Thiện nguyện “Ong chăm” san sẻ khó khăn giữa đại dịch

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - “Các phần quà tuy không lớn nhưng là sự sẻ chia, động viên với các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Chúng tôi mong có thể giúp được họ phần nào để cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh”, chị Phan Vũ Diễm Hằng, Trưởng nhóm thiện nguyện “Ong chăm” chia sẻ khi trao những phần quà hỗ trợ đến người dân TP Hà Nội trong những ngày giãn cách.
Nhóm thiện nguyện “Ong Chăm” trao quà ở quận Thanh Xuân, Hà Nội.
Nhóm thiện nguyện “Ong Chăm” trao quà ở quận Thanh Xuân, Hà Nội.

Mới đây được sự hỗ trợ, giúp đỡ của chính quyền địa phương và Công an quận Thanh Xuân (Hà Nội), nhóm thiện nguyện “Ong Chăm” đã trao tặng 730 suất quà cho những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bị ảnh hưởng do đại dịch COVID-19 đang giãn cách theo Chỉ thị 17 của Chủ tịch UBND TP Hà Nội tại các phường Khương Đình, Hạ Đình, Thanh Xuân Nam, Kim Giang.

Đây là những địa bàn có đông người dân ngoại tỉnh về thuê trọ để đi học, đi làm và không kịp về quê trước khi thành phố áp dụng giãn cách. Đa phần các hộ dân đều không có công việc ổn định và thu nhập bấp bênh nên khi dịch bệnh đến đời sống của họ đã khó khăn, thiếu thốn thì lại chật vật gấp bội.

730 suất quà được trao tặng lần này là tấm lòng, sự chung tay đóng góp của rất nhiều cán bộ nữ hưu trí thuộc “Ong Chăm” và bè bạn, cùng khoản tiền bán các loại nông sản mà một số thành viên trong nhóm trồng được và ủng hộ bằng hiện vật. Thay mặt nhóm “Ong Chăm”, chị Phan Vũ Diễm Hằng, Trưởng nhóm cho rằng: “Các phần quà tuy không lớn nhưng là sự sẻ chia, động viên với các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Chúng tôi mong có thể giúp được họ phần nào, cùng chung sức đẩy lùi dịch bệnh”.

Ông Hà Văn Thắng, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường Thanh Xuân Nam bày tỏ: “Ủy ban MTTQ phường và các gia đình được nhận hỗ trợ rất xúc động trước tấm lòng của nhóm “Ong Chăm. Còn Thiếu tá, nhà văn Phạm Vân Anh, người hành trình cùng nhóm “Ong Chăm” cho biết: “Cho đến hôm nay nhóm đã phát được 1.000 suất quà với tổng số hơn 1 tấn gạo. Ngoài ra còn nhiều thực phẩm, hàng hóa thiết yếu khác cho những hoàn cảnh khó khăn bị tác động của đại dịch COVID-19. “Ong Chăm” đã và đang tiếp tục hành trình bền bỉ, “đôi cánh” chở đầy nhân ái đến với con người”.

Kể từ năm 2015 cho đến nay, nhóm “Ong Chăm” đã có nhiều hoạt động ý nghĩa như quyên góp đồ dùng sinh hoạt, xây trường hay nhận đỡ đầu cho các cháu mồ côi, cơ nhỡ...Việc ra đời của nhóm “Ong Chăm”, hoạt động thiết thực hơn 6 năm qua gắn liền với hành trình bền bỉ của chị Diễm Hằng.

Nhóm “Ong Chăm” luôn lấy hiệu quả và tính bền vững lên trên hết. Thay vì phải tốn tiền, tốn công sức thị sát từng vùng, nhóm đã tổ chức được mạng lưới kết nối từ những người bạn để có thể tìm đến những nơi khó khăn, cần thiết nhất, kể cả nơi xa xôi hẻo lánh. “Ong Chăm” luôn hướng đến việc thúc đẩy chính quyền địa phương, gia đình các em nhỏ cùng tham gia vào các hoạt động.

Phương Lệ Hạnh ở phường Nam Đồng, quận Đống Đa, TP Hà Nội là thành viên tích cực của nhóm “Ong Chăm”. Ngoài ra chị còn là người cùng với Thiếu tá Biên phòng Phạm Vân Anh thành lập nhóm thiện nguyện “Biên cương trong tôi” hướng đến biên giới, hải đảo. Với Phương Lệ Hạnh cũng như các thành viên trong nhóm, làm việc thiện bằng hành động cụ thể, làm không cần nói.

Ít ai biết rằng, cuối năm 2020, khi nhận được thông tin cần người thử nghiệm Vaccine Nanocovax do Công ty Nanogen phát triển ở giai đoạn thử nghiệm lâm sàng, Phương Lệ Hạnh đã đăng ký cho gia đình mình đã tiêm thử nghiệm 2 đợt. Dù mới trong quá trình thử nghiệm nhưng Phương Lệ Hạnh vẫn quyết định tiêm với sự tin tưởng vào nền y học của đất nước, phần vì mong muốn nhanh chóng có được vaccine Made in Việt Nam.

Phương Lệ Hạnh cũng chính là người phụ nữ đầu đăng ký hiến tạng cho phi công người Anh điều trị COVID-19 tại Việt Nam. Trước đó, năm 2012, chị cũng là một trong những người đầu tiên tham gia thử nghiệm vaccine phòng cúm A (H5N1).

Theo Phương Lệ Hạnh, mỗi người dân đều có thể góp một phần nhỏ cho đất nước như việc tham gia các hoạt động thiện nguyện hỗ trợ, chia sẻ với lực lượng chống dịch, chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi đại dịch hay đơn giản là tự giác “Ai ở đâu ở yên đó”. Các y bác sỹ, công an, quân đội… đang ngày đêm căng mình trong các “tâm dịch” vì cuộc sống bình yên, bởi vậy mỗi người dân nên tự giác chấp hành 5K, “ở nhà” vì an toàn cho bản thân, gia đình và cộng đồng?

Đọc thêm