Nức tiếng một thời với snack cua xanh
Vinabico vốn là một doanh nghiệp chuyên sản xuất bánh kẹo, snack có lịch sử phát triển lâu đời với quy mô lớn đầu tiên tại thị trường miền Nam, thành lập trước khi đất nước hoàn toàn độc lập. So với nhiều thương hiệu có tên tuổi của đất Sài Gòn xưa, Vinabico có thâm niên ngắn hơn vì chỉ mới xây dựng từ năm 1974.
Thế nhưng “con thiên nga trắng Vinabico” vẫn được người ta nhớ vì cái tên doanh nghiệp là “Việt Nam Bánh kẹo Công ty” mà ông Trương Hy – người sáng lập – đặt như sự khẳng định năng lực sản xuất và chất lượng hàng Việt Nam.
Khi ông Hy bàn giao Công ty cho Nhà nước vào năm 1978, đã có ý kiến thay đổi tên công ty. Nếu ông Nguyễn Văn Khá, Giám đốc Công ty lúc đó không cương quyết thuyết phục giữ lại tên thì chưa chắc Công ty phát triển và khi liên doanh với Tập đoàn Kotobuki (Nhật), đối tác buộc phải thừa nhận thương hiệu Vinabico không thể mất trong liên doanh. Từ đây cho đến tận năm 1992, Vinabico trở thành nhà sản xuất chủ lực các sản phẩm bánh kẹo cung cấp cho thị trường cả nước.
Năm 1993, Vinabico hợp tác với Tập đoàn Kotobuki thành lập Công ty Liên doanh Vinabico - Kotobuki nhằm mục đích học hỏi những công nghệ sản xuất và quản lý tiên tiến nhất. Chỉ một thời gian ngắn sau, Liên doanh Vinabico – Kotobuki đưa ra thị trường loại snack đầu tiên được sản xuất tại Việt Nam. Đây chính là loại snack luôn được người tiêu dùng ưa chuộng với tên gọi thân mật "Cua xanh" và được đưa vào danh sách các sản phẩm công nghiệp chủ lực của TP HCM.
Thời kỳ đó, sản phẩm của Vinabico được đánh giá rất cao về hương vị và chất lượng sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn ISO. Tất cả các sản phẩm của hãng từ snack cua đến bánh quy hay bánh trung thu… có mặt rộng khắp ở các siêu thị và tạp hóa bình dân. Những chiếc bánh hình con cua trông rất dễ thương, cắn vào thì có vị giòn giòn, mằn mặn từ lâu đã trở thành một phần ký ức của thế hệ 8x, 9x.
Bánh snack cua xanh của Vinabico giờ chỉ còn trong ký ức thế hệ 7X, 8X? |
Với nguồn lực tích lũy được, năm 2003, Vinabico mua lại phần vốn và công nghệ Nhật Bản trong liên doanh Vinabico – Kotobuki để chuyển đổi thành Công ty Cổ phần Bánh kẹo Vinabico. Đến năm 2006, Vinabico quyết định đầu tư mở rộng bằng việc xây dựng thêm nhà máy mới tại Khu công nghiệp Trảng Bàng.
Suốt 8 năm liền từ 1998 – 2005, Vinabico luôn nằm trong Top Ten ngành bánh kẹo của các cuộc bình chọn Hàng Việt Nam Chất lượng cao. Năm 2005, Vinabico còn là 1 trong 500 thương hiệu nổi tiếng nhất Việt Nam trong cuộc khảo sát người tiêu dùng toàn quốc do Tập đoàn Nghiên cứu Thị trường ACNielsen tổ chức.
Thế nhưng, sau khi cổ phần hóa, do gặp khó khăn trong khâu tiếp nhận công nghệ Nhật cũng như vấn đề nhân lực nên Vinabico dần bị yếu thế và lu mờ so với các sản phẩm ngoại nhập. Snack cua nức tiếng một thời dần vắng bóng trên thị trường bánh kẹo và gần như bị quên lãng.
“Biến mất” theo một kịch bản rất đau lòng
Vào đúng thời điểm này, Công ty Cổ phần Kinh Đô (KDC) đã tiến hành thâu tóm 51% cổ phần của Vinabico tiến tới sở hữu toàn bộ số cổ phần của thương hiệu này. Và chuyện gì đến cũng đến, năm 2015, Kinh Đô đã chính thức xóa bỏ tư cách pháp nhân độc lập của Vinabico, đánh dấu sự trở lại “ngoạn mục” của mình trên thị trường bánh kẹo Việt Nam cùng năm đó.
Các bịch bánh cua xanh tiếp tục được bắt gặp ở các tiệm tạp hóa, trên các trang thương mại điện tử… dù không còn logo con thiên nga trắng ở phía trái bao bì nữa. Tuy nhiên, số lượng này lại không nhiều và hình như cũng chẳng được lòng các bạn nhỏ thế hệ 10x, 11x nữa khi đã có hàng chục thương hiệu ngoại nhập sở hữu bao bì và mẫu mã vô cùng đa dạng, bắt mắt, thu hút hơn trên thị trường như Oishi, Lay’s, O’star, Fritos...
Giờ đây, có lẽ chỉ còn lại những người sinh những năm cuối 8x đầu 9x là còn nhớ rõ hương vị “thần thánh” của snack cua xanh và cảm giác mãn nguyện khi cầm trên tay gói snack của một phần tuổi thơ không thể thiếu với rất nhiều người!
Quay trở lại với việc xóa bỏ tư cách pháp nhân độc lập của Vinabico, Báo cáo tài chính bán niên 2015 hợp nhất sau soát xét của KDC cho biết, ngày 26/2/2015, Vinabico đã được sáp nhập toàn bộ vào Kinh Đô. Sau sáp nhập, Vinabico không còn tư cách pháp nhân độc lập như trước đây. Hiện nay, tra cứu về Công ty Cổ phần Vinabico vẫn có mã số thuế do Cục Thuế TP HCM quản lý nhưng đó là do chưa hoàn thành thủ tục đóng mã số thuế, vì có đính kèm thông tin rằng Công ty đã ngừng hoạt động, ngày đóng cửa là 7/10/2015.
Trước đó, Kinh Đô đã sở hữu 100% vốn của Vinabico từ năm 2013 sau khi KDC phát hành thêm cổ phiếu để hoán đổi toàn bộ cổ phiếu của Vinabico (cổ đông của Vinabico sẽ nhận được một lượng cổ phiếu KDC trên cơ sở tỷ lệ hoán đổi giữa 2 Công ty là 2,2:1, nghĩa là cứ 2,2 cổ phần Vinabico đổi lấy 1 cổ phần KDC) – theo nghị quyết Đại hội cổ đông thường niên 2012. Từ Công ty cổ phần, Vinabico trở thành Công ty TNHH MTV sau khi Kinh Đô thâu tóm. Việc thâu tóm Vinabico khi ấy được đánh dấu là sự quay lại lĩnh vực bánh kẹo của đại gia Kinh Đô lúc bấy giờ - sau thời gian “trầy trật” với các khoản đầu tư ngoài ngành.
Tuy nhiên, việc xóa bỏ tư cách pháp nhân độc lập của Vinabico được cho là một động thái tương đối bất ngờ của Kinh Đô. Sáp nhập Vinabico vào Kinh Đô, tước bỏ tư cách pháp nhân độc lập của công ty này, Kinh Đô ghi nhận gần 37 tỷ đồng giá trị còn lại của lợi thế thương mại, lợi thế quyền thuê đất và các khoản điều chỉnh tăng theo giá trị hợp lý của tài sản xác định tại ngày mua Vinabico trước đây. Số tiền nói trên được ghi nhận vào chi phí quản lý doanh nghiệp trên báo cáo hợp nhất 6 tháng đầu năm 2015.
Nhưng rồi, chính bản thân Kinh Đô cũng “bỏ bê” ngành bánh kẹo khi năm 2014, đã bán đến 80% cổ phần mảng bánh kẹo cho Tập đoàn Mondelẽz International (Mỹ) với giá 370 triệu USD (tương đương 7.846 tỷ đồng tại thời điểm đó). 20% còn lại thì bán vào tháng 8/2016 trị giá 2.000 tỷ đồng.
Như vậy, thương hiệu bánh kẹo nổi tiếng của doanh nghiệp trong nước mang tên Kinh Đô, sở hữu hàng loạt nhãn hàng bánh quy giòn AFC, bánh bông lan Solite, bánh quy Cosy, bánh trung thu... rồi cả thương hiệu Vinabico chính thức thành doanh nghiệp có 100% vốn của nhà đầu tư nước ngoài. Nhà sáng lập thương hiệu Kinh Đô thời đó luôn khẳng định đây là chiến lược kinh doanh mang tính chủ động của doanh nghiệp chứ hoàn toàn không bị nhà đầu tư ngoại thâu tóm như một số nhãn hàng Việt khác. Quả thật, đầu năm 2020, Kido (tên cũ là Kinh Đô) tuyên bố sẽ quay trở lại thị trường bánh kẹo kể từ quý III/2020 với thương hiệu Kingdom.
Còn Mondelēz International tuyên bố đây là khoản đầu tư quan trọng với mục đích nâng vị thế và là chiến lược phát triển quan trọng của Tập đoàn tại khu vực châu Á. Cho đến nay, thương vụ M&A này được coi là có quy mô lớn nhất trong ngành bánh kẹo tại thị trường nội địa và một lần nữa, bánh kẹo nội đã thực sự mất dần nhiều thương hiệu lớn trong “cơn lốc” hội nhập sâu.