cao hơn chỉ tiêu còn lại, các trường Quân đội sẽ sử dụng điểm thi của các môn thi trong tổ hợp xét tuyển để làm tiêu chí phụ, không sử dụng kết quả học bạ THPT.
Có ngược với thí sinh được xét tuyển nhiều nguyện vọng?
Lý giải là vậy, thế nhưng nhiều ý kiến cho rằng, với việc yêu cầu thí sinh đăng ký tuyển sinh vào trường quân đội phải ghi là NV1, Ban TSQS đã coi trọng thứ tự ưu tiên trong NV và đi ngược lại quy định của Bộ GD-ĐT là không phân biệt thứ tự ưu tiên của NV đăng ký. Quy chế tuyển sinh ĐH năm 2017 của Bộ GD-ĐT (Thông tư 05/2017/TT-BGDĐT ngày 25/1/2017), Điều 13 ghi rõ: “Trong xét tuyển đợt 1, đối với từng trường, ngành, thí sinh được xét tuyển bình đẳng theo kết quả thi, không phân biệt thứ tự ưu tiên của NV đăng ký”.
Thay đổi mang tính đổi mới lớn nhất trong tuyển sinh ĐH 2017 chính là việc cho thí sinh đăng ký nhiều NV xếp theo thứ tự ưu tiên, đảm bảo nguyên tắc chất lượng với trường và dân chủ với thí sinh. Cụ thể, với trường: xét theo điểm, thí sinh điểm cao sẽ có khả năng trúng tuyển cao hơn thí sinh điểm thấp, không vì thứ tự NV mà nhận thí sinh điểm thấp, bỏ thí sinh điểm cao; với thí sinh: xét theo NV, chỉ bỏ qua không xét NV xếp thứ tự ưu tiên thấp hơn nếu như đã trúng tuyển NV trước đó (nếu đã trúng nguyện vọng N thì bỏ qua không xét các nguyện vọng từ N1 trở đi).
Trước đó, khi Ban TSQS đưa ra quy định này, TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trường ĐH FPT, cho rằng, Ban TSQS đã vi phạm Thông tư về tuyển sinh vào các trường quân đội do chính Bộ Quốc phòng ban hành. Theo Điều 4 Thông tư 17/2016/TT-BQP của Bộ Quốc phòng, việc tuyển sinh vào các trường quân đội cần “chấp hành nghiêm quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT”.
Bên cạnh đó, Bộ Quốc phòng quên rằng quy chế tuyển sinh theo Thông tư 05/2017/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT áp dụng cho cả các trường quân đội. Điều 13 Thông tư này ghi rõ: “Đối với từng trường, ngành, thí sinh được xét tuyển bình đẳng theo kết quả thi, không phân biệt thứ tự ưu tiên của NV đăng ký... Thí sinh đăng ký xét tuyển vào các trường thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, ngoài các quy định này còn phải thực hiện các quy định, hướng dẫn của bộ liên quan”.