Thiếu nữ duy nhất lịch sử Việt Nam một mình tiến cung vua

(PLO) - Từ nhiều năm nay, quanh câu chuyện về cuộc hôn nhân của vị vua cuối cùng của Việt Nam với hoàng hậu Nam Phương, rất nhiều tài liệu, đồn đoán được đưa ra. Có người cho rằng hai người tình cờ quen nhau trên một chuyến tàu khi đi du học từ Pháp về nước, có người cho rằng đây là một cuộc hôn nhân sắp đặt của người Pháp… Tuy nhiên, theo hồi ký của Bảo Đại, những nghi vấn trên đều là đồn đoán không có thực. 
Cô dâu ôm hoa khi gặp đoàn nhà trai đi đón dâu trên đèo Hải Vân (bên trái là Bà hoàng vợ Hoàng tử Bửu Liêm)
Cô dâu ôm hoa khi gặp đoàn nhà trai đi đón dâu trên đèo Hải Vân (bên trái là Bà hoàng vợ Hoàng tử Bửu Liêm)

Chuyện tình dẫn đến hôn nhân của một vị vua, người được gọi là “thiên tử”, có khác gì so với người thường. Nói về việc lấy vợ, ông Bảo Đại cho hay: “Một biến cố khác lại xảy ra, làm cho cuộc đời tôi có sự thay đổi quan trọng”.

“Tình cảm êm dịu”

“Số là khi tôi từ Pháp trở về, đã có tiếng xì xầm trong hoàng cung để tuyển hoàng hậu cho tôi. Đức Thái hậu cũng như các vị Thượng quan trong triều ai nấy đều có sẵn người mình để tiến cung. Nhiều lần, tôi đã nhận thấy có sự sóng gió xa xôi nhưng tôi không để ý mấy. Biết rằng, vấn đề này việc lựa chọn của Vua chỉ có thể dựa vào đề nghị của Triều đình, tôi đợi người ta cho những đề nghị rõ ràng. 

Ngược lại, như tôi đã từng nói, tôi đã quyết định phá tan chế độ đa thê đang thịnh hành ở Việt Nam. Khi đề cử tôi lên làm Đông Cung Thái tử, không có gì khó khăn vì tôi là con trai độc nhất vô nhị của cha, nhưng tôi từng biết có nhiều tấn bi kịch đẫm máu xảy ra, giữa anh em ruột hay anh em khác mẹ mà tôi muốn tránh vết xe đổ ấy.

Hai cụ Charles (cha mẹ nuôi Bảo Đại thời gian du học tại Pháp – NV) cũng rất quan tâm tìm cho tôi một người vợ. Họ mong rằng, vị hoàng hậu cũng có một nền học vấn như tôi.

Vua Bảo Đại trong đám cưới
 Vua Bảo Đại trong đám cưới  

Vì vậy, nhân dịp cuối năm, tôi đi nghỉ mát ở Đà Lại vài ngày, con gái của quan Toàn quyền Pierre Pasquier cũng nghỉ mát ở đó. Tại khách sạn Lang Bian đại sảnh đường, Quan Toàn quyền có giới thiệu tôi với một thiếu nữ Việt Nam đi cùng, đó là cô Marie Therese Nguyễn Hữu Hào, con gái nhà điền chủ Nguyễn Hào. Theo đạo Công giáo, cô này 18 tuổi, vừa mãn khóa ở Couvent des Oiseaux ở Pháp.

Sau lần gặp gỡ đầu tiên ấy, thường thường chúng tôi gặp lại nhau một cách bất ngờ. Marie Therese rất thích thú ngày du học ở Pháp. Cũng như tôi, cô rất yêu âm nhạc và các môn thể thao. Cô có vẻ đẹp yểu điệu của người miền Nam.

Trong triều đại của chúng tôi, khi tìm kiếm người vợ cho vua, hướng nhiều vào con gái miền Nam. Bởi vì đối với người Trung hay người Bắc kỳ, Nam kỳ vẫn được ít nhiều người coi như “đất hứa”. Sau vài lần trò chuyện, một tình cảm êm dịu đã nảy nở ra giữa chúng tôi và tôi hứa hẹn sẽ gặp lại nhau.

Triều đình bỡ ngỡ

Khi trở về Huế, tôi có kể lại cho mẫu thân tôi chuyện này và ý định của tôi. Bà không mấy hoan nghênh, khi biết cô theo đạo Công giáo và cũng Tây học như tôi. Bà muốn rằng tôi nên lấy người vợ biết tôn cổ, biết đạo tam tòng tứ đức. Mặc khác, bà cũng quan tâm việc giáo dục con cái theo đạo Thiên chúa.

Nhà gái tới Huế
 Nhà gái tới Huế

Thế nhưng đây không phải vấn đề hoàn toàn tôn giáo, mà là một vấn đề quốc gia. Bởi vì, nếu trẻ con sanh ra do cuộc hôn nhân này, lại theo đạo Công giáo, thì nay mai đây, người kế vị lên làm vua, làm sao có thể phụng thờ tôn miếu và làm lễ Tế Nam Giao?. 

Triều đình cũng rất bỡ ngỡ. Các vị Tứ trụ triều đình bàn cãi rất sôi nổi. Lần gặp gỡ về sau, với cô Marie Therese, tôi ngỏ ý muốn lấy cô, tôi quyết định bất chấp cái thủ tục cổ lỗ kia và sẽ báo cho triều đình biết ý định này.

Ngày cưới là ngày 20/3/1934. Đám cưới được cử hành trước triều đình và các đại diện của Pháp. Đó là một vấn đề mới mẻ, vì từ xưa đến nay chưa bao giờ như vậy. Tôi cũng có quyết định tấn phong ngay vợ tôi, tước hiệu là Hoàng hậu, sau khi cưới, điều mà từ xưa mẫu thân tôi chỉ được phong sau khi phụ hoàng đã chết.

Tôi tấn phong cho vợ tôi là Nam Phương Hoàng hậu, nghĩa là “hương thơm của miền Nam”, đồng thời cũng theo một sắc dụ, tôi cho phép Hoàng hậu được mặc áo màu vàng da cam, vốn chỉ dành riêng cho Hoàng đế.

Lễ tấn phong được cử hành ngay điện Cần Chánh, là nơi vẫn dùng để thiết đại triều. Trước sân chầu có trải thảm đỏ và vàng, vẫn dùng để Hoàng đế bước lên. Các quan triều thần đều tập họp đủ mặt. Hoàng hậu mặc trào phục màu vàng, đầu đội mũ kết trân châu bảo ngọc, đi hia mũi nhọn, tay cầm hốt ngà, từ từ tiến vào, qua hai hàng quan triều thần chào đón, để tiến tới trước ngai, tôi đang ngồi đợi. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử nước tôi, một thiếu nữ đã một mình tiến cung vua như vậy.

Khi đến trước mặt tôi, Hoàng hậu khấn đầu làm lễ vái ba vái rồi ngồi sang bên phải tôi, trên chiếc ngai vàng thấp hơn. Lễ tấn phong hoàn tất rất nhanh chóng. Tôi đưa Hoàng hậu về điện Kiến Trung và ở đấy với tôi.

Đến chiều, Hoàng hậu tới triều khiến Đức Hoàng thái hậu. Đức bà rất hoan hỉ và tiếp đón niềm nở. Một kim sách được lập cho Hoàng hậu và sắc chỉ tấn phong được đem ra niêm yết.

Chú rể (trái) và cô dâu (phải)
Chú rể (trái) và cô dâu (phải)

Trước khi lấy vợ, tôi đã cho sửa chữa lại điện Kiến Trung cổ kính thành cung điện tối tân, đầy đủ tiện nghi. Đây là ngôi nhà được trang bị kiểu Âu châu, có nhiều phòng ngủ, một buồng ăn và phòng làm việc. Theo sự yêu cầu của tôi, Hoàng hậu sẽ phụ trách các vấn đề xã hội. Sau khi xem xét các phòng ốc, Hoàng hậu tỏ ra rất thích thú về sự sắp xếp này. Thường xuyên, chúng tôi ở đấy, vì chưa có biệt điện riêng. Chúng tôi liền cho xây một cung điện ở Đà Lạt.

Nói về vấn đề tín ngưỡng tôn giáo trong triều Nguyễn, ông Bảo Đại hồi ức: “Cha tôi, Hoàng đế Khải Định theo đạo Phật, nhưng trong cung điện, ngài không được tỏ ra là theo Phật giáo. Để có thể thờ Phật, ngài phải cho xây riêng một ngôi chùa, ở ngoài hoàng cung, nơi có cung điện mùa hè của người. Các nhà sư không bao giờ được vào cung, và riêng tôi, tôi chưa bao giờ có liên lạc gì với họ. 

Trong cung điện nhà vua, chỉ có một vị Thánh: Đó là Thiên tử, tức là con của Ngọc hoàng Thượng đế.

Trong lịch sử nước tôi, thường có sự lẫn lộn giữa quyền năng chính trị và quyền năng tôn giáo. Những sự lẫn lộn đó được tập trung cả vào bản thân của Hoàng đế vừa là con trời vừa là đại giáo chủ, vì tính cách thiêng liêng Hoàng đế giữ tất cả mọi quyền năng tối thượng của thế gian.

Đối với dân chúng Việt Nam thời phong kiến cũng như đối với vua, Trời là bậc chí tôn, độc nhất vô nhị, không hình hài. Người ta khấn vái, nguyện cầu, vì tất cả đều nằm trong tay ngài. Ngài là đấng tạo hóa, bất diệt và thuần nhất.

Tinh thần của nước tôi là tinh thần bất di bất dịch từ ngàn xưa cũ, lấy đạo hiếu trung làm căn bản, và nằm trong cái họi là đạo trung dung của Khổng phu Tử. Được gọt dũa trong nền triết học ấy, chúng tôi thấy dính liền vào với tổ tiên. Thờ cúng tổ tiên là tập quán thiêng liêng, ăn sâu bắt rễ ngày trong tâm khảm mình, và được biểu lộ ra trong những ngày giỗ tết hay đình đám hội hè”.

Đọc thêm