Thời gian qua, Báo Pháp luật Việt Nam nhận được thông tin của người dân khu 1, xã Hà Lộc (thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ) phản ánh về việc trên địa bàn xã liên tục diễn ra tình trạng khai thác đất trái phép. Hàng ngày, xe cộ chở đất ra vào tấp nập, gây bụi bẩn, ô nhiễm môi trường, đường xá xuống cấp, tiểm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông.
Trước thông tin phản ánh của người dân, PV đã có mặt tại khu vực khai thác đất, theo quan sát của PV, quả đồi cao hàng chục mét, rộng hàng trăm mét vuông đã được “xẻ” gần hết, đường xá xuống cấp, bụi bay mù mịt do bị đoàn xe này liên tục “cày xới”.
“Quả đồi này máy múc lâu rồi, đất khai thác phải hàng chục nghìn khối. Họ chở đất cho một số dự án san lấp ở thị xã Phú Thọ và huyện Lâm Thao” ông N.V.T, một người dân cho biết.
Để làm rõ thông tin phản ánh của người dân, PV đã liên hệ với ông Trần Minh Lợi – Chủ tịch UBND xã Hà Lộc, ông Lợi cho biết, “Vị trí múc đất mà người dân phản ánh thuộc khu tái định cư dự án đường cao tốc Tuyên Quang – Phú Thọ”.
Tuy nhiên, trao đổi với cơ quan báo chí, lãnh đạo Ban quản lý dự án xây dựng thị xã Phú Thọ cho biết: “Những chiếc xe đang chở đất tại đây không liên quan đến dự án khu tái định cư đường cao tốc Tuyên Quang – Phú Thọ”.
Trước việc hai cơ quan trả lời mâu thuẫn nhau, PV tiếp tục liên hệ lại với ông Lợi để làm rõ ngọn ngành, lúc này vị Chủ tịch xã mới thừa nhận với các PV rằng: “Mỏ đất này không có giấy phép và sẽ cho người xuống kiểm tra, lập biên bản” (?).
Theo quy định của pháp luật, khi thực hiện dự án đắp nền, san lấp, đơn vị trúng thầu sẽ được cơ quan chức năng cấp điểm mỏ để khai thác đất. Nhà thầu sẽ phải nộp thuế, phí, có hóa đơn chứng minh nguồn gốc đầu vào, phải ký cam kết sửa chữa đường nếu bị hư hỏng… Việc Chủ tịch UBND xã Hà Lộc buông lỏng quản lý làm xuất hiện tình trạng khai thác đất “lậu”, “chảy máu” tài nguyên quốc gia, phá nát đường giao thông…
Sau khi bị phản ánh, máy móc đã được rút khỏi công trường, để lại quả đồi nham nhở |
Theo tìm hiểu của PV, mà hiện nay 1 khối đất san lấp trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có giá giao động khoảng 50-70 nghìn đồng. Như vậy, chỉ cần nhẩm tính cũng biết xã Hà Lộc đang làm thất thoát của Nhà nước hàng tỉ đồng.
Việc người dân xã Hà Lộc phản ánh tình trạng khai thác đất trái phép dẫn tới “chảy máu” tài nguyên là có cơ sở. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì mà lãnh đạo xã lại làm ngơ cho "đất tặc” hoành hành trong thời gian dài như trên?
Để bảo vệ khoáng sản, ngăn chặn tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, chấn chỉnh hoạt động san, hạ cốt nền đảm bảo đúng quy định, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ đã có văn bản số 2706/UBND-KTN ngày 24 tháng 6 năm 2020 yêu cầu UBND các huyện, thành, thị: Rà soát, đánh giá nhu cầu sử dụng đất để san lấp, đắp nền phục vụ các dự án, công trình xây dựng hạ tầng đã và đang thực hiện trên địa bàn huyện, thành, thị. Hướng dẫn chủ đầu tư, nhà thầu thi công các dự án, công trình xây dựng có nhu cầu khai thác đất để đắp nền công trình lập hồ sơ gửi UBND tỉnh để xem xét quy hoạch và cấp giấy phép khai thác đất đắp nền công trình theo quy định.
Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ yêu cầu, UBND các huyện, thành, thị thực hiện nghiêm túc Quyết định số 431/QĐ-UBND ngày 27/02/2018 của UBND tỉnh Phú Thọ về việc phê duyệt phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.
Việc ông Trần Minh Lợi - Chủ tịch UBND xã Hà Lộc có bao che cho đất “lậu” hoành hành và làm thất thoát tài nguyên của Nhà nước hay không, đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Phú Thọ vào cuộc làm rõ.
Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin.