Thị trường Bitcoin: Đầu tư vào đồng tiền ảo, hứng chịu thua lỗ thật

(PLVN) - Ra đời năm 2009, đồng tiền Bitcoin nhanh chóng phát triển và chiếm lĩnh thị trường thế giới. Tới năm 2017, giá trị đồng Bitcoin đã tăng gấp 25 lần và góp mặt trong nhiều giao dịch quốc tế. Nhờ Bitcoin, nhiều người trở nên sung túc nhưng cũng không ít người rơi vào thế đường cùng chẳng dám ngỏ cùng ai.
(Hình minh họa).
(Hình minh họa).

Sự hình thành đầy huyền bí

Giao dịch Bitcoin đầu tiên được xác nhận khi Satoshi Nakamoto gửi 10 bitcoin cho nhà mật mã học Hal Finney vào ngày 12 tháng 1 năm 2009. Tới ngày 5 tháng 10 năm 2009, lần đầu tiên giá trị của Bitcoin được ấn định trên sàn giao dịch mức giá khởi điểm 1 đô la Mỹ tương đương 1.309,03 Bitcoin (hoặc 1 Bitcoin = 0,00076 USD). Giá trị này được tính bởi chi phí tiền điện của một máy tính hao tốn khi đào ra Bitcoin.

Trong vòng 5 ngày từ ngày 12 tháng 7 năm 2010, giá của Bitcoin tăng lên 10 lần từ 0,008 đô la Mỹ lên 0,08 đô la Mỹ. Trong năm 2011, giá trị của đồng Bitcoin tăng từ 0,30 đô la Mỹ lên 32 đô la Mỹ, trước khi giảm xuống còn 2 đô la Mỹ. Giá trị của Bitcoin lên xuống thất thường không kiểm soát và chính lúc này người Satoshy Nakamoto, người khởi sướng việc giới thiệu đồng Bitcoin ra thế giới bỗng dưng biến mất, khiến thế giới không thể xác định Satoshi là một người hay một nhóm người.

Nhưng dù thế nào, Satoshy cũng đã tạo ra nền tảng công nghệ mới mang tên Bockchain để từ nền tảng này đồng Bitcoin được sinh ra. Hiểu đơn giản thì Blockchain giống như “cuốn sổ sinh tử” của Nam Tào, những sự thật đã được ghi lại trong cuốn sổ Bockchain này sẽ không thể tẩy xóa, không thể sửa chữa, không thể giả mạo. Mọi thông tin ghi trong “cuốn sổ” đều được công khai trên toàn cầu nên hoàn toàn đáng tin cậy.

 

Nếu dùng “cuốn sổ” này để ghi lại những giao dịch Bitcoin thì không ai có thể can thiệp được kể cả người tạo ra nó. Đến mức ngay chính Satoshi muốn tạo ra thêm bất kỳ đồng Bitcoin nào nữa để đưa vào lưu thông hòng trục lợi cũng không thể. Những đồng Bitcoin được Satoshi tạo ra ban đầu luôn là một hằng số và được ẩn giấu trong các “mỏ chứa”.

Để có được Bitcoin, người chơi buộc phải sử dụng máy tính để giải các thuật toán hết sức phức tạp. Sau quá trình xử lý, người chủ máy tính sẽ được thưởng một lượng Bitcoin nhất định. Lượng Bitcoin đó sẽ được đưa vào lưu thông và quá trình đó được định danh là “đào Bitcoin”.

Giống như việc khai thác các mỏ quặng trong thiên nhiên, đào được đồng Bitcoin nào thì “cuốn sổ” Blockchain sẽ hiện ra đồng đó. Phần Bitcoin còn lại vẫn ẩn giấu trong các mỏ chứa, muốn có thêm Bitcoin thì phải tiếp tục “đào bới”. Tuy nhiên cũng giống như trữ lượng vàng, Bitcoin cũng có một số lượng nhất định, đào mãi tới một ngày cũng sẽ hết, và ngay cả Satoshy cũng không thể tạo ra thêm Bitcoin được nữa.

Theo dự báo, Bitcoin chỉ có vỏn vẹn 21.000.000.000 đồng và tới năm 2140, đồng Bitcoin cuối cùng sẽ bị đào lên. Do có “cuốn sổ sinh tử” Blockchain nên mọi đồng Bitcoin được đào lên hay đem giao dịch đều được ghi lại nên không có chuyện ai đó tạo ra đồng Bitcoin giả để đưa vào lưu thông. Có lẽ vì số lượng đồng Bitcoin là một hằng số ẩn giấu nên giá trị của nó cũng biến đổi khôn lường.

So với tiền giấy, đồng Bitcoin có nhiều ưu điểm hấp dẫn như không thể làm giả, không phát sinh thêm, không cần trung gian trong giao dịch và không chịu sự quản lý chi phối của nhà nước. Nhờ những đặc tính ưu việt như vậy nên ngày càng có thêm tin tưởng sử dụng đồng Bitcoin. Càng nhiều người tin dùng, càng nhiều người bỏ tiền thật ra mua thì giá trị của đồng Bitcoin ngày càng tăng không giới hạn.

Tranh cãi về tính pháp lý?

Đồng Bitcoin ngay từ khi ra đời đã nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường thế giới nhờ những ưu thế không thể chối cãi, và đương nhiên Việt Nam không phải ngoại lệ. Tới tháng 12 năm 2013, đại lý mua bán Bitcoin đầu tiên ra đời tại Việt Nam với tên gọi là Bitcoin Vietnam, cho phép mua hoặc bán bitcoin dễ dàng sau khi thực hiện thủ tục xác minh danh tính. Bitcoin Vietnam giao dịch trực tiếp với các đối tác tại Singapore, Mỹ, Israel để cân bằng kho Bitcoin và VNĐ của mình. Sau đó, việc cân bằng này được thực hiện qua sàn giao dịch VBTC. 

Trước tình hình đó, ngày 27 tháng 2 năm 2014, Ngân hàng nhà nước đưa ra khuyến cáo về việc sử dụng Bitcoin trong "Thông cáo báo chí về Bitcoin và các loại tiền ảo khác", trong đó có đoạn: "Về việc sử dụng bitcoin như là một loại tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có ý kiến như sau: Theo các quy định của pháp luật hiện hành về tiền tệ và ngân hàng, bitcoin (và các loại tiền ảo tương tự khác) không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Do vậy, việc sử dụng bitcoin (và các loại tiền ảo tương tự khác) làm phương tiện thanh toán không được pháp luật thừa nhận và bảo vệ".

Cho tới tháng 12 năm 2016, Chính phủ đã quyết định giao Bộ Tư Pháp chủ trì, phối hợp cùng Ngân Hàng Nhà Nước, Bộ Thông Tin và Truyền Thông, Bộ Công Thương và các bộ ngành khác rà soát thực trạng pháp luật, thực tiễn về tiền ảo, tài sản ảo, tiền điện tử, nghiên cứu lập 3 nghị định về tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo trình Chính phủ. Đồng thời, đề xuất các biện pháp thu thuế, xử phạt hình sự với các vi phạm liên quan đến các giao dịch này thông qua việc học tập kinh nghiệm quản lý ở Mỹ, EU, Nhật Bản.

Trên thực tế, mặc dù không được công nhận nhưng đồng Bitcoin vẫn tồn tại và được không ít những “đại gia” trên thế giới sử dụng như phương tiện thanh toán điện tử xuyên quốc gia. Bitcoin có một lợi thế nhất định mà không có bất cứ đồng tiền nào có thể có được, đó là tránh né được sự kiểm soát của chính phủ các quốc gia. Trong khi giao dịch bằng các đồng tiền thông thường sẽ phải thông qua cơ quan đơn vị chức năng và phát sinh các khoản thuế phí dịch vụ thì Bitcoin lại hoàn miễn phí và vượt qua mọi rào cản về sự quản lý.

“Cày” tiền ảo, mất tiền thật

Ngoài những “đại gia” quốc tế sử dụng Bitcoin làm phương tiện thanh toán thì thị trường tiền ảo này còn thu hút hai đối tượng nữa tham gia. Thứ nhất là những nhà đầu tư nhỏ lẻ tham gia mua đi bán lại nhằm hưởng chênh lệch trong các giao động giá của đồng Bitcoin để kiếm lời. Thứ hai là những người đầu tư máy móc trang thiết bị để giải các thuật toán phức tạp nhằm “đào Bitcoin” đem bán kiếm tiền.

Ở trường hợp thứ nhất, không ít nhà đầu tư sớm tham gia thị trường đã gặt hái được lợi nhuận đáng kể nhưng cũng có không ít người phải ngậm đắng nuốt cay vì thiếu hiểu biết. Khi thấy sự tăng giá chóng mặt của đồng Bitcoin nhiều nhà đầu tư đã vay mượn để làm sao mua càng nhiều Bitcoin càng tốt. Thế nhưng ước mơ làm giàu nhờ đồng tiền ảo chưa kịp bắt đầu thì Bitcoin lại đột ngột giảm giá như sự kiện ngày 17/12/2017, giá bitcoin đạt mức cao kỷ lục 19.666 đô la Mỹ và sau đó giảm 70% còn 5.920 đô la Mỹ vào ngày 6 tháng 2 năm 2018.

Bên cạnh đó, các kênh đầu tư phái sinh đã sử dụng đông Bitcoin như là khoản vốn đầu tư với những hứa hẹn sinh lời hấp dẫn. Nhưng chỉ được một thời gian các kênh đầu tư ăn theo này đột nhiên báo lỗ và biến mất, bỏ lại nhà đầu tư khốn đốn, dở khóc dở cười. Lúc đó, nhà đầu tư mới nhận ra các kênh kêu gọi đầu tư này chỉ là vỏ bọc của mô hình đa cấp biến tướng thì đã muộn.

Ở trường hợp thứ hai, nhận thấy sự hấp dẫn và tăng giá nhanh chóng của đồng Bitcoin mà không ít người dồn tiền đầu tư, mua sắm máy móc thiết bị để tham gia vào công cuộc “đào Bitcoin”. Đáng tiếc thay không ít “công nhân đào mỏ Bitcoin” phải tan mơ vỡ mộng bên biểu đồ xanh đỏ. Lý do khiến những người này rời bỏ cuộc chơi hết sức vớ vẩn, vì chưng số Bitcoin đào được đem bán không đủ trả tiền điện cho hàng trăm chiếc máy tính đang miệt mài “đào bới” từng ngày từng giờ.

Tính tới thời điểm hiện tại pháp luật Việt Nam chưa có quy định nào điều chỉnh về vấn đề xem các đồng tiền ảo như Bitcoin là một loại hàng hóa, một đối tượng để trao đổi mua bán. Vấn đề tính pháp lý của đồng tiền ảo cho tới nay còn là vấn đề phức tạp gây ra nhiều tranh cãi. Tuy nhiên, nếu căn cứ trên cơ sở pháp luật hiện hành thì việc phát hành, tàng trữ, cung ứng sử dụng Bitcoin như một phương tiện thanh toán là phạm pháp, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trong khi đồng tiền ảo Bitcoin chưa được pháp luật thừa nhận và bảo vệ, những tranh cãi về tiền ảo vẫn chưa ngã ngũ, hơn ai hết những nhà đầu tư khôn ngoan sẽ lựa chọn cho mình một lối đi an toàn. Cuộc chơi nào cũng mạo hiểm, nhưng nếu mạo hiểm với đồng tiền ảo không biết đâu mà lường thì rất có thể đến một ngày, nhà đầu tư sẽ phải trả giá bằng tiền mặt.

Đọc thêm