Cứu người trong nguy khó không chỉ là bố thí tài
Hoạt động từ thiện, trong nhà Phật còn gọi là bố thí. Thông thường, nhiều người vẫn quan niệm từ bố thí mang ý nghĩa không hay, xem thường đối tượng được cho. Thực chất, bố, nghĩa là bày ra. Thí nghĩa là trao, tặng, cho. Bố thí nghĩa là đem của cải, vật chất hoặc năng lực tự thân trao cho người khác. Mở rộng ra, bố thí không chỉ dừng lại ở việc cho - nhận về vật chất, nó còn được xem như là cách hữu hiệu để đối trị tính tham lam, ích kỉ và thể hiện lòng bác ái, từ bi.
Các hành động bố thí đều được xem là để nuôi dưỡng phúc đức. Trong quan niệm của nhà Phật, việc bố thí, hành thiện sẽ giúp con người tích công đức cho chính mình, cho con cháu, đời này hoặc kiếp sau.
Trong giáo lý nhà Phật, có ba loại bố thí: Bố thí tài, bố thí pháp và bố thí vô úy. Trong đó, bố thí tài bao gồm ngoại thí và nội thí. Ngoại thí, tức tiền bạc, vật chất ngoại thân. Nội thí muốn nói đến việc hiến cơ quan nội tạng để cứu giúp người bệnh. Bố thí pháp là đem những lời dạy quí báu của đức Phật để chỉ bày, khuyên bảo người khác. Hoặc khuyên bảo lời hay, lẽ phải, những chân lý đúng đắn, giúp người khác bỏ dữ theo lành, cải tà quy chính đều là bố thí pháp.
Vô úy là một từ Hán - Việt, có nghĩa là “không sợ”. Bố thí vô úy chính là giúp người khác không còn sợ hãi, âu lo.
Thời điểm dịch bệnh hoành hành, giãn cách xã hội, cả nước đều khó khăn chung, nhiều người nghèo rơi vào cảnh khốn cùng, có không ít những người thiện tâm, đứng ra hành thiện, bố thí.
Có người dùng tiền bạc, của cải bản thân để đóng góp cho quỹ vaccine, đóng góp tài vật cho công tác phòng chống dịch bệnh. Có người đứng ra quyên góp tiền bạc, dùng sức lực bản thân để tổ chức cứu trợ cho đồng bào khu vực phong tỏa, xóm lao động nghèo, giúp cho những mảnh đời bất hạnh. Đó gọi là bố thí tài. Nhưng, giúp người trong nguy khốn không chỉ là bố thí tài, đó còn là bố thí vô úy. Bởi hành động giúp người cao cả ấy kéo người ta ra khỏi khốn cảnh tức thời, khiến người ta tạm thoát khỏi sợ hãi, lo âu về cái đói trước mắt.
Những cán bộ, chiến sĩ trong ngành Y, lực lượng chống dịch, lực lượng điều phối xã hội và cả những sinh viên ngành Y từ Sài Gòn hay các tỉnh khác xung phong vào tâm dịch... Tất cả họ đều đang hành thiện và bố thí vô úy. Bằng năng lực, bằng sức lực và bằng cả sinh mạng của mình, họ cứu giúp người dân đang gặp nạn, đối diện nguy cơ bệnh dịch, họ góp phần ổn định trật tự xã hội. Mỗi một con người, dù là nhỏ bé, cũng đang góp phần vào công cuộc chống dịch, cứu người, giúp đời.
Bố thí như thế nào mới là hành thiện đúng nghĩa?
Tất nhiên, không phải loại bố thí nào cũng mang ý nghĩa hành thiện. Và không phải việc làm từ thiện nào cũng đem lại thiện phước. Giáo lý nhà Phật cũng chỉ rõ, có những điều không nên bố thí, nếu bố thí những điều này, đó là gieo nhân xấu cho chính mình và cho người nhận bố thí.
Việc hành thiện nên xuất phát từ cái tâm trong sáng, với hành vi vui vẻ, khiêm cung. |
Các loại bố thí này gồm có bố thí vì dục vọng như tip tiền cho các cô gái bán hoa; bố thí cho “quỷ thần” như các hành vi đốt vàng mã, thả tiền xuống hồ; trao tặng các loại vũ khí có tính sát thương, có thể hại người; trao tặng quà hối lộ; bố thí trong sự ngờ vực và ghét bỏ, xem thường...
Giáo lý nhà Phật cũng đưa ra lời khuyên cho người hành thiện bố thí, nên tránh những trường hợp như tổ chức quyên góp từ thiện với mục đích không sạch sẽ. Nghĩa là, việc quyên tiền từ thiện xuất phát từ sự tư lợi, mong muốn bỏ túi riêng. Có thể, chỉ một phần nhỏ trong số tiền đến được tay người cần, số còn lại đổ vào “túi tham” của người quyên góp. Làm như thế không chỉ không nhận được phước báu mà còn tạo ra những nhân xấu cho đời này, đời sau.
Thời gian gần đây, một số cá nhân cũng nhân danh làm từ thiện để mưu cầu danh tiếng, như một số doanh nhân, tập đoàn lên báo chí, truyền thông mua đấu giá tài sản để giúp người nghèo, hoặc tuyên bố trao tặng các số tiền lớn cho hoạt động chống dịch, cho người dân. Thực tế, sau khi tuyên bố cho mạnh miệng, được ca ngợi thì họ lẳng lặng không giữ lời hứa hoặc chỉ trao đi một phần nhỏ so với cái đã hứa. Hành vi này, trong giáo lý nhà Phật cũng coi là hành vi không hay, bố thí để đổi lại danh tiếng.
Cạnh đó, bố thí để mong trao đổi về quyền lực, vật chất, bố thí để cầu mong nhận lại nhiều điều khác cũng không phải là bố thí hành thiện chân chính. Trong Kinh Kim Cang, Phật dạy làm việc thiện nhưng không được chấp công, hóa độ mà thấy mình không hóa độ. Nghĩa là khi làm từ thiện phải biết tôn trọng người mình giúp, không có ý coi thường. Khi trao quà, phải hết sức vui vẻ, trân trọng và khiêm hạ.
“Khi mình làm từ thiện, giúp người thì quả báo lành sẽ tới nhưng đừng nghĩ đến, chỉ giúp vì tình yêu thương, trân trọng con người. Khi quả báo tới hãy nguyện với Phật sẽ dùng phước này để hồi hướng cho khắp mọi người, đem phước đó giúp đời, giúp người tiếp. Và phải luôn tranh thủ mọi lúc, mọi nơi để làm phước, một việc thiện nhỏ cũng không được phép bỏ qua”, Thượng toạ Thích Chân Quang chia sẻ.
Những người nhà Phật “nhập thế”
Các nhà sư được gọi là những người “xuất gia”, không màng thế sự, chuyên tâm tu hành theo lời Phật dạy. Nhưng cũng có không ít nhà sư, ngôi chùa, không xa rời thế sự mà phần nào “nhập thế”, không những không làm trái lời Phật dạy mà còn áp dụng đúng đắn giáo lý nhà Phật vào việc hành thiện, giúp người.
Ở TP HCM, nhiều người biết đến sư cô Thích Nữ Huệ Đạo, một sư cô rất nhiệt tình trong các công tác cứu trợ, giúp đỡ người gặp khó khăn. Là trụ trì Ni viện Phước Long, phường Phước Long B, TP Thủ Đức, xuất gia từ năm 16 tuổi, đến nay, sau hơn 30 năm tu hành, không thể kể hết hành trình thiện nguyện của sư cô.
Từ hàng ngàn phần quà cho người dân nghèo hàng năm, hàng chục học bổng cho học sinh nghèo trong nhiều năm liền, các suất ăn miễn phí trên địa bàn, trường mầm non miễn phí, phòng chẩn trị đông y miễn phí... cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Năm 2019 - 2020, sư cô đã vận động đồng bào phật tử đóng góp quỹ “Vì người nghèo” của Mặt trận Tổ quốc tổ chức xây tặng nhà tình thương, tặng học bổng cho các em học sinh nghèo hiếu học; tổ chức thăm, tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng, người cao tuổi neo đơn… tích cực vận động làm công tác từ thiện xã hội tại địa phương và các tỉnh vùng sâu hơn 1,7 tỷ đồng.
Với những đóng góp tích cực cho việc đạo, việc đời, sư cô Thích Nữ Huệ Đạo đã được UBND TP HCM tặng Bằng khen đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” giai đoạn 2000 - 2020 cùng nhiều bằng khen của Ban Tuyên giáo Thành ủy, Hội Liên hiệp Phụ nữ TP HCM...
Khó có thể kể hết những nhà sư đang ngày đêm “nhập thế”, cứu đời. Không ít ngôi chùa trở thành mái ấm nuôi dưỡng trẻ mồ côi, nhiều vị sư kiêm chuyên gia tâm lý giúp người ta gỡ bỏ những vết thương tinh thần. Trong mùa dịch, những ngôi chùa tổ chức nấu ăn, tiếp tế thực phẩm cho người dân nhiều vô kể.
Trong tâm dịch đã có 200 vị tu sĩ, cư sĩ trước khi vào xuất gia là bác sĩ, y sĩ, y tá... đăng ký tham gia công tác tuyến đầu chăm sóc cho các bệnh nhân tại các bệnh viện dã chiến sau lời kêu gọi của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP HCM.
Những ngày tháng qua, có không ít cuộc tranh cãi nổ ra xoay quanh việc làm từ thiện thế nào là đúng, là sai, nên giúp người như thế nào mới hiệu quả. Có lẽ, những giáo lý rất rõ ràng và chuẩn mực của nhà Phật có thể coi là một trong những “kim chỉ nam” dẫn đường cho mỗi người trên con đường hành thiện, cứu giúp mọi người.