Nó sinh con được không, sinh lành lặn không?
Đó là câu hỏi mà tất cả các nhà trai đều hỏi khi con/cháu trai họ ngỏ lời muốn kết hôn với một phụ nữ khuyết tật.
Có mối tình sâu đậm 2 năm nhưng chị P.T.Th. một phụ nữ khuyết tật 26 tuổi sống ở TP.HCMđành bỏ cuộc trước sự phản đối dai dẳng của gia đình bạn trai. Chị P.T.Th. bị sốt bại liệt từ nhỏ, cơ toàn thân rất yếu, phải di chuyển bằng cặp nạng. Dù cố gắng học hành, tốt nghiệp đại học và có công việc ổn định ở thành phố nhưng khi cùng bạn trai về ra mắt gia đình thì bị ngăn cản quyết liệt.
Lý do là bạn trai Th. là con một, có trách nhiệm phải nối dõi tông đường, cưới chị chỉ sợ không đẻ được, hoặc đẻ con cũng khuyết tật như mẹ. Ban đầu người yêu chị rất kiên tâm, bỏ nhiều công sức thuyết phục gia đình. Nhưng cuối cùng cả hai người đều phải bỏ cuộc, chia tay nhau.
Câu chuyện này được bà Võ Thị Hoàng Yến - Trung tâm Khuyết tật & Phát triển (DRD) làm dẫn chứng khi nói về sự thiệt thòi của phụ nữ khuyết tật trong tình yêu, hôn nhân. Theo bà Hoàng Yến trong hơn 10 năm làm việc với rất nhiều nhóm khuyết tật ở khắp các tỉnh thành, bà nhận thấy người khuyết tật có được gia đình riêng cho mình rất hiếm hoi, phụ nữ khuyết tật lập gia đình càng hiếm hơn, cứ 4 nam giới khuyết tật có gia đình thì mới có 1 phụ nữ khuyết tật có tổ ấm cho riêng mình.
Với phụ nữ khuyết tật ở nông thôn, họ thường chấp nhận lấy người đàn ông từng ly dị, vợ mất, hoặc nghiện ngập, vô công rồi nghề. Nếu không dám lấy, họ cũng không dám làm mẹ đơn thân. Ở khu vực thành thị, cuộc sống và công việc có nhiều cơ hội hơn, nhưng mặc cảm vẫn còn đó, nên không nhiều người phụ nữ khuyết tật chấp nhận làm mẹ đơn thân, chấp nhận sống với định kiến từ gia đình, xã hội.
Thực trạng này cũng đã được Viện Nghiên cứu phát triển xã hội chứng minh khi từng khảo sát vào năm 2008 và cho thấy kết quả, phụ nữ khuyết tậtkhó kết hôn hơn hơn nam giới gấp 3 lần. Tại Thái Bình có đến 80% phụ nữ khuyết tật không kết hôn, trong khi đó ở nam giới chỉ là 30%.
Tại Quảng Nam, Đà Nẵng và nhiều tỉnh thành khác, tỷ lệ phụ nữ khuyết tật không kết hôn đều trên dưới 60%. Theo bà Hoàng Yến, không phải phụ nữ khuyết tật không muốn lập gia đình mà do những quan niệm xã hội bất bình đẳng khiến cơ hội được lập gia đình đối với họ quá nhỏ nhoi.
Bên cạnh đó, nguyên nhân quan trọng khác cản trở phụ nữ khuyết tậttiến tới hôn nhân là kinh tế. Vì bản thân khuyết tật nên hầu hết phụ nữ khuyết tật không có điều kiện kinh tế cao. Mà khi lập gia đình, ai cũng phải tính đến điều kiện kinh tế để lo cho gia đình…
Phụ nữ khuyết tật chỉ dám chọn nghề để sống qua ngày
Đó là nhận định được đưa ra tại buổi tọa đàm “Cơ hội việc làm cho phụ nữ khuyết tật và bình đẳng giới tại nơi làm việc” do Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức cách đây không lâu.
Theo đó, Việt Nam là nước có người khuyết tật đứng thứ 4 trong số các nước khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Đa số người khuyết tật có trình độ văn hoá thấp và chưa qua đào tạo nghề. Tỉ lệ lao động là phụ nữ khuyết tật từng làm việc và có việc làm thấp hơn so với nam.
Cần có những chính sách không khuyết để đảm bảo chất lượng sống của phụ nữ khuyết tật không bị đi xuống. |
Theo Trung tâm Khuyết tật và phát triển DRD thì nguyên nhân của tình trạng trên do thiếu sự phục hồi và dụng cụ, các rào cản tâm lý, các rào cản do nhận thức, quan niệm chưa đúng về giới trong học tập lẫn việc làm. Ví dụ, cha mẹ sẽ hướng các em nữ khuyết tật chọn những nghề như thêu, ren, may... để có nghề sống qua ngày, mà không chú trọng phát triển nghề nghiệp hay các vấn đề khác.
Mặt khác, doanh nghiệp nhận thức chưa đúng về khả năng lao động của phụ nữ khuyết tật, vì họ không hiểu rõ về các dạng tật và mức độ tật. Nhiều doanh nghiệp cho rằng hiệu suất công việc và chi phí thuê lao động là người khuyết tật cao hơn, năng suất làm việc thấp hơn so với lao động bình thường.
Ngoài ra, người khuyết tật thường làm việc không đạt yêu cầu và hay gây ra hậu quả hay tai nạn vì họ đi đứng khó khăn. Công việc dành cho lao động người khuyết tật chưa nhiều, không đa dạng khi nhận vào, doanh nghiệp sa thải rất ngại vì thấy có lỗi.
Trong khi đó, theo quan điểm của ILO thì việc làm là điều kiện quan trọng để phụ nữ khuyết tật hòa nhập. “Đi làm, có công việc là cách hòa nhập vào xã hội nhanh nhất, khẳng định giá trị bản thân tốt đối với phụ nữ khuyết tật”, theo bà Nguyễn Quỳnh Trang - Điều phối viên của tổ chức ILO.
Một quan điểm khác từ ông Trịnh Anh Tuấn - Trung tâm Dạy nghề cho người khuyết tật và trẻ mồ côi TPHCM cũng cho thấy nếu muốn có việc làm, có chỗ đứng bình đẳng trong xã hội, phải giáo dục và đào tạo để cho người khuyết tật nói chung, phụ nữ khuyết tật nói riêng có một nghề nghiệp mà xã hội đang cần, càng tinh xảo càng tốt, và một sự hiểu biết nhất định để có thể tự tin hòa nhập, tự tin làm việc, từ đó mới nói đến việc tạo sự bình đẳng cho họ trong xã hội và trong môi trường mà họ đang sống.
Đừng để khuyết chính sách cho nữ khuyết tật
Cả nước hiện có khoảng 6,2 triệu người khuyết tật, trong đó khoảng 3,5 triệu phụ nữ khuyết tật. Quỹ dân số của Liên hợp quốc (UNFPA) ước tính, người khuyết tật gặp khó khăn cao gấp ba lần so với người không khuyết tật, phụ nữ khuyết tật gặp khó khăn và có nguy cơ trở thành nạn nhân của bạo lực giới cao gấp ba lần so nam giới khuyết tật.
Ðây là những đối tượng phải chịu sự phân biệt đối xử “kép” vì lý do khuyết tật và lý do về giới. Do đó, họ cần được bảo vệ và hỗ trợ kịp thời nhằm bảo đảm các quyền con người cơ bản.
Về vấn đề việc làm cho phụ nữ khuyết tật, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai - Hiệp hội Dệt may Việt Nam đưa ra đề nghị cần nhấn mạnh vai trò của công đoàn phối hợp cùng các tổ chức xã hội, các cơ sở đào tạo nghề đưa người lao động khuyết tật về làm việc tại các doanh nghiệp, hỗ trợ họ tại doanh nghiệp.
Song song đó, các hiệp hội ngành nghề cần thúc đẩy việc làm bình đẳng cho người khuyết tật, vận động các doanh nghiệp nhận người khuyết tật vào làm việc, vì mặt mạnh của họ là rất chăm chỉ, chịu khó. Các hiệp hội cần vận động chính sách cho doanh nghiệp khi có tỉ lệ người khuyết tậtcao (chính sách thuế, giảm thuế trong các doanh nghiệp có đông lao động nữ khuyết tật). Vận động các nhãn hàng, các nhà buôn trên thế giới ưu tiên đặt hàng tại các doanh nghiệp có đông lao động nữ khuyết tật.
Theo một số liệu mới công bố gần đây của Quỹ Dân số của Liên Hợp quốc (UNFPA), ở Việt Nam cứ 10 phụ nữ khuyết tật, thì có 4 người từng bị ít nhất một hình thức bạo lực tình dục. Ðộ tuổi lần đầu bị các hành vi bạo lực tình dục trung bình trong khoảng 24 - 33 tuổi.
Có những phụ nữ khuyết tật bị bạo lực tình dục lần đầu từ năm 9 tuổi, cao nhất là hơn 50 tuổi. Nhóm khuyết tật vận động, thần kinh/tâm thần và khuyết tật trí tuệ có tỷ lệ bị quấy rối, lạm dụng và bạo lực tình dục tương đối cao, chiếm hơn 35%.
Nhiều phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật bị bạo lực tình dục nhưng không nhận thức được mình bị bạo lực tình dục và không dám lên tiếng. Do tâm lý mặc cảm, tự ti, một số người chỉ biết chia sẻ với người thân trong gia đình mà không dám chia sẻ với các cơ quan chức năng liên quan. Ðôi khi, họ chấp nhận bởi không có khả năng chống cự, trốn thoát hoặc có tâm lý là nếu có tố cáo thì thủ tục cũng phức tạp, nhiêu khê do các biện pháp can thiệp và dịch vụ hỗ trợ nạn nhân đang có nhiều rào cản.
Ðể xây dựng được không gian an toàn cho phụ nữ, trẻ em gái nói chung, phụ nữ, trẻ em gái khuyết tật nói riêng nhằm chia sẻ những thiệt thòi đối với đối tượng yếu thế “kép”, thời gian tới, nhiều chuyên gia xã hội và pháp lý cho rằng, các cơ quan chức năng cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, sửa đổi các quy định luật pháp chính sách liên quan đến bảo vệ phụ nữ khuyết tật như hoàn thiện pháp luật về phòng, chống xâm hại tình dục đối với phụ nữ, trẻ em nói chung và phụ nữ, trẻ em khuyết tật nói riêng; bổ sung quy định về các thủ tục điều tra thân thiện nhằm bảo vệ phụ nữ khuyết tật.
Bên cạnh đó, cần nghiên cứu sửa đổi bổ sung các chế tài xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ thể có hành vi bạo lực tình dục chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự theo hướng bổ sung những chế tài còn thiếu; tăng mức xử phạt đối với một số hành vi, quy định riêng chế tài hành chính đối với chủ thể có hành vi bạo lực tình dục. Ngành LĐ-TB&XH cần bổ sung các chính sách hỗ trợ đặc biệt đối với người khuyết tật là nạn nhân của bạo lực tình dục…