Thị trường bất động sản: Chờ đợi để bứt phá!

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Dù ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 gần hai năm nay nhưng thị trường bất động sản vẫn có những khởi sắc nhất định khi thống kê mới đây của Bộ Xây dựng cho thấy số lượng dự án bất động sản và số lượng giao dịch khá ấn tượng. Dự báo, doanh nghiệp bất động sản sẽ bứt phá nhanh chóng nếu bệnh dịch Covid-19 được khống chế.
Doanh nghiệp bất động sản chờ sau dịch bứt phá.
Doanh nghiệp bất động sản chờ sau dịch bứt phá.

Nhiều doanh nghiệp lãi cao

Mới đây, Bộ Xây dựng cho biết, dù hưởng ảnh nặng bởi dịch bệnh Covid-19 nhưng thị trường bất động sản vẫn phát triển khá ổn định, đặc biệt giá bất động sản không giảm, ngược lại nhiều địa phương giá vẫn tăng nhẹ. Theo Bộ này, chỉ trong quý II/2021, trên cả nước có 69 dự án nhà ở thương mại với hơn 27.000 căn được cấp phép; hơn 1.100 dự án với 352.575 căn đang triển khai xây dựng; 34 dự án với 2.800 căn đã hoàn thành.

Ngoài ra, số lượng nhà ở thương mại đủ điều kiện bán trong Quý II/2021 cũng tăng lên. Cụ thể, khu vực miền Bắc có 82 dự án với 12.629 căn hộ, miền Trung có 21 dự án với 6.509 căn hộ, miền Nam có 23 dự án với 10.419 căn hộ. Riêng tại Hà Nội có 6 dự án với 3.386 căn hộ, tại TP Hồ Chí Minh có 7 dự án với 3.000 căn hộ.

“Lượng giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất nền chuyển nhượng có 29.949 giao dịch bất động sản thành công trong quý II/2021. Riêng tại tại Hà Nội có 1.094 giao dịch thành công, tại TP Hồ Chí Minh có 3.002 giao dịch thành công”, Bộ Xây dựng cho biết và đánh giá, các giao dịch thành công tập trung nhiều ở phân khúc trung cấp và cao cấp.

Theo ông Đỗ Viết Chiến – Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA), do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thị trường Bất động sản Việt Nam đang trải qua giai đoạn khó khăn nhất kể từ nửa cuối năm 2019 đến nay. Đặc biệt, khi làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát trở lại, đã tác động mạnh nhất tới thị trường bất động sản và dự báo sẽ còn nhiều khó khăn trong thời gian tới.

Bức tranh thị trường kinhd doanh bất động sản mùa Covid vẫn mang gam màu tươi mới.

Bức tranh thị trường kinhd doanh bất động sản mùa Covid vẫn mang gam màu tươi mới.

Tuy nhiên, trong khó khăn lại có những cơ hội đan xen, khi nhiều doanh nghiệp bất động sản có những hướng đi riêng, cách làm riêng. “Dịch bệnh là cơ hội để nhiều doanh nghiệp hoàn thiện pháp lý, chuẩn bị mặt bằng, chuẩn bị đầu tư cho nhiều dự án bất động sản trong tương lai. Dịch bệnh cũng là cơ hội để thử thách “sức khoẻ” của các doanh nghiệp, để họ tái cấu trúc lại phát triển bền vững hơn”- vị này nói.

Tổng Thư ký VNREA phân tích thêm, hiện nay một số phân khúc bất động sản vẫn duy trì và nếu kiểm soát được dịch bệnh thì sẽ phát triển nhanh đó là phân khúc nhà ở, bất động sản công nghiệp, bất động sản nghỉ dưỡng... Chuyên gia này cũng cho rằng, tâm lý của người Việt Nam vẫn mong muốn sở hữu nhà ở, đất ở, do đó nguồn cầu về nhà ở còn rất lớn. Tổng nhu cầu về nhà ở hiện lên tới hàng trăm triệu m2.

Trong khi đó, phân khúc bất động sản khu công nghiệp hiện đang được ghi nhận là một mảng sáng hiếm hoi của thị trường. Nguồn cung mới đất khu công nghiệp tăng trưởng khá mạnh bất chấp dịch bệnh.

Mới đây, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã công bố kết quả kinh doanh khả quan với mức lãi gia tăng trong nửa đầu năm 2021. Đơn cử, lợi nhuận sau thuế quý II/2021 của Công ty Cổ phần phát triển bất động sản Phát Đạt đạt 502 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 80% cùng kỳ. Công ty cổ phần Bất động sản Thế kỷ Cen Land đạt doanh thu đầu tư bất động sản quý II/2021 tăng gấp 16 lần cùng kỳ, đạt 2.941 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế quý này tăng 33%, đạt 128,4 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng, doanh nghiệp này đạt 251 tỷ đồng lợi nhuận, tăng 80% và hoàn thành 62% kế hoạch năm. Công ty cổ phần đầu tư Năm Bảy Bảy lợi nhuận ở mức 209 tỷ đồng trong nửa đầu năm nay…

Bất động sản muốn được hỗ trợ gì?

Để hỗ trợ và tạo điều kiện cho DN bất động sản phát triển, mới đây, Hiệp hội bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) có văn bản gửi Bộ Xây dựng để xuất một số cơ chế chính sách. Cụ thể, các doanh nghiệp bất động sản mong muốn Bộ Xây dựng đề nghị Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại xem xét giảm lãi suất cho vay khoảng 2%/năm đối với các khoản vay của các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp bất động sản, nhà đầu tư, khách hàng vay mua nhà.

Đồng thời, các ngân hàng thương mại xem xét không chuyển nhóm nợ (xấu hơn) đối với các khoản vay đến hạn. Và quan trọng hơn là đề nghị các ngân hàng thương mại xem xét, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp bất động sản được tiếp cận các khoản vay mới để triển khai thực hiện dự án. Ngoài ra, đơn vị này cũng đề nghị các ngân hàng thương mại xem xét cho nhà đầu tư, khách hàng mua nhà, mua sản phẩm bất động sản được tiếp tục vay theo hợp đồng vay tín dụng đã ký.

Đối với chính sách thuế, tiền sử dụng đất, theo quy định pháp luật, kể từ ngày nhận được Thông báo nộp tiền sử dụng đất dự án nhà ở thương mại của Cục Thuế thì trong thời hạn 90 ngày, chủ đầu tư phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính. Nếu quá thời hạn này thì doanh nghiệp sẽ bị phạt chậm nộp thuế. Do vậy, HoREA đề nghị Bộ Tài chính xem xét trình Chính phủ bổ sung vào Nghị định 52/2021/NĐ-CP chính sách “cho phép giãn tiến độ nộp tiền sử dụng đất dự án nhà ở thương mại cho đến hết năm 2021”.

Đọc thêm