Đấy là cách anh ta thường xuyên ứng xử với dân và là điều bình thường với người dân và nó chỉ trở nên bất thường là khi cán bộ lãnh đạo đứng đầu một huyện bị đối xử như thế và không phải là cái cách anh ta ứng xử với cán bộ cấp trên mà đang ứng xử với một người dân trước mặt mình. Thói quen hống hách, quát nạt, thích “giải quyết khâu oai” của cán bộ ta dù chỉ là anh nhân viên thôi không phải là hiện tượng hy hữu.
Còn cán bộ có tý lãnh đạo lại thích oai theo kiểu khác. Ông ta đi xe biển số xanh, càng đắt tiền càng khẳng định “đẳng cấp” lãnh đạo của mình, đi đâu thì “tiền hô, hậu ủng”, chuẩn bị đón tiếp, thái độ thì lạnh lùng, giao tiếp thì luôn giữ vẻ mặt quan trọng... Vì thế, ông ta không bao giờ “vi hành” và chỉ nhìn thấy cách cấp dưới xun xoe với mình mà chưa chứng kiến một lần họ hống hách với dân. Chính lãnh đạo kiểu đó mới “đẻ ra” những công chức như anh địa chính kia!
Ở một câu chuyện khác thu hút nhiều sự quan tâm của mọi người khi một tờ báo đăng tải về cái đồng hồ trị giá 39 tỷ của ông Trịnh Xuân Thanh. Đành rằng đó là một cách chơi sang cực kỳ “đẳng cấp” khó ai sánh được, một kiểu “oai” của kẻ có lắm tiền, nhiều của và quyền lực trong tay, song, cái khiến người ta chú ý là thái độ của kẻ chơi sang đó. Ông ta khinh bỉ cái đồng hồ “xịn” hàng tỷ đồng trên tay một doanh nhân tầm cỡ và cho rằng “chỉ để cho lái xe”, một cách “dìm hàng” để cao ngạo khoe cái đồng hồ của mình.
Một chi tiết nữa, chuyện đó xảy ra trong Hội nghị của Bộ Công Thương mà Trịnh Xuân Thanh gọi doanh nhân tầm cỡ kia bằng “mày” và khi xuất hiện vị Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thì ông Thanh bị mắng: “Mày thôi đi!”. Cán bộ tầm cỡ của chúng ta gọi nhau như vậy đấy!
Càng tham nhũng càng có điều kiện để “oai”, từ anh công chức cấp xã đến “cán bộ chiến lược”. Càng xu nịnh cấp trên bao nhiêu thì lại hống hách với cấp dưới và cấp dưới lại “lên mặt” với dân bấy nhiêu. Chấn chỉnh tác phong làm việc, thái độ hành xử chỉ là “nước đổ đầu vịt” đối với những cán bộ loại này!