Thiếu quy định bồi thường thiệt hại do xâm phạm đời tư

(PLVN) - Trong khi hệ thống pháp luật bảo vệ quyền riêng tư của con người đang dần hoàn thiện, thì dường như quy định pháp luật về bồi thường thiệt hại do xâm phạm đời sống riêng tư lại vẫn là “khoảng trống”.
Ảnh minh họa nguồn Internet
Ảnh minh họa nguồn Internet

Trong bối cảnh các phương tiện thông tin trên nền tảng Internet hiện nay, mức độ nghiêm trọng của các hành vi vi phạm quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình lớn hơn rất nhiều do sự lan tỏa nhanh và rộng hơn. 

Nhận diện hành vi xâm phạm 

Quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình (gọi chung là bí mật đời tư, quyền riêng tư) là một trong những quyền cơ bản quan trọng nhất của con người được Hiến pháp năm 2013 ghi nhận. Năm 2015, Bộ luật Dân sự (BLDS) 2015 với nhiều thay đổi, trong đó có sửa đổi về quyền bí mật đời tư trước đây trong Luật Dân sự 2005, cụ thể Điều 38 BLDS 2015 quy định rằng: "Quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình".

 Pháp luật Việt Nam căn cứ vào các Công ước quốc tế về quyền con người, đều có quy định bảo vệ quyền về đời sống riêng tư và các biện pháp chế tài đối với hành vi xâm phạm quyền về đời sống riêng tư như Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật Báo chí, Luật Tố tụng Hình sự, Luật Tố tụng Dân sự, Luật Hôn nhân và Gia đình…

Quyền riêng tư được hiểu là không ai phải chịu can thiệp một cách tùy tiện vào cuộc sống riêng tư, gia đình, nơi ở hoặc thư tín, cũng như bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm của cá nhân. Mặc dù pháp luật đã quy định quyền đời sống riêng tư của cá nhân là bất khả xâm phạm. Nhưng trên thực tế, quyền về đời sống riêng tư vẫn thường xuyên bị xâm phạm dưới nhiều hình thức và khó kiểm soát.

Với sự phát triển của mạng internet, bên cạnh những tiện ích của nó, những vấn đề liên quan đến việc bảo vệ đời tư, bảo vệ danh dự, uy tín của cá nhân đã ngày càng phát sinh những vấn đề phức tạp bởi sức lan tỏa của những thông tin trên mạng internet. Không ít trường hợp, mạng xã hội bị lạm dụng để công khai nhiều thông tin, sự kiện liên quan đến cá nhân, tổ chức trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, thậm chí trong đó có những thông tin mang tính kích động, sai sự thật, từ đó gây ra những nhận thức sai lệch về một vấn đề, một con người nào đó.

PGS.TS. Phùng Trung Tập (Khoa Pháp luật dân sự, Trường Đại học Luật Hà Nội) đánh giá, những hành vi xâm phạm đến quyền về đời sống riêng tư được thể hiện với nhiều hình thức khác nhau, nhưng cùng có chung mục đích là nhằm khai thác những quan hệ, thông tin liên quan đến đời tư của cá nhân để sử dụng vào mục đích riêng của người có hành vi xâm phạm.

Theo đó, những hành vi xâm phạm quyền về đời sống riêng tư được thể hiện trong việc thu thập, lưu giữ những thông tin liên quan đến đời sống riêng tư của cá nhân không được sự đồng ý của cá nhân có đời tư đó và sử dụng, công khai những thông tin về đời sống riêng tư của cá nhân trên mạng xã hội, trên báo chí, thông qua các kênh thông tin khác như thư điện tử... 

Pháp luật không những bảo vệ quyền về đời sống riêng tư của cá nhân người trưởng thành, mà còn có quy định bảo vệ quyền về đời sống riêng tư của cá nhân dưới 18 tuổi. Tại khoản 11 Điều 6 Luật Trẻ em năm 2016 quy định không được công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư của trẻ em từ 7 tuổi trở lên mà không đươc sự đồng ý của cha, mẹ, người giám hộ của người đó. Theo nguyên tắc này, khoản 2 Điều 54 có quy định cơ quan, tổ chức, cá nhân quản lý, cung cấp sản phẩm dịch vụ, thông tin và tổ chức hoạt động trên môi trường mạng phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn về bí mật đời sống riêng tư cho trẻ em theo luật định.

“Những hành vi xâm phạm quyền về đời sống riêng tư được thể hiện dưới nhiều hình thức như trực tiếp, thông qua mạng xã hội, thông qua Zalo, Facebook, thư điện tử, tin nhắn… với mục đích làm bộc lộ đời sống riêng tư của cá nhân nhằm phục vụ cho lợi ích của mình hoặc thông tin cho người thứ ba biết được đời sống riêng tư của cá nhân, gây bất lợi cho cá nhân trong các quan hệ xã hội…” - ông Phùng Trung Tập chia sẻ trong một hội thảo chuyên đề diễn ra mới đây. 

Cần bổ sung quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại

Từ nhận diện mức độ phức tạp của việc xâm phạm đời sống riêng tư, PGS.TS. Phùng Trung Tập cho rằng, hành vi xâm phạm đến đời sống riêng tư của cá nhân về quan hệ gia đình, quan hệ xã hội, quan hệ tình cảm, quan hệ huyết thống, quan hệ rất riêng biệt như thói quen, tính cách, dị tật… Nhiều thông tin bịa đặt, không có thực về đời tư của cá nhân gây ra những tổn thất tinh thần cho người bị xâm phạm quyền về đời sống riêng tư.

Tuy nhiên, trên thực tế, trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm quyền về đời sống riêng tư không được quy định trong BLDS năm 2015, theo đó nguyên tắc bồi thường, mức độ bồi thường thiệt hại theo trách nhiệm dân sự cũng không được quy định rõ như bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm, mặc dù quyền về đời sống riêng tư là quyền nhân thân của cá nhân. 

Liên quan đến các quyền này, trong BLDS năm 2015, tại Điều 592 quy định về thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm, Điều 607 quy định trách nhiệm này thì ngoài những khoản bồi thường về chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại, thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút, người gây thiệt hại còn có trách nhiệm bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần cho người bị gây thiệt hại theo thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì khoản bồi thường tổn thất về tinh thần cho người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá 10 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

Điều 606 BLDS quy định về bồi thường thiệt hại do xâm phạm thi thể, ngoài khoản bồi thường thiệt hại do xâm phạm thi thể gồm chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại, người gây thiệt hại phải chịu trách nhiệm bồi thường khoản tiền để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người chết… Nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa đối với mỗi thi thể bị xâm phạm không quá 30 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

Điều 607 BLDS quy định về bồi thường thiệt hại do xâm phạm mồ mả, ngoài khoản bồi thường khoản chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại, người gây thiệt hại do mồ mả bị xâm phạm còn phải bồi thường một khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích theo thứ tự hàng thừa kế của người chết… Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần nếu không thỏa thuận được, thì mức tối đa đối với mỗi mồ mả bị xâm phạm không quá 10 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

Căn cứ vào các hành vi gây thiệt hại về danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác, gây thiệt hại do xâm phạm thi thể, gây thiệt hại do xâm phạm mồ mả thì người gây thiệt hại có trách nhiệm bồi thường những chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại và đều có trách nhiệm bồi thường tổn thất về tinh thần với các mức 10 mức lương cơ sở hoặc 30 mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

Quyền về đời sống riêng tư là quyền nhân thân của cá nhân, cũng tương tự như quyền đối với danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân, nhưng không được quy định cụ thể thì khi quyền này bị gây thiệt hại, việc xác định nguyên tắc, mức độ bồi thường thiệt hại tương tự như danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm như thế nào? “Đây là một hạn chế của chế định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Vì vậy, chế định trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng trong BLDS cần phải bổ sung quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do quyền về đời sống riêng tư bị xâm phạm, nhằm điều chỉnh những tranh chấp liên quan đến hành vi xâm phạm quyền về đời sống riêng tư và nhất thể hóa quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng” – PGS.TS Phùng Trung Tập đề xuất.

PGS.TS. Phùng Trung Tập (Đại học Luật Hà Nội):

Đối với trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm quyền bí mật gia đình, cần xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thu thập, lưu trữ, quản lý, sử dụng những thông tin phục vụ cho hoạt động nghiệp vụ mà có hành vi gây thiệt hại do xâm phạm đến bí mật gia đình chịu trách nhiệm bồi thường theo mức độ như thế nào.

Đồng thời, cần quy định cụ thể nguyên tắc bồi thường thiệt hại, cách xác định bồi thường thiệt hại, mức bồi thường thiệt hại, người có trách nhiệm bồi thường thiệt hại, người được bồi thường thiệt hại, thời hạn bồi thường thiệt hại.

Bên cạnh đó, nên quy định về khoản tiền bồi thường do tổn thất về tinh thần khi quyền bí mật gia đình bị xâm phạm, khoản tiền này có thể được quy định ở mức cao hơn mức bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm, bởi vì quyền về bí mật gia đình liên quan đến nhiều người, xâm phạm đến các quan hệ hôn nhân, huyết thống, ảnh hưởng đến không những một thế hệ, mà có thể gây ảnh hưởng xấu đến nhiều thế hệ của một gia đình.

Đọc thêm