Thị trường đàm phán

(PLVN) - Bao giờ cũng thế, giá điện, xăng dầu luôn nhạy cảm vì nó không chỉ trực tiếp mà còn gián tiếp “đánh” vào thu nhập mỗi gia đình. Điện, xăng lên bao giờ cũng kéo theo tăng giá các mặt hàng khác, bởi trong kết cấu giá thành, điện, xăng là “đầu vào”.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Cách tính giá điện như thế nào, bao giờ người dân có quyền hơn trong việc sử dụng các dịch vụ độc quyền? Đây là câu hỏi lớn, đi theo tiến trình đổi mới kinh tế thị trường.

Với giá điện, đầu tháng 6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản gửi Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp về chủ trương xây dựng, phát triển thị trường bán lẻ điện cạnh tranh tại Việt Nam. Đây là dấu chỉ, xác quyết rằng, Chính phủ nỗ lực đổi mới.

Theo Văn bản, Thủ tướng đồng ý chủ trương triển khai xây dựng thị trường bán lẻ điện cạnh tranh và nghiên cứu điều chỉnh quy định về giá bán lẻ điện phù hợp phát triển của thị trường điện.

Trước đó, tại Tờ trình phê duyệt chủ trương xây dựng, phát triển thị trường bán lẻ điện cạnh tranh tại Việt Nam gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã xây dựng từng bước đi cho thị trường bán lẻ điện. Chiếu theo Tờ trình thì chỉ còn hơn một năm cho công tác chuẩn bị. Giai đoạn 2 từ 2022 – 2023, khách hàng sử dụng điện lớn tham gia mua điện từ thị trường giao ngay, trong đó ưu tiên thí điểm cơ chế ký hợp đồng song phương trực tiếp giữa khách hàng lớn và các nguồn điện năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời).

“Khách hàng” ngày xưa gọi là “hộ dùng điện” nên khách hàng lớn được hiểu là các đơn vị, tổ chức, trước hết là các nhà máy, công xưởng của các doanh nghiệp. Khách hàng lẻ (chủ yếu là hộ gia đình) tiếp tục mua điện từ các Tổng công ty điện lực theo biểu giá bán lẻ do cơ quan có thẩm quyền quy định, và kéo dài còn lâu. Từ sau 2025, người dân muốn tham gia vào thị trường bán lẻ điện mới có thể lựa chọn đơn vị bán lẻ điện.

Để làm được điều này, rõ ràng cần lộ trình, ngay cả hành lang pháp lý cũng phải sửa đổi. Ví dụ, sửa đổi Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg để giá bán lẻ điện sẽ do đơn vị bán lẻ điện và khách hàng sử dụng điện thỏa thuận, thống nhất theo hợp đồng song phương. Giá bán lẻ điện được xác định trên cơ sở đàm phán thống nhất giữa 2 bên mua bán điện. Đối với khách hàng không lựa chọn tham gia thị trường bán lẻ điện thì tiếp tục theo biểu giá bán lẻ do Nhà nước quy định.

Đến khi đủ điều kiện cho phép sẽ mở rộng phạm vi để 100% khách hàng được tham gia thị trường bán lẻ điện (khi đó giá điện hoàn toàn theo thị trường, không bù giá trong giá điện và các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với hộ nghèo, hộ thu nhập thấp cần được tách bạch rõ ràng, độc lập với giá bán lẻ điện).

Rõ ràng, cần tiến tới minh bạch hóa giá cả và tôn trọng khách hàng theo nguyên tắc đàm phán. Còn nhiều việc để làm nhưng tất yếu phải vận hành đúng nguyên tắc thị trường, khách hàng phải được đặt vào vị trí trung tâm.