Thị trường lao động ở các thành phố lớn sau Tết

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Thời điểm sau dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần, nhiều doanh nghiệp mở cửa hoạt động trở lại và bắt đầu bước vào cuộc chạy đua tuyển dụng. Với việc kiểm soát tốt dịch bệnh cùng với các chính sách mở cửa thích ứng an toàn, linh hoạt của Chính phủ, thị trường lao động tại nhiều địa phương đang dần phục hồi.
Phục hồi thị trường lao động.
Phục hồi thị trường lao động.

Nhiều dấu hiệu phục hồi khả quan

Những ngày đầu tháng 2/2022, nhiều người lao động đã trở lại các thành phố lớn để chuẩn bị bắt đầu những ngày làm việc đầu tiên của năm mới. Sau một năm dài gián đoạn với công việc vì dịch bệnh, đến nay phần lớn người lao động đều mong trở lại thành phố càng sớm càng tốt để tìm kiếm công việc. Với mong muốn của nhiều người lao động vẫn là có việc làm và thu nhập ổn định hơn trong năm nay.

Anh N.K.Hòa (29 tuổi, Hưng Yên), lao động tự do chia sẻ: “Trước đây, tôi làm công nhân tại xưởng may, công việc và lương lậu cũng ổn định. Nhưng từ năm ngoái, do ảnh hưởng của Covid-19, xưởng cắt giảm nhân sự nên tôi đành phải ra ngoài kiếm công việc tự do, thời gian làm việc và lương không ổn định, thưởng thì hầu như không có. Chỉ mong năm nay mọi thứ khá khẩm hơn, tôi sớm kiếm được công việc ổn định để còn lo cho gia đình”.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng cho biết, nhân lực sau Tết đáp ứng được 85% nhu cầu doanh nghiệp. Bộ trưởng đánh giá, nhờ dự báo sớm, cảnh báo sớm nên không xảy ra tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng lao động và tạo ra được một thị trường lao động tương đối ổn định. Nhìn chung, thị trường lao động trong nước đang có nhiều dấu hiệu phục hồi khả quan.

Cũng giống như anh N.K.Hòa, đây là tình trạng chung của nhiều người lao động trong năm qua. Bộ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cho biết, đại dịch Covid-19 đã tác động nặng nề đến tình hình lao động, việc làm. Nếu tính từ tháng 4 đến tháng 10/2021, có khoảng 38 triệu lao động bị ảnh hưởng trực tiếp. Trong đó, số lao động bị gián đoạn hoặc tạm dừng làm việc trong năm 2021 khoảng 18 triệu người. Đặc biệt, trong quá trình tác động của đại dịch lần thứ 4, làn sóng lao động di chuyển ồ ạt về quê (từ TP HCM và các khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam về nông thôn, các vùng quê) tương đối lớn, ước tính khoảng 1,3 triệu lao động và chiếm 60% trong khối dịch chuyển này.

Trao đổi với báo chí về những tác động tiêu cực của dịch bệnh đến thị trường lao động, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, bên cạnh việc đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất thì vấn đề đáng quan ngại hơn là đứt gãy về chuỗi cung ứng lao động. Trước đó, Bộ LĐ-TB&XH từng đưa ra cảnh báo rằng đến cuối quý I đầu quý II/2022 thị trường lao động mới trở lại được cơ bản.

Tuy nhiên, khi Chính phủ quyết định thực hiện chiến lược “thích ứng an toàn” ngay trong quý IV/2021, các doanh nghiệp hoạt động trở lại, tập trung đẩy mạnh hoạt động sản xuất nhằm sớm phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh. Số người có việc làm, thu nhập bình quân tháng tăng, tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm giảm, đến thời điểm hết tháng 12/2021, thị trường lao động đã cơ bản phục hồi.

Cao điểm vào sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán, nhu cầu tuyển dụng lao động ở nhiều nơi đều có xu hướng tăng. Theo khảo sát của Bộ LĐ-TB&XH, tại các tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm, dự kiến trong năm 2022, doanh nghiệp sẽ có nhu cầu tuyển dụng khoảng 700.000 người.

Sôi động thị trường tuyển dụng sau Tết

Có thể nói hiện tại đang là thời điểm “vàng” cho thị trường lao động. Khi các doanh nghiệp đang bắt đầu bước vào cuộc chạy đua tuyển dụng, đẩy mạnh triển khai nhiều hình thức tuyển dụng lao động. Đây là một trong những hoạt động phục vụ cho kế hoạch đẩy mạnh kinh doanh, sản xuất ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm mới.

Nhu cầu tuyển dụng sau Tết tăng cao.

Nhu cầu tuyển dụng sau Tết tăng cao.

Với nhu cầu tuyển dụng tăng mạnh, thị trường lao động đã nhộn nhịp và “nóng” ngay từ đầu năm. Lí giải cho điều này, nhiều người cho rằng hoàn toàn phù hợp với tình hình thực tế. Bởi sau Tết nhiều nhà máy tăng tốc sản xuất sau thời gian dài hoạt động chỉ từ 60 - 80% công suất vào năm trước và rất cần bổ sung nhân lực, đặc biệt là lao động qua đào tạo.

Tại những thành phố lớn như Hà Nội, ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội thông tin về thị trường lao động sau Tết Nguyên đán, trong những ngày gần đây, có khoảng 30 doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng với gần 1.000 vị trí việc làm. Trong đó, các lĩnh vực có nhu cầu tuyển dụng lớn như cơ khí, may mặc, công nghệ thông tin, chăm sóc sức khỏe... Với mức lương dao động từ 7-15 triệu đồng/tháng.

“Lao động tại các khu công nghiệp quay lại làm việc chiếm tỷ lệ khá cao, do đó không có tình trạng thiếu hụt lượng lớn lao động sau Tết. Những doanh nghiệp tuyển dụng ngay sau Tết chủ yếu nhằm phục vụ mục tiêu mở rộng sản xuất”, ông Thành cho hay. Theo ông, thị trường lao động sẽ dần sôi động trở lại sau kỳ nghỉ Tết, dự báo nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp vẫn sẽ tiếp tục tăng trong tháng 2 này.

Trong những tháng đầu năm, ông Thành đánh giá tình trạng “nhảy việc” sau Tết hiện nay gần như không xảy ra. Sau Tết, các doanh nghiệp cũng quan tâm tuyển chọn lao động có tay nghề, kỹ năng để hướng đến việc thích ứng lâu dài với dịch COVID-19 trong bối cảnh bình thường mới. Thông thường như mọi năm nhu cầu tuyển dụng vào đầu năm sẽ tăng hơn so với các thời điểm khác.

Tại TP HCM, theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM, thị trường lao động sau Tết chuyển biến tích cực sau khi thành phố áp dụng nhiều giải pháp linh hoạt vừa thích ứng với tình hình mới, vừa đảm bảo chống dịch, một lượng lớn lao động từ các tỉnh đã quay lại. Cùng với việc sử dụng mạng xã hội, các nền tảng công nghệ thông tin được đẩy mạnh, hoạt động sàn giao dịch việc làm trực tuyến được tăng cường nhằm giới thiệu việc làm cho người lao động.

Dự kiến, nhu cầu của các doanh nghiệp tại TP HCM sau Tết Nguyên đán cần khoảng 44.800 đến 600.000 chỗ làm việc, tập trung vào các ngành như: Dệt may, giày da, chế biến lương thực, thực phẩm, cơ khí, thông tin truyền thông, vận tải kho bãi, bán buôn bán lẻ, dịch vụ lưu trú và các hoạt động liên quan đến kinh doanh bất động sản, dịch vụ bảo vệ…

Bên cạnh đó, vẫn có một vài địa phương xuất hiện tình trang thiếu hụt lao động trong đầu năm. Mặc dù sự thiếu hụt lao động sau nghỉ Tết Nguyên đán chỉ khoảng 10% nhưng theo Bộ LĐ-TB&XH, dự báo sự thiếu hụt lao động có thể tăng vào thời gian quý II/2022, khi các doanh nghiệp bắt đầu hoạt động trở lại với công suất cao nhất thì sẽ không đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng tăng mạnh.

Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm Đà Nẵng hiện nay, việc tìm người lao động cho doanh nghiệp đang là vấn đề khó khăn của Trung tâm khi số người đến tìm việc rất ít, trong khi nhu cầu cần lao động khá lớn, đối tượng lao động là người trẻ tới tư vấn tìm việc hầu như không có. Để hỗ trợ các doanh nghiệp, Trung tâm Dịch vụ việc làm Đà Nẵng đã tăng cường kết nối, mời gọi lao động, mời gọi doanh nghiệp, phối hợp với các quận, huyện tổ chức chương trình hội nghị tuyên truyền về giải quyết việc làm. Trong thời gian tới, Trung tâm sẽ kết nối với các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên tổ chức phiên giao dịch việc làm trực tuyến.

Đồng thời vấn đề thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao cũng đang khiến các doanh nghiệp “đau đầu”. Bởi thời gian vừa qua do tác động của đại dịch Covid-19 nên có sự chuyển dịch lao động từ nhà máy này sang nhà máy khác, từ doanh nghiệp này sang doanh nghiệp khác.

Như tại Bắc Ninh, Bắc Giang, theo lãnh đạo ban quản lý khu công nghiệp, điều khó nhất với các doanh nghiệp hiện nay là không thể tuyển đủ lao động kỹ thuật, nhất là các ngành điện tử, cơ khí. Xu hướng tuyển dụng lao động có tay nghề, kỹ năng để hướng đến việc thích ứng lâu dài với dịch COVID-19 đang được các doanh nghiệp triển khai gấp rút.

Tại đây nhiều doanh nghiệp điện tử đã có kế hoạch tuyển hàng chục nghìn công nhân ngay trong quý I/2022 để đáp ứng nhu cầu sản xuất trong thời gian tới, dù số lao động trở lại nhà máy sau Tết đã đạt gần 100%.

Trong kế hoạch phát triển thị trường lao động, giải quyết việc làm cho người lao động năm 2022, nhiều địa phương đã và đang tạo điều kiện, tăng cường công tác chăm lo thường xuyên cho người lao động.

Điển hình như thành phố Hà Nội, trong năm nay sẽ hỗ trợ đảm bảo an sinh xã hội, phát triển thị trường lao động và lực lượng lao động. Trong đó, đẩy mạnh thực hiện các chính sách về bảo hiểm xã hội; chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; giải quyết việc làm mới cho 160.000 lao động, qua đó giảm tỷ lệ thất nghiệp thành thị xuống dưới 4% và nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 72%.

Có thể thấy, thị trường lao động ở các thành phố lớn đang trở lại với những dấu hiệu phục hồi khả quan. Đây là một dấu hiệu tốt trong thời gian này, bởi sự ổn định thị trường lao động không chỉ góp phần phục hồi nhanh chóng kinh tế đất nước trong năm 2022 mà còn là tiền đề cho giai đoạn sau này - giai đoạn hậu COVID-19.

Đọc thêm