Lần đầu tiên trong đời, tôi được dự một Lễ chào cờ trên đảo. Khi tiếng nhạc Tiến quân ca vang lên, bao nhiêu âm hưởng hùng thiêng sông núi, bao nhiêu khát vọng của lớp lớp thế hệ cha anh về một đất nước hòa bình, thịnh vượng cứ lần lượt hiện ra trước mắt chúng tôi.
Sau 8 ngày đêm lênh đênh trên biển, đảo Trường Sa Lớn đã hiện ra bề thế và vững chãi. Nhưng cũng chính ở nơi này, biết bao anh hùng, liệt sỹ - những người con ưu tú của dân tộc đã kiêu hùng ngã xuống vì sự trường tồn vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.
|
Phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam trên chuyến xuồng ưu tiên đến với Trường Sa |
Đến với Trường Sa, dù là một người lính đã dạn dày sương gió hay một cô gái lần đầu đi biển thì những cảm xúc mãnh liệt vẫn cứ dồn dập ùa về. Giữa Trường Sa Lớn, lá cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió. Xa xa, tàu HQ571 hiện lên nổi bật giữa nền biển, nền trời xanh thẳm. Mười Lời thề Quân đội nhân dân được các cán bộ, chiến sỹ hô vang, khắc ghi sâu vào dòng cảm xúc đang trào dâng của chúng tôi.
Chuẩn đô đốc Đặng Minh Hải, Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng Hải quân cho biết: “Từ sau ngày giải phóng, nhất là những năm gần đây, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành và nhân dân cả nước, huyện đảo Trường Sa đã từng bước đổi thay cả về diện mạo và thế trận, hòa nhập cùng với sự phát triển của đất nước. Đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của quân và dân huyện đảo Trường Sa cũng không ngừng được nâng cao, góp phần để quân và dân huyện đảo Trường Sa ấm lòng hơn, sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn, thử thách, vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió”.
Đến với Trường Sa Lớn, nhìn ánh mắt trong veo trên khuôn mặt cháy nắng của lũ trẻ, mỗi chúng tôi đều vô cùng mừng rỡ. Mừng vì thấy Trường Sa Lớn của chúng ta thực sự bề thế, vững chãi, quân của chúng ta oai hùng, tinh nhuệ, dân của chúng ta kiên trì vượt khó bám biển, đảo quê hương.
Thầy giáo Phạm Trung Việt ngồi nói chuyện với tôi một lúc mà liên tục phải đứng dậy đáp ứng các yêu cầu dễ thương của mấy nhóc học trò. Em thì nhờ thầy buộc lại dây áo vì “dây áo của con tuột rồi thầy ơi!”. Em thì nhờ thầy lấy nước vì “con khát nước thầy ơi!”. Thầy giáo Phạm Trung Việt cho biết, trường có 2 giáo viên với 6 học sinh, trong đó có 4 em lớp 1 và 2 em mẫu giáo. Hai thầy chia nhau vừa dạy, vừa dỗ cho cả 2 lớp. Được cái ở đây lớp học gần nhà nên các em rất hồ hởi tới trường.
Chị Võ Thị Thu Sai thì khoe, nhà chị có hai cháu, cả hai đứa đều đang ở độ tuổi mẫu giáo. “Trộm vía” từ ngày ra Trường Sa, hai cháu nhà chị đều khỏe mạnh hẳn lên. Chị Phạm Thị Như Trinh, mẹ của cháu Nguyễn Phong Đạt, 7 tuổi học lớp 1 và cháu Nguyễn Tấn Phát, 2 tuổi cho biết, anh Nguyễn Phong Danh, chồng chị, là dân quân tự quản, còn chị ở nhà chăm sóc con nhỏ, cuộc sống ở Trường Sa Lớn khá ổn đối với gia đình chị.
Từng hạt cát, nhành cây đều thấm đẫm mồ hôi, xương máu
|
Lễ tưởng niệm các cán bộ, chiến sỹ đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc |
Đến với Trường Sa, bên cạnh niềm tự hào của một người dân đất Việt, mỗi chúng tôi đều lặng đi khi đọc những dòng chữ khắc trên bia mộ các liệt sỹ hy sinh, khi nghe giai điệu Hồn tử sỹ trầm hùng bên Đài tưởng niệm liệt sỹ.
Trên hàng bia mộ liệt sỹ đảo Trường Sa Lớn, tôi đọc được dòng chữ: Liệt sỹ Lê Văn Tuấn, sinh ngày 2/2/1988, mất ngày 26/10/2010, quê quán: Quảng Xương, Thanh Hóa. Còn ở đảo Nam Yết, Liệt sỹ Nguyễn Văn Hà, sinh ngày 10/10/1989, quê quán: Quỳnh Giang, Quỳnh Lưu, Nghệ An đã hy sinh ngày 30/5/2010. Liệt sỹ Lại Huy Công, sinh ngày 19/01/1980, quê quán: Thụy Hưng, Thái Thụy, Thái Bình đã hy sinh ngày 2/2/2012… Các anh đã ra đi ở cái tuổi thanh xuân đẹp nhất của cuộc đời.
Có lẽ, không ai có thể lý giải được thời khắc linh thiêng khi Đoàn công tác số 9 làm Lễ tưởng niệm các cán bộ, chiến sỹ đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. Dưới cái nắng như đổ lửa, Đoàn công tác thành kính đứng trên boong tàu tưởng nhớ các cán bộ, chiến sỹ đã anh dũng hy sinh, nằm lại với biển khơi vì sự bình yên và toàn vẹn chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.
Đang sóng yên, biển lặng, khi tiếng hô “Chuyển bát hương!” vang lên thì cũng là lúc tàu rung lắc mạnh. Ai cũng lặng đi, nhiều người không cầm được nước mắt. Rồi khi vòng hoa mang dòng chữ “Đời đời nhớ ơn các anh hùng liệt sỹ!” được thả xuống biển, cũng là lúc sóng trở lại hiền hòa. Đã chứng kiến những thời khắc linh thiêng trên biển cả, các thủy thủ Tàu HQ 571 gọi đó là sự “thông linh” giữa những người lính biển.
|
Thả hoa tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh trên quần đảo Trường Sa. |
Chuẩn đô đốc Đặng Minh Hải xúc động cho biết: “Quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa là một phần lãnh thổ thiêng liêng không thể tách rời của Tổ quốc Việt Nam. Mỗi tảng san hô, từng hạt cát, nhành cây, ngọn cỏ nơi đây đều mang hình hài của hồn thiêng sông núi, thấm đẫm bao mồ hôi, xương máu của các thế hệ người con đất Việt”.
Chúng tôi hiểu, hai tiếng “Chủ quyền” biển, đảo thiêng liêng đã được lớp lớp thế hệ người Việt bảo vệ bằng máu xương, bằng chân lý. Và chân lý ấy sẽ không bao giờ thay đổi.