Trong cuộc chiến tại Vùng biển Cô Lin - Gạc Ma (thuộc cụm đảo Sinh Tồn, quần đảo Trường Sa) năm 1988, 74 cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đã hy sinh, mất tích, trong đó có hàng chục người con ở Đà Nẵng, Quảng Nam.
Khi tiếp xúc được những gia đình có người con hy sinh, mất tích tại vùng biển Trường Sa ngày ấy, được chứng kiến những kỷ vật thấm đẫm tình ruột thịt thiêng liêng, tình yêu Tổ quốc và trên hết, chúng tôi càng hiểu thêm chân lý: Trường Sa mãi là một phần trong máu thịt của người con đất Việt.
Nỗi đau khôn nguôi
Lịch sử ghi lại, vào tháng 3/1988, tàu chiến đấu và lính thủy Trung Quốc đã bất ngờ tấn công các tàu vận tải của ta đang làm nhiệm vụ tại vùng biển Cô Lin – Gạc Ma (thuộc quần đảo Trường Sa). Lúc này tàu chỉ huy là chiếc HQ604 do đồng chí Vũ Phi Trừ làm thuyền trưởng đã cho phóng loa, nói tiếng Tàu với các lực lượng vũ trang Trung Quốc đang tràn lên bãi:
“Đây là đảo chủ quyền của VN, yêu cầu các đồng chí thuộc quân đội Nhân Dân Trung Quốc phải rời đảo” “Các đồng chí đã xâm phạm lãnh thổ VN”. Nhưng, dã man và điên cuồng, lính thủy Trung Quốc đã bắn chìm tàu vận tải của ta, dùng pháo hạng nặng trên tàu và các loại vũ khí bộ binh khác bắn lên bãi cạn Gạc Ma, nơi có hơn 100 cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đang làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền và xây dựng đảo. Những chiến sĩ này, đại đa số đều không thể chống cự được và bị thương vong bởi không có vũ khí và do tương quan lực lượng.
Đến thời điểm này, hoàn cảnh hy sinh của những chiến sĩ Hải quân Việt Nam trên vùng biển Cô Lin-Gạc Ma cũng đã được cả thế giới biết đến qua những thước phim mới được công bố. Những thước phim xác thực đã nói lên ý chí, sự dũng cảm, kiên trung của những người tay không giữ đảo…
Theo con số chính thức mà Nhà nước ta (thời điểm 1988) đưa ra, trong ngày 14/3/1988, đã có 74 cán bộ, chiến sĩ Hải quân ta hy sinh và bị mất tích. Sau thời điểm này, Trung Quốc đã trao trả cho ta 9 cán bộ-chiến sĩ mà phía nước này bắt sống làm tù binh.
Tháng 8/2008, ngư dân đã đưa lên được 4 bộ hài cốt liệt sĩ từ xác tàu HQ 604. Việc tìm kiếm các anh vẫn đang được tiếp tục. Như vậy, tới nay, vẫn còn hơn 60 hài cốt bộ đội ta đang nằm sâu dưới lòng biển Cô Lin- Gạc Ma.
Tự hào về con
Lần theo danh sách được đăng tải trên báo Nhân dân năm 1988, chúng tôi đã tìm về nhà liệt sĩ (LS) Nguyễn Bá Cường (số18 trong thứ tự danh sách) quê Thanh Quýt, Điện Thắng Trung, Điện Bàn, Quảng Nam.
Mẹ Ngò không nén nổi xúc động khi nói về con |
Hỏi mẹ Nguyễn Thị Ngò (80 tuổi, mẹ của LS. Nguyễn Bá Cường) hẳn không ai không biết, nhiều người còn tình nguyện dẫn chúng tôi đến tận nơi.
Trong căn nhà tình nghĩa, mẹ Ngò sống một mình với những kỷ vật mà cậu con trai của mẹ đã để lại. Mẹ khoe: đây là cái chứng minh thư mà ngày ra đi anh Cường (SN 8/6/1962) để lại khi mới tròn 26 tuổi, nhiều mẫu giấy viết tay xin đi học tập tại nước ngoài, đơn xét ưu tiên… đã hoen ố màu thời gian.
Mẹ Ngò có 3 người con: Nguyễn Bá Hùng (1958), tham gia bộ đội, rồi chiến trường Campuchia, hiện là thương binh đang sống tại Đà Nẵng; Nguyễn Bá Xuân (1950) cũng tham gia du kích ở cơ sở, nay cũng là thương binh đang sống tại Đà Nẵng và LS. Nguyễn Bá Cường- con út.
Dù tuổi cao, song mẹ Ngò khá minh mẫn, khi nhắc đến anh Cường, bà không quên nhờ đứa cháu sống ở cạnh bên sang mang hộ bà chiếc hòm gỗ đặt trên trần nhà, nơi chứa đựng những kỷ vật về anh Cường. Mẹ kể, năm 1985, anh Cường tham gia lữ đoàn Bộ binh 173 (QK5), năm 1986, anh Cường theo học Học viện Hải quân (Nha Trang). Đến tháng 1/1988, anh Cường xung phong đi hoa tiêu, chuyển vật liệu ra đảo để xây dựng Trường Sa.
Mẹ tâm tình: “Tinh thần thép hình như đã có trong nó (anh Cường) từ nhỏ. Ngày bé, cả nhà nuôi cách mạng (Điện Bàn nỗi tiếng là cái nôi cách mạng của cả nước), lính ngụy đánh hơi lùng sục vào. Thằng Cường lúc này mới 11 tuổi, nhưng đã mạnh dạn, xung phong vào nhà, rót nước, tiếp đãi “khách” để “câu giờ”, giúp người lớn có thời gian tính toán phương án đối phó.
Cũng chính nhờ Cường nhanh trí mà 73 cán bộ du kích đang nằm trong hầm nhà được cứu sống. Rồi đến cái năm 1988 định mệnh, dù biết con đi là mười mươi nguy hiểm đến bản thân, nhưng con quyết tâm, nên mẹ cũng rất ủng hộ và tin tưởng, bởi Nhà nước cho con học, thi khi Tổ quốc cần, con phải phục vụ. Mẹ chỉ đau lòng khi nó là một đứa lanh lẹ, chết khi tuổi đời con quá trẻ”.
“Vào một buổi chiều tháng 3/988, tôi cùng cả nhà đã sững sờ khi nghe cô phát thanh viên Đài Tiếng nói Việt Nam đọc chậm những cán bộ - chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam hy sinh và mất tích trong khi bảo vệ chủ quyền Tổ quốc tại vùng biển Cô Lin - Gạc Ma.
"Không thể diễn tả cảm xúc lúc ấy, chỉ biết rằng, đến bây giờ hình như vẫn còn nguyên chúng tôi: Uất ức. Bức bối. Đau đến buốt lòng, như thể có tảng đá đang đè trên ngực…", ông Trần Huỷnh (90 tuổi), trú Hòa Cường, Đà Nẵng, cha của LS Trần Tài (SN 1970), số thứ tự 71 trong danh sách), nghẹn ngào kể cho chúng tôi nghe về câu con trai út chưa tròn 18 tuổi đã hi sinh của mình.
Ông Huỷnh cũng có 2 cậu con trai nữa tham gia cách mạng, nay đang công tác tại Đà Nẵng. Tuy nhiên, cậu út đang tuổi mới lớn, ham mê văn nghệ luôn khiến cả nhà lo hơn cả. Để rèn luyện, ông Huỷnh cho con đi nhập ngũ, tham gia bộ đội Hải quân được một năm, rồi con xung phong tham gia vận chuyển vật liệu đi xây dựng Trường Sa.
Ông Huỷnh tự hào lắm, vì cả nhà theo cách mạng, nay cậu Út đã biết làm rạng danh cho gia đình, biết nghĩ đến đất nước. “Sau cái Tết năm 1988, nhà nhà vui vầy tiễn nó đi, rồi từ đó, không ai còn nhìn thấy mặt nó. Mẹ nó, dù luôn tự hào vì con, song cũng không nén được nỗi đau, nghe tin con chết, mà mất trí nhớ và cũng đã chết theo con".
Còn nhiều gia đình khác mà chúng tôi đã được gặp như gia đình của LS Trương Quốc Hùng, Nguyễn Phú Đoàn, Phạm Văn Sửu, Lê Văn Xanh, Lê Thế (nguyên quán Đà Nẵng) đều hy sinh khi tuổi đời còn khá trẻ. Người thân luôn tự hào vì đã có người người con, người em, anh… như các anh đã xả thân vì Tổ quốc.
Họ cũng hy vọng có thể tìm được hài cốt để nguôi ngoai bớt nỗi đau và an ủi linh hồn người đã mất. Có lẽ, đây là lần đầu tiên trong đời phóng viên, chúng tôi giương máy ảnh mà mắt nhòe ướt. Chúng tôi hiểu rằng, gương của các anh luôn để chúng ta “soi mình”, để sống cho tốt hơn, sống có ý nghĩa hơn…
Còn mãi với Trường Sa
Trong căn nhà 166 Núi Thành, ông Huỷnh cùng các con vẫn ghi lại đầy đủ những sự kiện đã diễn ra trong chiến dịch CQ-88 (bảo vệ chủ quyền năm 1988) và mãi mãi ghi tạc tên tuổi của 74 cán bộ, chiến sĩ hy sinh và mất tích khi làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền trên vùng biển Cô Lin - Gạc Ma.
Theo ông Huỷnh, thông tin danh sách trên cũng như diễn biến vụ việc ông lấy từ nguồn Hải quân Việt Nam lúc bấy giờ, rồi từ đó, ông lưu giữ giống như một kỷ vật, để sau này, con cháu còn biết đến.
Ông Huỷnh bên di ảnh của con. |
Tương tự như ông Huỷnh, anh Nguyễn Bá Thảo (cháu của LS Cường) đã sưu tầm toàn bộ tư liệu về cuộc chiến, lưu giữ thư thừ, những trang thơ của người khác viết tặng mẹ Ngò, hay chính những bài báo viết về các anh… Cũng chính nhờ anh Thảo mà những người công tác trong hoạt động “vì quê hương biển đảo”, web Hoàng Sa có được nhiều nguồn tư liệu quý giá.
Anh Thảo tâm sự: “Chiến tranh đã qua đi, đất nước đã hòa bình thống nhất, nhưng Tổ quốc vẫn chưa được toàn vẹn. Vẫn còn đó hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa chưa được bình yên trong vòng tay mẹ Việt Nam thân yêu. Tham vọng bá quyền của Trung Quốc đã chiếm lấy Hoàng Sa của Việt Nam từ những năm của thế kỷ trước, và đang lăm le xâm chiếm quần đảo Trường Sa.
Những người con trung kiên của Tổ quốc vẫn đang ngày đêm canh giữ quần đảo thân yêu này với tinh thần: “Trường Sa vì cả nước - Cả nước vì Trường Sa”. Vì vậy, chúng ta cần tưởng nhớ những người đã khuất, đã bị thương trong cuộc chiến bằng lòng biết ơn, sự kính trọng lớn lao và bằng chính những hành động nhỏ nhoi của mình”.
Vũ Vân Anh